Đường dẫn truy cập

Facebook phát hiện nỗ lực mới can thiệp bầu cử Mỹ 2018


Facebook hôm thứ Ba cho biết đã loại bỏ 32 trang và tài khoản khỏi Facebook và Instagram, một phần trong nỗ lực chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các cuộc bầu cử Mỹ.
Facebook hôm thứ Ba cho biết đã loại bỏ 32 trang và tài khoản khỏi Facebook và Instagram, một phần trong nỗ lực chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các cuộc bầu cử Mỹ.

Facebook phát hiện một chiến dịch mới có phối hợp nhằm gây ảnh hưởng chính trị để lừa mị người dùng và tổ chức các cuộc huy động trước cuộc bầu cử Quốc hội ở Mỹ vào tháng 11. Facebook ngày 31/7 cho biết đã đình chỉ hàng chục tài khoản giả mạo trên trang mạng xã hội này.

Một cánh tuyên truyền của Nga đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ bằng cách đăng và mua quảng cáo trên Facebook, theo Facebook và các cơ quan tình báo Mỹ dù Moscow phủ nhận dính líu vào nỗ lực này.

Facebook hôm thứ Ba cho biết đã loại bỏ 32 trang và tài khoản khỏi Facebook và Instagram, một phần trong nỗ lực chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các cuộc bầu cử Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ nói những nỗ lực can thiệp đó là nguy hiểm cho nền dân chủ.

Facebook cho biết họ vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi của cuộc điều tra và chưa biết ai có thể đứng đằng sau chiến dịch gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử năm 2018 để quyết định liệu phe Cộng hòa có kiểm soát Quốc hội hay không.

Giám đốc Điều hành (COO) Sheryl Sandberg của Facebook cho biết những nỗ lực nhằm thao túng dư luận có thể trở nên phức tạp hơn để tránh sự giám sát của Facebook, và gọi đó là một "cuộc chạy đua vũ trang."

"Hành vi này không được cho phép trên Facebook vì chúng tôi không muốn mọi người hoặc các tổ chức tạo ra các mạng lưới tài khoản để lừa dối người khác về chuyện họ là ai hoặc họ đang làm gì," công ty cho biết trong một bài blog.

Hơn 290.000 tài khoản đã theo dõi cập nhật từ ít nhất một trong các trang này và khoảng 11.000 đôla đã được chi để đăng khoảng 150 quảng cáo, Facebook cho biết. Các trang này đã tạo khoảng 30 sự kiện kể từ tháng 5 năm 2017.

Facebook từ nhiều tháng qua đã hứng chịu chỉ trích về việc họ giám sát hoạt động gây ảnh hưởng trên website của mình và những mối lo ngại về quyền riêng tư của người dùng gắn với các thỏa thuận từ lâu nay với các nhà phát triển cho phép họ tiếp cận dữ liệu người dùng cá nhân.

Các quan chức của Facebook cho báo giới biết một tài khoản được biết tới thuộc Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga là đồng quản trị viên trong vòng bảy phút của một trong những trang giả tạo này, nhưng công ty không tin rằng đó là bằng chứng đầy đủ để qui trách chính phủ Nga về chiến dịch gây ảnh hưởng.

Công ty trước đó đã nói 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung chính trị được Nga hậu thuẫn trên Facebook trong khoảng thời gian hai năm và 16 triệu người có thể đã tiếp xúc với thông tin của Nga trên Instagram.

Adam Schiff, thành viên cao cấp nhất của phe Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ, hối thúc Facebook hành động nhắm vào các nhóm nước ngoài đang tìm cách làm lung lạc cử tri Mỹ và cảnh báo người dùng thực thụ rằng hoạt động như vậy, như đã thấy trong năm 2016, đang diễn ra trong năm nay.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr, một nghị sĩ Cộng hòa, cho biết trong một tuyên bố sẽ có một phiên điều trần vào ngày thứ Tư về mối đe dọa trên mạng nhắm vào an ninh bầu cử của Mỹ.

Ông Burr nói mục tiêu của các hoạt động gây ảnh hưởng "là gieo rắc bất hòa, ngờ vực, và chia rẽ trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các thể chế của chúng ta và hệ thống chính trị của chúng ta. Người Nga muốn một nước Mỹ suy yếu."

Washington đã áp đặt các chế tài lên Nga sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Moscow đã can thiệp nhằm làm suy yếu cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, một trong những lí do khiến quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đã nói họ muốn cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân.

Facebook tiết lộ hồi tháng 9 năm ngoái rằng người Nga đã sử dụng tên giả và sử dụng mạng xã hội này để cố gắng gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử năm 2016. Họ viết về những vấn đề gây chia rẽ, tạo ra các sự kiện và mua quảng cáo.

Các cơ quan tình báo Mỹ nói những hoạt vụ Nga đã tiến hành một chiến dịch kết hợp các bài viết giả mạo đăng trên mạng xã hội và tấn công tin tặc mạng lưới máy tính của Đảng Dân chủ, cuối cùng trở thành một nỗ lực trợ giúp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, người đã giành chiến thắng bất ngờ trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

VOA Express

XS
SM
MD
LG