Đường dẫn truy cập

Thị trường châu Á chờ chính sách rõ ràng hơn của ông Trump


Một người đọc báo với tiêu đề 'Tổng thống đắc cử Donald Trump gây ra một cú sốc lớn ở Mỹ' tại một sạp báo ở Bắc Kinh, 10/11/2016.
Một người đọc báo với tiêu đề 'Tổng thống đắc cử Donald Trump gây ra một cú sốc lớn ở Mỹ' tại một sạp báo ở Bắc Kinh, 10/11/2016.

Tăng cường bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại với Trung Quốc là những lo ngại lớn trong lúc các thị trường châu Á chờ chính sách rõ ràng hơn của chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống tân cử Donald Trump.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump luôn nói đến việc tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh “thao túng tiền tệ” để trục lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Các nhà phân tích thị trường và các kinh tế gia ở châu Á nói rằng bất cứ một chính sách bảo hộ mậu dịch nào cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Ông Triphon Phumiwasana là một đối tác của công ty tài chánh Hatton Capital Partners ở Thái Lan. Ông nói:

"Điều tôi lo ngại nhất là chính sách bảo hộ mậu dịch trong nghị trình của ông Trump, nhất là đối với Trung Quốc. Một khi Trung Quốc bị tác động sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền cung ứng nguyên liệu cho công xưởng sản xuất của thế giới, và cả dây chuyền cung ứng sẽ chậm lại là điều đáng lo ngại nhất."

Các nhà phân tích nói rằng nếu ông Trump đi theo chính sách tăng mạnh thuế nhập khẩu, thì hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến người lao động và các doanh nghiệp của Mỹ thôi, mà nó còn gây ra một cuộc chiến thương mại.

TQ: Trump nên công nhận lợi ích hợp tác kinh tế Mỹ-Trung
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:54 0:00

Chiến tranh thương mại

Bài xã luận đăng trên Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc số ra hôm thứ Hai nói rằng đe dọa của ông Trump về biểu thuế nhập khẩu rất có thể chỉ là những hô hào để vận động tranh cử mà thôi. Nhưng nếu ông Trump theo đuổi chính sách thuế nhập khẩu đó, Trung Quốc sẽ đáp trả sòng phẳng.

Tờ báo nói thêm: “Đơn đặt mua một loạt máy bay Boeing sẽ được thay bằng máy bay Airbus. Doanh thu từ điện thoại iPhone và xe ô-tô Mỹ trên thị trường Trung Quốc sẽ chịu tổn thất, đậu nành và bắp của Mỹ bán vào Trung Quốc sẽ bị chận lại. Trung Quốc cũng sẽ giới hạn số học sinh du học ở Mỹ.”

Xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc tăng cao rõ rệt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama. Tuy nhiên cùng lúc đó thâm hụt của Mỹ trong trao đổi mậu dịch với Trung Quốc tiếp tục tăng lên những mức kỷ lục mới, vượt quá 365 tỉ đôla trong năm 2015.

Các nhà phân tích nói rằng một chính sách “Mỹ Trước” sẽ có lợi cho doanh nghiệp Mỹ trên sân nhà, nhưng các nhà phân tích cũng xem đó là xu hướng “tự cô lập” của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của Mỹ với Ðông Nam Á.

Đe dọa của ông Trump sẽ “phạt” các doanh nghiệp Mỹ đưa hàng ra nước ngoài gia công được xem có thể gây ra một tác động tài chánh đáng kể đối với Philippines. Các nhà bình luận nói rằng ngành sản xuất hàng gia công của Philippines thu về tương đương với 10% tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của nước này.

Các nhà phân tích thị trường của hãng Capital Economics ở London nói rằng tăng cao biểu thuế đối với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc “có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.” Các nền kinh tế chính khác trong khu vực vốn là những nhà cung ứng nguyên liệu cho thị trường Trung Quốc, như Ðài Loan, và Malaysia, cũng sẽ bị tác động.

Các nhà phân tích của Capital Economics nói rằng ông Trump rất có thể sẽ bắt đầu nhiệm quyền tổng thống bằng việc dán cho Trung Quốc nhãn hiệu “thao túng tiền tệ,” và bộ tài chính của hai nước phải nhanh chóng bước vào đàm phán về chính sách tiền tệ.

Bảo hộ mậu dịch và tăng trưởng kinh tế

Ông Daniel Bean, trưởng ban nghiên cứu ngoại hối của Tập đoàn Ngân hàng ANZ ở Sydney, nhận định rằng trong bối cảnh Mỹ là đối tác thương mại chính của châu Á, thì việc tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Ông Bean cũng lo ngại về những chính sách khác của ông Trump đối với Trung Quốc:

"Việc ông Trump rêu rao rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống sẽ không tạo ra một môi trường hợp tác thực sự hữu ích."

Ông Bean nhận định rằng châu Á đang trong tình trạng không rõ ràng “ít nhất là cho đến ngày nhậm chức của ông Trump vào tháng Giêng tới, và tất nhiên sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra” mặc dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện tại “trông có vẻ hợp lý” và thương mại “vẫn tự do và minh bạch.”

Nhưng ông Derek Scissors, một kinh tế gia và là một học giả của Viện nghiên cứu American Enterprise ở thủ đô Washington, nói rằng vẫn còn quá sớm để suy đoán liệu chính quyền của ông Trump “sẽ ưu tiên cho những chiến lược thương mại hơn hay dứt khoát bảo hộ mậu dịch.”

Ông Bean nói: “Nếu chúng ta chỉ thấy những giới hạn, mà không thấy những sáng kiến mới mở rộng trao đổi thương mại, thì điều đó có nghĩa là chính quyền này theo chủ nghĩa bảo hộ.”

Trên mặt trận thương mại, những mối lo khác còn có việc chính quyền của ông Trump sẽ điều đình lại, thậm chí có thể bãi bỏ hoàn toàn hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS).

Các nhà phân tích của Capital Economics nói rằng “việc bãi bỏ hiệp định KORUS sẽ là một cú giáng mạnh vào ngành xuất khẩu của Hàn Quốc, đặt biệt là xe ô tô – ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định tự do thương mại này.

Ông Trump ‘buông’ TPP, Trung Quốc đắc lợi?
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:13 0:00

TPP

Một tiến trình thương mại đã chịu tác động ngay từ cuộc vận động tranh cử là Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, giữa 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương.

TPP là phần then chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Nhưng cả ông Trump lẫn cựu đối thủ của ông là bà Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ đều lên tiếng phản đối TPP trong quá trình vận động tranh cử.

Ông Trump hứa sẽ rút TPP lại ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức.

Thỏa thuận chung cuộc được 12 quốc gia đúc kết hồi tháng 10 năm 2015 đang chờ chính phủ của mỗi nước thông qua. Tất cả các nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam và Malaysia, là thị trường nhập khẩu đến 44% hàng xuất khẩu của Mỹ và đến 85% nông sản xuất khẩu của Mỹ.

Một báo cáo mới đây của Hội đồng Quan hệ Nước ngoài nói rằng những thay đổi trong các điều khoản của TPP có việc tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ, ủng hộ luật doanh nghiệp cạnh tranh và minh bạch cùng với việc thực thi các tiêu chuẩn về môi trường và lao động.

Mặc dù TPP từng được xem là một “biểu tượng của sự cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Á,” nay vẫn chưa thật sự rõ là nếu ông Trump rút lại TPP, thì hậu quả của nó sẽ như thế nào đối với vai trò của Mỹ trong khu vực.

Một số người tin rằng chấm dứt TPP sẽ có tác dụng khuyến khích cho thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực của Trung Quốc, gọi tắt là RCEP, và sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc bước vào một vị trí có nhiều ưu thế hơn để đẩy mạnh các hiệp ước thương mại của họ.

Hệ quả

Việc Washington rút khỏi TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc tùy thuộc vào việc ông Trump làm những gì tiếp theo sau đó.

Ông Scissors của American Enterprise nhận định: “Nếu Mỹ đi xa hơn nữa trong việc bác bỏ TPP rồi bắt đầu bỏ mặc châu Á, thì tất nhiên Trung Quốc sẽ giữ vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên điều đó có thể dẫn đến việc những nước khác như Nhật Bản và Ấn Ðộ sẽ tìm cách đối trọng với Trung Quốc thay vì đẩy mạnh hợp tác.”

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế của Malaysia, ông Mustapa Mohamed, trong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, nói rằng sẽ có đến một triệu công việc làm mới được tạo ra nhờ vào hiệp ước TPP. Ông nói: “Nếu không có TPP, thì sẽ không có một triệu công việc làm đó.”

Các kinh tế gia nói ông Trump có thể sẽ tương nhượng một số chính sách, trong đó có vấn đề thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, và thương thuyết lại hiệp ước tự do thương mại với Hàn Quốc.

Thị trường châu Á chờ chính sách rõ ràng hơn của ông Trump
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:36 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG