Đường dẫn truy cập

‘Thế hệ bị mất’ của Cuba chuẩn bị nắm quyền tuần tới


Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Phó Chủ tịch Miguel Diaz Canel hồi năm 2016
Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Phó Chủ tịch Miguel Diaz Canel hồi năm 2016

Các ông Fidel và Raul Castro là những du kích quân lôi thôi lếch thếch hồi năm 1959, khi họ xuống núi ở đông Cuba, cướp chính quyền và không bao giờ từ bỏ nó. Người Cuba sinh ra trong những thập kỷ đầu sau cuộc cách mạng được biết đến là "thế hệ bị mất" của Cuba, họ dành cả đời để thực hiện mệnh lệnh của các nhà cách mạng có độ tuổi trung niên hoặc già hơn.

Tuần tới, ông Raul Castro sẽ rời chức chủ tịch nước sau một thập niên nắm quyền, bàn giao chức này cho người kế nhiệm được nhiều người dự báo sẽ là Phó Chủ tịch Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi. Cuộc bàn giao ngày 19/4 là điểm nhấn trong một sự chuyển giao lớn hơn đến tay nhóm các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ bị mất, họ phải đối mặt với thử thách chưa từng thấy về khả năng dẫn dắt một quốc gia đã từng đi theo hai vị chỉ huy duy nhất trong 60 năm.

Thế giới không nên trông đợi sẽ có sự thay đổi đột ngột ngay lập tức từ hệ thống độc đảng đặt sự ổn định lên trên hết. Ông Raul Castro sẽ vẫn là bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản, được hiến pháp Cuba coi là "lực lượng chỉ đạo tối cao của đất nước".

Cùng với ông Diaz-Canel, một nhóm các nhà lãnh đạo trung niên đang được người ta hết sức chú ý tới và được xem là những ứng cử viên cho các vị trí nhiều sức mạnh hơn. Trong số đó có Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez, 60 tuổi; lãnh đạo đảng bộ Havana Mercedes Lopez Acea, 54 tuổi; nhà cải cách kinh tế Marino Murillo, 57 tuổi; và ông Lazaro Exposito, 63 tuổi, lãnh đạo đảng bộ Santiago, tỉnh đông dân thứ nhì Cuba.

Dù có phong cách cá nhân thế nào, Cuba mà ông Diaz-Canel sẽ lãnh đạo hoàn toàn khác đất nước mà ông đã biết khi còn nhỏ và khi còn là thanh niên.

Đặc điểm nổi bật nhất của ông trong những năm gần đây là ông không xuất hiện nhiều trước công chúng. Nhiều người Cuba tin rằng ông đang cố gắng tránh gặp phải số phận như của cựu Phó Chủ tịch Carlos Lage và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Felipe Perez Roque, những ngôi sao trẻ nổi lên thời ông Fidel Castro và bị đẩy bật khỏi quyền lực trong những năm đầu tiên thời ông Raul Castro làm chủ tịch.

Sau nhiều năm ít được biết đến, ông Diaz-Canel và thế hệ của ông phải chứng minh được rằng họ có thể dẫn dắt một quốc gia đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế sâu sắc, một chính quyền thù địch ở Hoa Kỳ, các đồng minh trong khu vực ngày càng rơi rụng, và các thế hệ trẻ Cuba ngày càng vỡ mộng.

Nhưng chỉ còn chưa đầy một tuần trước khi chủ tịch mới nhậm chức, nhiều người Cuba không tin rằng các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ bị mất sẽ có thể sửa chữa được những vấn đề họ thừa kế từ những người cộng sản đã lập nên Cuba ngày nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG