Đường dẫn truy cập

Thật – hư và vài số liệu để ngẫm về thành tích


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đưa ra những nhận định, tuyên bố hết sức lạc quan về hiện trạng, tương lai kinh tế - xã hội Việt Nam. Dựa trên các số liệu do Việt Nam công bố hoặc cung cấp, một số chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng chia sẻ sự lạc quan ấy bằng những dự báo tích cực…

Chỉ có điều thực trạng xã hội không như thế. Nếu dùng Google với những từ khóa kiểu như “lao đao”, “điêu đứng”,… có thể tìm ra rất nhiều tin, bài, hình ảnh cả trên hệ thống truyền thông chính thức, lẫn các các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, mô tả số người, số giới khốn khó do bế tắc về sinh kế càng ngày càng nhiều! Đó là chưa kể nếu đặt vài loại số liệu chính thức bên cạnh nhau ắt sẽ thấy thật – hư thật khó lường…

***

Tháng trước, dựa trên các số liệu đã thu thập, Tổng cục Thống kê (GSO) liệt kê hàng loạt điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở quý một năm nay. Theo đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định. GDP tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái. GSO bảo rằng, điều đó cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Cũng thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) như GSO nhưng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý ĐKKD) lại đưa ra những số liệu hết sức u ám về sự ổn định và phát triển của kinh tế - xã hội: Trong bốn tháng đầu năm 2021, mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 430 doanh nghiệp phải rời thị trường. Số doanh nghiệp rời thị trường cao hơn khoảng 15% so với số doanh nghiệp mới thành lập (khoảng 368/ngày).

Cục Quản lý ĐKKD còn lưu ý thêm, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ lũ lượt rời bỏ thị trường, số doanh nghiệp lớn (qui mô vốn ở mức trên 100 tỉ) rời thị trường cũng đã tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là chưa kể trong bốn tháng vừa qua số lượng doanh nghiệp đang chờ hoàn tất thủ tục giải thể đã vượt quá con số 16.000, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 17,5% (2).

Ngoài Cục Quản lý ĐKKD, tháng rồi, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết. khi tiến hành khảo sát để thực hiện Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020, khoảng 87% doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp hoạt động bằng vốn đầu tư của ngoại quốc - FDI) xác nhận, dịch COVID-19 tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động nên họ gặp rất nhiều khó khăn.

***

Tháng trước, Bộ Tài chính loan báo, tổng thu ngân sách nhà nước của quý một năm nay đạt 403,7 ngàn tỷ đồng, bằng 30,1% mức thu dự trù cho năm nay, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, 8 trong số 12 khoản thu và nhóm khoản thu đạt tiến độ tích cực. Từ kết quả này Bộ Tài chính cho rằng đó là bằng chứng về hiệu quả của các chính sách phòng - chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 (3).

Tháng này, Ngân hàng Nhà nước loan báo, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải ngân được gần 43 tỉ từ Gói Tín dụng ưu đãi trị giá 16.000 tỉ cho doanh nghiệp vay để trả lương cho khoảng 11.000 người phải ngưng làm việc vì tác động của dịch COVID-19. Tính ra số tiền đã giải ngân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chỉ khoảng… 0,27%!

Đến nay, tổng số doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường do tác động của COVID-19 đã vượt qua mức 100.000 nhưng chỉ có… một doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi và theo VCCI thì nguyên nhân là vì chính phủ đặt định các điều kiện quá khắt khe. Sự khắt khe ấy không chỉ khiến các doanh nhân bế tắc mà còn nhấn những người lao động sống nhờ lương chìm sâu hơn trong khốn cùng.

***

Khi doanh giới từ nhỏ đến lớn lao đao, điêu đứng như vậy, GDP dựa vào đâu để tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái và chính phủ dựa vào đâu để tăng thu? Chẳng lẽ tỉ lệ tăng GDP, tăng thu ngân sách phải như thế để hỗ trợ cho nhận định sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng và để lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền có thể chứng tỏ sự tài tình, sáng suốt của mình?

Chú thích

(1) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/04/nhung-diem-sang-trong-tang-truong-kinh-te-viet-nam-quy-i-nam-2021/

(2) https://www.thesaigontimes.vn/td/315958/moi-ngay-co-gan-430-doanh-nghiep-dong-cua.html

(3) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-03-29/thu-ngan-sach-quy-i-2021-dat-hon-403-nghin-ty-dong-101697.aspx

(4) https://tuoitre.vn/chi-giai-ngan-duoc-gan-43-ti-trong-goi-tin-dung-uu-dai-16-000-ti-20210509160158913.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG