Đường dẫn truy cập

Thảm sát Mỹ Lai sau hơn một nửa thế kỷ: ‘Nó đang lặp lại ở Ukraine’


Những tấm ảnh màu ông Ron Haeberle chụp tại làng Mỹ Lai ngày 16/3/1968 được trưng bày tại cuộc triển lãm “Mỹ Lai: Một cuộc thảm sát lấy đi 504 sinh mạng và làm chấn động thế giới” trong khuôn viên trường Đại học San Diego, California.
Những tấm ảnh màu ông Ron Haeberle chụp tại làng Mỹ Lai ngày 16/3/1968 được trưng bày tại cuộc triển lãm “Mỹ Lai: Một cuộc thảm sát lấy đi 504 sinh mạng và làm chấn động thế giới” trong khuôn viên trường Đại học San Diego, California.

Lần đầu tiên, cựu phóng viên chiến trường Ron Haeberle trưng bày ra công chúng Mỹ toàn bộ những bức ảnh chụp bằng máy riêng của ông tại làng Mỹ Lai cách đây hơn 50 năm trong vụ thảm sát mà ông cho là đang được lặp lại ở cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine

“Tôi đã cảm thấy sợ hãi và kinh ngạc khi xem những bức ảnh đó,” Abigail Stallard, sinh viên chuyên ngành lịch sử tại Đại học San Diego, nói chia sẻ với VOA sau khi xem các bức ảnh tại cuộc triển lãm “Mỹ Lai: Một cuộc thảm sát lấy đi 504 sinh mạng và làm chấn động thế giới” đang được trưng bày trong khuôn viên trường đại học của tiểu bang California.

Đó là những bức ảnh mà ông Haeberle chụp tại làng Mỹ Lai trong cuộc thảm sát của quân đội Mỹ ngày 16/3/1968. Một vài trong những bức ảnh này đã được công bố trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên toàn bộ những bức ảnh màu mà ông Haeberle chụp bằng chiếc máy Nikon cá nhân được công bố cùng lúc trong dịp kỷ niệm 54 năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát.

'Những gì xảy ra ở Mỹ Lai...

Ông Haeberle, lúc đó là phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, tới làng Mỹ Lai bằng trực thăng ngày 16/3/1968 với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh của một trung đoàn bộ binh hơn 100 người đi tìm kiếm và tiêu diệt Việt Cộng, tức quân Bắc Việt, được cho là đang ẩn náu tại ngôi làng này – nhưng sau này được chứng minh là không đúng.

Trong số hơn 60 bức ảnh mà ông Haeberle chụp ngày hôm đó, có 40 bức đen trắng từ máy Leica do quân đội Mỹ cấp và những tấm còn lại từ máy cá nhân của ông. Các bức ảnh đen trắng được ông Haeberle nộp lên phòng chỉ huy trong khi những bức ảnh màu được ông giữ lại.

Tám trong số những bức ảnh đó được Plain Dealer, tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ thảm sát Mỹ Lai, công bố ngày 20/11/1969, kèm với bài viết điều tra của phóng viên Seymour Hersh để phanh phui hành động giết hại dân thường Việt Nam của binh lính Mỹ tại Mỹ Lai. Một tháng sau đó, Life Magazine đăng một số bức ảnh mà ông Haeberle chụp trong vụ thảm sát này.

Phong trào phản chiến bắt đầu từ những năm của thập kỷ 1960 nhưng với những gì mà Plain Dealer và Life Magazine đưa ra, trong đó có những bức ảnh của ông Haeberle, nhiều người Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi về tính hợp lệ về sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Là người đầu tiên phơi bày vụ thảm sát Mỹ Lai qua ảnh tới công chúng Mỹ, ông Haeberle cho biết ông vui mừng thấy người Mỹ đã nhận thức và biết nhiều hơn về cuộc chiến tranh này trong hơn 50 năm qua. Tuy nhiên ông cho rằng nó chưa được giảng dạy nhiều trong các trường học.

“Điều thực sự làm tôi buồn là kiến thức này trong giáo dục, ở các trường trung học, và chỉ có ba trang sách nói về những gì đã xảy ra ở Việt Nam hay cuộc Chiến tranh Việt Nam, và các giáo viên không nói nhiều về điều đó,” ông Haeberle nói, nhưng cho biết rằng ở cấp đại học “học sinh giờ đây đã bắt đầu học về những gì xảy ra ở Việt Nam” trong cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ba năm sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Nhưng với Abigail, cô lại có được may mắn khi là sinh viên tại trường Đại học San Diego nơi có các lớp học lịch sử về Chiến tranh Việt Nam và các bài giảng với nhiều nguồn tư liệu đa chiều về cuộc chiến. Măc dù vậy, những bức ảnh của ông Haeberle đã tạo ra “một bước ngoặt lớn” trong quan điểm của cô về Chiến tranh Việt Nam.

“Những bức ảnh của ông Haeberle đã dạy cho tôi biết chiến tranh xâm phạm thế nào tới nhân loại,” Abigail, người dự định học lên tiến sỹ để trở thành giáo sư sử học cho biết. “Tôi không nghĩ rằng bất cứ cái gì có thể biện minh cho việc giết người khác, đặc biệt là hành động bạo lực không thể tưởng tượng được với trẻ em. Không ai ở Mỹ Lai đáng phải chết và đó là một thảm kịch – chiến tranh đều là thảm kịch.”

Phóng viên chiến trường Ron Haeberle nói chuyện với các sinh viên tại Đại học San Diego ngày 16/3 về cuộc thảm sát ở Mỹ Lai.
Phóng viên chiến trường Ron Haeberle nói chuyện với các sinh viên tại Đại học San Diego ngày 16/3 về cuộc thảm sát ở Mỹ Lai.

…đang lặp lại ở Ukraine’

Thảm kịch này đang một lần nữa xảy ra ở Ukraine, theo ông Haeberle, người đã chứng kiến hàng trăm phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị giết hại dưới làn đạn của binh lính Mỹ ở Mỹ Lai cách đây hơn nửa thế kỷ.

“Cái đang xảy ra hiện nay, lịch sử của ngày 16/3/1968 đang được lặp lại lúc này ở Ukraine, sự tàn sát dân thường, phụ nữ, trẻ em,” ông Haeberle, 80 tuổi, nói. “Nó gợi lại những gì đã xảy ra ở Mỹ Lai, giống như là song song với những gì đang xảy ra hiện nay ở Ukraine.”

Trong 4 giờ truy tìm Việt Cộng ở làng Mỹ Lai, binh lính Mỹ chỉ tìm thấy dân thường, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, và 504 trong số họ đã bị giết hại. Một cuộc điều tra sau này cho biết binh lính Mỹ đã hãm hiếp một số phụ nữ và sau đó đốt cháy ngôi làng.

Còn tại Ukraine, lực lượng của Nga đã đánh bom vào một bệnh viện hộ sản tại Mariupol và một nhà hát được đánh dấu là nơi trú bom của trẻ em. Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu ngày 24/2, đã có gần 1.000 thường dân thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, theo thống kê của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tính đến ngày 24/3. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh trong khi một tòa án riêng rẽ có thể sẽ được thành lập để xem xét tội ác chiến tranh tại Ukraine.

Với những bức ảnh của mình về vụ thảm sát Mỹ Lai, hiện đang được trưng bày ở Đại học San Diego tới ngày 28/3, ông Haeberle mong tạo ra một sự thay đổi trong cách nhìn về chiến tranh của thế hệ trẻ ở Mỹ.

“Hy vọng rằng với những gì đã xảy ra ở Mỹ Lai, những gì đang xảy ra ở Ukraine, các sinh viên có thể học được điều gì đó và một sự thay đổi có thể xảy ra,” ông Haeberle nói.

Tại cuộc triển lãm ở Đại học San Diego, các sinh viên ban đầu không thể tin rằng binh lính Mỹ có thể hành động một cách tàn nhẫn như vậy, theo ông Ron Carver, người tổ chức cuộc triển lãm và cũng là một nhà hoạt động lâu năm vì xã hội-công bằng và lao động.

“Chúng tôi đã giải thích với các sinh viên rằng đây là một phần vấn đề của bất cứ cuộc chiến tranh nào, nhưng nó trở nên trầm trọng hơn do một số chính sách của các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc yêu cầu báo cáo hàng ngày về số lượng thi thể,” ông Carver nói.

Với việc quyết định công khai các bức ảnh vì nhận thấy đây là một tội ác dù nó được thực hiện bởi những người lính Mỹ là đồng đội của ông, ông Haerberle đã nhận những chỉ trích của nhiều người Mỹ lúc đó – họ gọi ông là “kẻ phản bội.” Năm 1970, ông đã ra điều trần khi chính phủ Mỹ điều tra vụ thảm sát mà Việt Nam nói là khoảng 500 dân thường ở Mỹ Lai bị giết hại. Hai mươi sáu binh sỹ và sỹ quan lục quân Hoa Kỳ bị buộc tội, trong đó có 1 người bị kết án.

Ông Carver cho biết những tấm ảnh của ông Haeberle quan trọng ở chỗ chúng không chỉ cho thấy những người Việt Nam bị giết hại mà còn cả những người đã sống sót, trong đó có hai anh em Trần Văn Đức và Trần Thị Hà, những người sau này đã có dịp đoàn tụ với người chụp ảnh họ trong thảm kịch đó.

Cuộc triển lãm, được kết hợp với việc trưng bày các bức ảnh về phong trào phản chiến của binh lính Mỹ cuối thập kỷ 1960 đầu những năm 1970, dự kiến sẽ được đưa tới các thành phố khác như San Francisco ở California, Seattle ở Washington, hay Boulder ở Colorado trong năm nay.

Ông Carver cũng hy vọng sẽ mang cuộc triển lãm này tới Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG