Đường dẫn truy cập

Tham nhũng tràn lan, đăng kiểm Việt Nam rơi vào khủng hoảng


Các nhân viên đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm ở tỉnh Nghệ An đang nghe công an đọc lệnh bắt (Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động)
Các nhân viên đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm ở tỉnh Nghệ An đang nghe công an đọc lệnh bắt (Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động)

Khủng hoảng ở hệ thống đăng kiểm xe ở Việt Nam ngày càng lan rộng với hàng chục cục đăng kiểm bị khám xét, hàng trăm cán bộ đăng kiểm bị bắt vì nhận hối lộ, dẫn đến thiếu nhân sự và nhiều người đã bị khởi tố nhưng vẫn thực thi chức vụ, báo chí trong nước đưa tin.

Hệ thống lung lay

Mới đây nhất, hôm 28/2, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khám xét thêm một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở huyện Bình Chánh, tờ Người Lao Động đưa tin, nhưng chưa rõ liệu có thêm ai sẽ bị khởi tố hay không.

Còn ở Hà Nội, cũng trong ngày 28/2, Công an Quận Hoàng Mai đã bắt tạm giam 9 người tại một trung tâm đăng kiểm ở quận này để điều tra về tội ‘Nhận hối lộ’, bao gồm trưởng, phó trung tâm và 7 đăng kiểm viên.

Theo cơ quan công an thì các bị can này đã nhận tiền hối lộ của các chủ xe đến đăng kiểm để bỏ qua các vi phạm như thiếu dây an toàn ghế sau, thiếu búa thoát hiểm, thiếu cần gạt kính, hư đèn thắng, hư đèn lùi, chảy dầu, lỗi trong hộp số…

Mỗi nhân viên và lãnh đạo ở trung tâm đăng kiểm ở Quận Hoàng Mai này đã được chia từ 2 đến 10 triệu đồng/ tháng tùy theo chức vụ. Tổng cộng số tiền mà họ đã tham ô là vào khoảng 5 tỷ đồng trong vòng 5 năm, tờ Tiền Phong dẫn thông tin từ cơ quan điều tra cho biết.

Chỉ riêng ở Hà Nội, cho tới nay đã có 15 trung tâm đăng kiểm được xác định có sai phạm. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có 128 người ở các trung tâm đăng kiểm đã bị khởi tố điều tra. Các bị can bị khởi tố về các tội ‘Môi giới hối lộ’, ‘Đưa hối lộ’, ‘Nhận hối lộ’, "Giả mạo trong công tác’…

Đăng kiểm thiếu người

Việc trấn áp quyết liệt này đã khiến hệ thống đăng kiểm Việt Nam bị thiếu nhân lực trầm trọng, một phần do một số người đã bị bắt, một phần do nhiều đăng kiểm viên xin nghỉ hoặc không dám đi làm vì sợ bị công an bắt, trang mạng VnExpress cho biết.

Trang mạng này dẫn lời ông Nguyễn Tô An, cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, nói hôm 26/2 rằng trong thời gian qua kể từ cuộc khủng hoảng đăng kiểm bùng nổ, toàn ngành đang thiếu đến 30-40% nhân sự, khiến nhiều trung tâm đăng kiểm phải ngừng hoạt động.

Ông An đơn cử ở Hà Nội, chỉ còn 16 trong tổng số 31 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động, khiến năng lực đăng kiểm chỉ còn một nửa. Tình trạng ở thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy khi năng lực đăng kiểm ở đây chỉ còn 53%, với 11 trong tổng số 19 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động.

Tình trạng này được dự báo sẽ khiến hoạt động đăng kiểm trong thời gian tới sẽ bị ùn ứ nghiêm trọng, ông An được VnExpress dẫn lời cho biết.

Trước tình hình này, một số đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng không bị bắt tạm giam vẫn được yêu cầu đi làm. “Hà Nội có 12 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng vẫn làm việc,” ông An được VnExpress dẫn lời nói.

“Hệ thống đăng kiểm đang đứng trước nguy cơ bị đứt gãy, thậm chí sụp đổ khi nhân sự bị thiếu hụt nghiêm trọng,” cục phó Cục Đăng kiểm nói thêm.

Tư nhân đầu tư

Đăng kiểm xe cơ giới ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã được giao cho tư nhân đầu tư và thực hiện dưới quyền của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, cục trưởng Cục Đăng kiểm trung ương được xác định đã nhận hối lộ để duyệt cấp mã số đăng kiểm và chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho các trung tâm đăng kiểm tư nhân.

Đến lượt mình, các giám đốc trung tâm đăng kiểm tư nhân này chỉ đạo các đăng kiểm viên dưới quyền nhận hối lộ của khách hàng.

Cả hai Cục trưởng đương nhiệm và tiền nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tức là các ông Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình, đều đã bị bắt tạm giam hồi tháng trước để điều tra về tội ‘Nhận hối lộ’. Ông Hình nắm quyền từ năm 2014 đến 2021, còn ông Hà lên thay ông Hình từ năm 2021 đến nay.

Ông Hình được cho là đã nhận chung chi ‘hàng quý, hàng tháng’ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khắp cả nước.

Không chỉ ở hai thành phố lớn nhất nước, khủng hoảng đăng kiểm còn lan ra khắp các tỉnh thành khác như Huế, Nghệ An, Hưng Yên, Bình Dương, Tuyên Quang, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bắc Giang…

Cơ quan điều tra xác định đã có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định gian dối khắp cả nước với số tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng, Tuổi Trẻ cho biết.

Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG