Đường dẫn truy cập

Bầu cử có thể không mang lại sự ổn định cho Thái Lan


Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva đang bị áp lực ngày càng nhiều đòi ông từ chức và tổ chức bầu cử mới sau khi xảy ra những vụ đụng độ gây chết người giữa quân đội và người biểu tình chống chính phủ. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ Bangkok, các chuyên gia phân tích chính trị nói rằng một chính phủ mới có phần chắc sẽ không đem lại sự ổn định.

Những người biểu tình chống chính phủ tiếp tục chiếm đóng các địa điểm quan trọng ở Bangkok, bất chấp những vụ xung đột với lực lượng an ninh hôm thứ Bảy tuần trước đã làm 21 người thiệt mạng, trong số đó có 16 người biểu tình.

Trong lúc cả hai bên để tang những người đã chết, và hoạch định các bước kế tiếp, các chuyên gia phân tích thời cuộc ở Bangkok nói rằng nạn nhân tiếp theo ngày càng có phần chắc là chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Người biểu tình mặc áo đỏ muốn ông Abhisit tổ chức các cuộc bầu cử mới ngay tức thời, và bác bỏ đề nghị của ông về các cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng. Họ đã biểu tình tại Bangkok hơn 1 tháng nay.

Ông William Case là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông nam châu Á tại trường Đại học Thành phố Hong Kong.

Ông Case nói: “Như ta biết, ông ấy đã thử biện pháp cứng rắn, ông ấy đã thử cả biện pháp mềm. Dường như không có biện pháp nào có hiệu quả. Ông chỉ khiến cho các lực lượng áo đỏ trở nên táo bạo và xa lánh ông. Và hậu quả là ông ấy mất đi rất nhiều lợi thế cũng như uy tín, và dường như ông ấy không còn nhiều lựa chọn nữa.”

Chính phủ đã ra lệnh rút các lực lượng an ninh và bầy tỏ sự thương tiếc những người thiệt mạng. Nhưng các giới chức cho hay binh sĩ đang chuẩn bị cho khả năng có thể có thêm hành động chống lại những người biểu tình.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy có thể có sự rạn nứt giữa chính phủ và quân đội, người đứng đầu quân lực, tướng Anupong Paochinda, nói ông chống lại việc sử dụng vũ lực. Thay vì thế, ông nói chính phủ phải tập trung vào việc thương lượng về thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Ông Case nói quyết định của ông Abhisit sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình có thể đã khiến ông mất đi sự ủng hộ.

Ông Case nhận định: “Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc ông ấy bị buộc phải từ bỏ quyền hành. Đơn giản là ông ấy không còn có ích cho giới thượng lưu từ trước đến nay nữa. Vì thế họ sẽ phải đi tìm một cách khác và điều đó có nghĩa là, có thể phải hy sinh ông ấy.”

Thêm vào áp lực, Ủy ban Bầu cử nói rằng Đảng Dân chủ của ông Abhisit can tội nhận tiền gây quỹ bất hợp pháp và phải bị giải thể.

Quyết định chung cuộc sẽ là của một tòa án bảo hiến và theo dự kiến sẽ được đưa ra trong vài ngày, nếu không nói là vài tuần.

Ông Somchai Phatharathananunth, một giảng viên về chính trị Thái tại trường đại học Mahasarakham ở trung bộ Thái Lan, nói rằng cả ủy ban bầu cử lẫn tòa án bảo hiến đều không phải là không có sự can thiệp chính trị.

Ông Somchai cho biết: “Quyết định thực thụ sẽ được thực hiện trong hậu trường. Tôi cho rằng nếu họ điều đình trong hậu trường và đạt được một giải pháp thì sau đó họ sẽ thông báo.”

Bất chấp những tranh cãi chính trị, phán quyết của Uûy ban Bầu cử sẽ tăng thêm trọng lượng cho những lời kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Nhưng các chuyên gia phân tích nói rằng các cuộc bầu cử mới, mà có phần chắc phần thắng sẽ nghiêng về phía các ứng cử viên được sự ủng hộ của phe áo đỏ, sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc giảm bớt căng thẳng trong nước.

Ông Surat Horachaikul là một giáo sư về chính trị học tại trường Đại học Chulalongkorn.

Ông Surat nói: “Nếu có một chính phủ mới thì ta biết một số nhóm người khác sẽ nói là tôi không hài lòng với chính phủ này. Tôi muốn màu này, chính phủ phải mầu xanh, mầu vàng hay mầu đỏ, vân vân. Nhưng vấn đề không phải là chuyện dân chủ mà còn là chuyện phải chấp nhận một thứ mình không thích nữa.”

Nhiều người biểu tình ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và hiện đang sống ở nước ngoài để tránh một án tù về tội tham nhũng.

Ông Surat nói họ muốn xóa đi những cáo trạng chống lại ông Thaksin và đưa ông trở lại nắm quyền, và điều này sẽ lại khiến những người mặc áo vàng xuống đường trở lại.

Năm 2008, phe áo vàng đã bao vây tòa nhà chính phủ và trong suốt một tuần lễ đã chiếm đóng các phi trường ở Bangkok để tìm cách chấm dứt các chính phủ thân thiện với ông Thaksin. Cuối cùng các phán quyết về các thủ tục tranh cử đã lật đổ hai chính phủ ủng hộ ông này.

Giới thượng lưu và trung lưu ở thành thị Thái Lan coi ông Thaksin là tham nhũng và độc tài. Mặt khác, những người áo đỏ biểu tình chủ yếu xuất thân từ nông thôn. Họ nói rằng chính phủ hiện thời do giới thượng lưu ở Bangkok điều hành với sự hậu thuẫn của quân đội không lý gì đến những vấn nạn của họ.

Thủ tướng Abhisit nói ông vẫn sẵn sàng thương lượng với những người lãnh đạo biểu tình nhưng phe này đã bác bỏ chuyện mở thêm các cuộc đàm phán.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG