Đường dẫn truy cập

Thái Lan ấn định ngày bầu cử, phe đối lập chưa đồng ý


Người biểu tình chống chính phủ diễu hành qua trung tâm thủ đô Bangkok.
Người biểu tình chống chính phủ diễu hành qua trung tâm thủ đô Bangkok.
Thái Lan cho biết các cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức vào ngày 20 tháng 7 để tìm cách chấm dứt nhiều tháng bế tắc chính trị. Nhưng đảng đối lập chính cho biết họ chưa quyết định có tham gia bầu cử hay không. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Ðảng đối lập chính, Đảng dân Chủ, nói một cuộc bầu cử nữa trong tình hình hiện nay là không khả thi.

Phát ngôn viên của đảng, ông Chavanond Intarakomalysasut, nói với đài VOA rằng chính phủ cần phải đồng ý thực thi cải cách để các đảng viên Dân chủ có thể tham gia cuộc bầu cử.

“Tôi không thấy là chúng ta có thể có một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chúng tôi e rằng cuộc bầu cử sắp tới, nếu có diễn ra vào ngày 20 tháng 7, thì cũng sẽ giống như những gì đã xảy ra hôm 2 tháng 2.”

Ðảng Dân Chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử đó. Và người biểu tình chống chính phủ đã chặn đủ số các phòng bỏ phiếu để cuộc bầu cử không có giá trị.

Kể từ khi đó, có rất ít tiến bộ trong việc san bằng cách biệt giữa chính phủ và đối thủ của họ, dẫn tới những lo ngại rằng cuộc giằng co kéo dài sẽ làm cho du khách và các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh Thái Lan và gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Ông Chavanond nói vì quyền lợi của đất nước mà đảng Dân Chủ muốn thấy một cuộc bầu cử được tổ chức, nhưng không phải trước khi thực hiện những sự cải cách quan trọng.

“Chúng tôi chấp nhận thực tế là xã hội Thái nay đang đối mặt với một số vấn đề, chúng ta đang có những xung đột, và chúng ta phải giải quyết điều này trước khi xúc tiến các cuộc bầu cử.”

Người phát ngôn này cho hay ông Abhisit Vejjajiva, lãnh tụ đảng và là cựu thủ tướng, thứ bảy tới sẽ loan báo rằng đề nghị cải cách của ông phải được sự chấp thuận của “mọi thành phần xã hội.” Theo ông, điều đó bao gồm cả chính phủ lâm thời và phong trào biểu tình chống chính phủ như một điều kiện để đảng Dân chủ tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào.

Vương quốc Thái Lan đã lâm vào tình trạng rối loạn chính trị từ 8 năm nay.

Người biểu tình chống chính phủ muốn loại bỏ ảnh hưởng của gia đình Shinawatra ra khỏi chính sự Thái Lan.

Người anh của thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, ông Thaksin, là một doanh gia giàu có, đã từng giữ chức thủ tướng 5 năm cho đến năm 2006, khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, giữa những cuộc biểu tình đường phố của phong trào áo vàng.

Ông Thaksin đang tự ý sống lưu vong để tránh bị tù về tội tham nhũng. Mặc dù đang ở nước ngoài, ông vẫn có ảnh hưởng đáng kể đối với chính phủ của người em gái và đảng Pheu Thai.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có thể bị bãi chức trong vòng vài tuần lễ nữa.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có thể bị bãi chức trong vòng vài tuần lễ nữa.

Bà Yingluck lên nắm quyền tiếp theo cuộc tổng tuyển cử năm 2011, nhưng chính phủ của bà chỉ hoạt động một phần từ hồi tháng 12, khi bà giải tán quốc hội và quyết định tổ chức bầu cử vào tháng 2.

Những người hoạt động thân chính phủ, gọi là phe áo đỏ, lo ngại rằng người biểu tình có thể lại tìm cách phá hoại cuộc bầu cử và đưa đến việc kết quả bầu cử bị vô hiệu hóa.

Bà Yingluck có thể bị bãi chức trong vòng vài tuần lễ nữa. Một tòa án, theo dự liệu, sẽ phán quyết liệu bà có thuyên chuyển một công chức cấp cao một cách bất hợp pháp hay không. Bà còn phải đối mặt với các thách thức pháp lý khác nữa.

Trong khi đó, một số trong các ủng hộ viên nòng cốt của bà ở vùng nông thôn miền bắc đang tức giận về việc chính phủ thiếu tiền mặt của bà đã không chi trả cho khoảng 1 triệu nông dân trồng lúa.

Trong các cuộc biểu tình chống chính phủ mới đây, một thủ lãnh chủ chốt là ông Suthep Thaugsuban, đã phản đối các cuộc bầu cử mới và nói rằng hệ thống này bị thao túng để duy trì quyền lực của ông Thaksin và gia đình.

Ông Suthep đã nhiều lần đề nghị để đất nước được đặt dưới quyền điều hành của một hội đồng nhân dân không do dân cử mà ông sẽ giúp bổ nhiệm. Nhà cựu lãnh đạo thuộc đảng Dân Chủ này đối mặt với các cáo trạng sát nhân, phát xuất từ một cuộc bạo động chính trị năm 2010 đã gây tử vong cho nhiều người. Khi đó ông Suthep làm phó thủ tướng đặc trách vụ trấn át nhắm vào những người biểu tình thuộc phe Áo Ðỏ.
Thủ lãnh chủ chốt của phe đối lập Suthep Thaugsuban.
Thủ lãnh chủ chốt của phe đối lập Suthep Thaugsuban.

Tin tức về ngày dự kiến tổ chức cuộc bầu cử đã là đề tài cho một bài báo trên trang 3 của tờ Bangkok Post hôm nay. Điều này cho thấy rõ sự trông đợi ở mức thấp đến độ nào về việc cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 7.

Nhật báo Anh ngữ đối lập, tờ The Nation, có đưa tin này lên tít ở trang đầu. Nhưng một bài phân tích trên trang 2 cảnh báo rằng nếu các nhà lãnh đạo của cả hai bên trong cuộc khủng hoảng chính trị không chịu thỏa hiệp, thì sẽ không thể tránh khỏi “các cuộc xô xát bạo động giữa những người ủng hộ, châm ngòi bởi lòng thù hận.

Quân đội Thái Lan, được coi là dành nhiều thiện cảm hơn đối với người biểu tình chống chính phủ, đã nhiều lần cho biết sẽ tự chế không tổ chức đảo chính. Thái Lan đã chứng kiến 19 cú đảo chính thành công hay bất thành kể từ năm 1932, một con số nhiều hơn bất cứ nước nào.

Quyền lực tối hậu ở Thái Lan là Quốc vương được tôn sùng. Nhưng nhà vua Bhumibol Aduyadej 86 tuổi hiện trong tình trạng sức khỏe yếu kém.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG