Đường dẫn truy cập

Tàu sân bay Queen Elizabeth đến Singapore, Anh tái khẳng định ‘xoay trục’ sang châu Á


Toàn cảnh đường băng trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tại Căn cứ Hải quân Changi ở Singapore vào ngày 11/10/2021. (Ảnh của CATHERINE LAI / AFP)
Toàn cảnh đường băng trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tại Căn cứ Hải quân Changi ở Singapore vào ngày 11/10/2021. (Ảnh của CATHERINE LAI / AFP)

Hàng không mẫu hạm mới của Anh HMS Queen Elizabeth cập cảng Singapore hôm thứ Hai 11/10, một phần trong nỗ lực tái khẳng định sự hiện diện của Anh quốc trên toàn cầu và tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á trong bối cảnh các cường quốc đang ra sức cạnh tranh nhau.

Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh trong cuộc tập trận chung với quân đội Singapore cuối tuần qua, bao gồm diễn tập hải quân và huấn luyện chiến đấu mô phỏng có chiến đấu cơ tàng hình F-35B và chiến đấu cơ F-16.

Anh có kế hoạch triển khai thường trực hai tàu chiến ở vùng biển châu Á, nơi Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang tìm cách khống chế hoạt động quân sự hóa và xây đảo của Trung Quốc ở những thuỷ lộ quan trọng đối với thương mại toàn cầu.

Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, Chuẩn tướng Hải quân Steve Moorhouse nói: “Chúng tôi đề cao tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Anh quốc muốn xoay trục về đây, tăng cường vai trò và duy trì hiện diện lâu dài trong khu vực.”

Ông nói tiếp rằng “Triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth tới khu vực trong chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên chính là cách tốt nhất để thể hiện điều đó."

Singapore là một trong hơn 40 quốc gia mà nhóm tác chiến tàu Queen Elizabeth tương tác thông qua các chuyến thăm hoặc tập trận trong quá trình triển khai toàn cầu, theo một tuyên bố của chính phủ Anh.

Anh, giống như Trung Quốc, hiện có hai tàu sân bay, so với Hoa Kỳ là 11 tàu. Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth trị giá 4 tỷ đôla là tàu chiến lớn nhất do quân đội Anh chế tạo, có chiều dài tương đương với ba sân bóng là 274 mét.

Tàu Queen Elizabeth đã cập cảng Nhật Bản hồi tháng trước, đánh dấu sự bắt đầu hiện diện quân sự thường trực, diễn ra khi Hoa Kỳ, Anh và Úc ký một hiệp ước phòng thủ khu vực ba bên, gọi tắt là AUKUS.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi khi triển khai các tàu tuần duyên trên khắp Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo trang bị hệ thống tên lửa, nhằm khẳng định các tuyên bố lãnh thổ rộng lớn từng bị toà trọng tài quốc tế bác bỏ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG