Đường dẫn truy cập

Việt Nam tiếp nhận tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên do Nga chế tạo


Tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo.
Tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo.
Chiếc tàu ngầm hạng Kilo đầu tiên của Việt Nam do Nga chế tạo, được đặt tên Hà Nội, đã tới cảng Cam Ranh hôm 3 tháng Giêng vừa qua.

Chiếc tàu ngầm được đóng tại St. Petersburg và được chở tới Vịnh Cam Ranh hôm 3 tháng Giêng trên chiếc tàu Rolldock Sea của Hà Lan.

Tin của Duoweinews tường thuật rằng chiếc tàu ngầm mới của Việt Nam có thể được dùng để đương đầu với Bắc Kinh giữa lúc Trung Quốc tiếp tục bành trướng thế lực trong Biển Đông.

Nguồn tin này nói tàu ngầm hạng Kilo có thể trở thành một mối đe dọa đáng kể cho tàu sân bay Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, nếu tranh chấp bùng nổ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc tranh giành chủ quyền quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp không những giữa Trung Quốc với Việt Nam, mà còn với Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.

Trong một chuyến đi thăm Moscow của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2009, Việt Nam đã ký với Nga một hợp đồng trị giá 2 tỉ đôla để mua 6 tầu ngầm hạng Kilo.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về vấn đề Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói việc Việt Nam mua vũ khí của Nga là điều hợp lý, xét sự kiện Hà nội từ rất lâu đã lệ thuộc vào Nga về những thiết bị quân sự.

Giáo sư Thayer nói: “Việt Nam đã mua của Nga biết bao nhiêu là thiết bị quân sự nặng, những món rất tốn kém, và chỉ có các công nghiệp quốc phòng Nga mới có thể thích nghi với công nghệ mà Việt Nam đã có sẵn. Vả lại, Hoa Kỳ có những luật hạn chế việc buôn bán vũ khí cho nước ngoài, cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Luật này được áp dụng vì Việt Nam đã không đạt tiến bộ “có thể chứng minh được” để cải thiện nhân quyền, cho nên Hà nội không thể quay sang Hoa Kỳ.”

Giáo sư Thayer cho biết Việt Nam đang vận động để nước Nga nhảy vào cuộc bằng cách lôi kéo Moscow, và đưa ra một số bước nhượng bộ mới, đồng thời dành cho các công ty dầu khí Nga một số quyền lợi trong lĩnh vực khai thác dầu, và cả trong công nghiệp sản xuất điện hạt nhân.

Giáo sư Thayer: “Việt Nam đang nhử nước Nga nhập cuộc. Moscow sẽ phục vụ quyền lợi của chính mình trong việc duy trì và mưu tìm một khu vực an ninh ổn định hầu bảo vệ những đầu tư của họ. Tôi cho hành động như thế là khôn ngoan, nhưng ngoài ra, Việt Nam cũng đã vận động để Nga đồng ý hợp tác sản xuất với Việt Nam. Khi sang Hà nội mới đây giữa lúc Tổng Thống Putin đang lưu viếng Việt Nam, tôi được nghe những tin đồn rộng rãi về khả năng Nga chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, một số đã được sửa đổi cho phù hợp với các điều kiện tại Việt Nam.”

Được hỏi là liệu Việt Nam có nên thận trọng hơn bởi vì trong quá khứ, Nga đã không hành động để bảo vệ Việt Nam trong cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc vào cuối thập niên 1970, Giáo sư Thayer nói ông đoán câu trả lời là: “phải một bận, tởn tới già”, bởi vì tuy không nêu đích danh nước nào, Việt Nam đã thừa nhận rằng họ đã phạm phải sai lầm trong quá khứ khi lệ thuộc quá nhiều vào một thế lực chống lại một thế lực khác.

Giáo sư Thayer nhận định:

“Nước Nga có phần chắc sẽ không can thiệp để giúp Việt Nam, không hơn không kém Hoa Kỳ, nếu như họ không có quyền lợi quốc gia thiết yếu cần được bảo vệ trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc với Việt Nam. Tôi tin rằng Việt Nam biết điều đó. Nhưng ở đây chúng ta đang nói tới việc tạo ra trong đầu óc người Trung Quốc, nguy cơ có thể bị răn đe, tạo ra một sự lưỡng lự về phía Trung Quốc về những gì mà người Nga có thể làm.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tinmoi.vn, Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, nói nhờ có bờ biển dài, không thiếu các sân bay dọc bờ biển, cho nên Việt Nam không cần đến tàu sân bay, nhưng rất cần có tàu ngầm.

Tướng Lê Kế Lâm khẳng định rằng Việt Nam sẽ không dùng các tầu ngầm mới để đe dọa bất kỳ nước nào, mà chỉ dùng các tầu này để bảo vệ đất nước.

Nguồn: Wantchinatimes.com, Tinmoi.vn

VOA Express

XS
SM
MD
LG