Đường dẫn truy cập

Mỹ cần chứng tỏ quyết bảo vệ Đài Loan


Muốn làm cho Tập Cận Bình nản chí, chỉ có một cách là chính phủ Mỹ phải chứng tỏ vẫn giữ lời cam kế bảo vệ Đài Loan.
Muốn làm cho Tập Cận Bình nản chí, chỉ có một cách là chính phủ Mỹ phải chứng tỏ vẫn giữ lời cam kế bảo vệ Đài Loan.

Ông Tập Cận Bình xuống Quảng Đông dự lễ kỷ niệm 40 năm Thẩm Quyến “đổi mới kinh tế;” ông ca ngợi quá trình “tư bản hóa” đã biến một ngôi làng nghèo nàn thành một đầu tầu cho kinh tế Trung Quốc.

Nhưng ông Chủ tịch Trung Cộng cũng nhân chuyến đi này lên tiếng đe dọa Đài Loan, với ngầm ý dọa cả Mỹ. Khi tới thăm lữ đoàn Thủy quân Lục chiến đóng tài thành phố Triều Châu, Quảng Đông, Tập Cận Bình hiệu lệnh cho binh sĩ phải “dồn tâm trí và nỗ lực sẵn sàng tham chiến!”

Tập không nói “giải phóng quân” sẽ tham dự cuộc chiến tranh nào. Nhưng ông hé lộ cho mọi người thấy một ẩn ý khi nhấn mạnh đến hành động tiến chiếm bờ biển địch quân. Tập nói rằng các các toán quân “đổ bộ” có trách nhiệm trọng đại để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, quyền hải hành của quốc gia, và “các quyền lợi ở hải ngoại.”

Những lời hiệu triệu Tập Cận Bình thốt ra có thể là lời lẽ bình thường của bất cứ người nào đóng vai tổng tư lệnh quân đội một quốc gia. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Vì ba ngày trước đó, một lữ đoàn tên lửa thuộc Quân khu Miền Bắc của Trung Cộng đã thao diễn trong vùng Vịnh Bột Hải. Đây là lần đầu tiên quân Trung Cộng bắn loại hỏa tiễn HJ-10, đặt trên xe di động, và họ dùng vũ khí thật chứ không phải đồ giả để tập trận. Hồng Tiễn – 10 là loại hỏa tiễn có thể điều khiển trong lúc bay, và có thể chống lại những thiết giáp M1A2 Abrams của Mỹ. Cuộc tập trận này diễn ra đúng ngày 10 tháng 10, trong lúc Đài Loan đang cử hành ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc, và sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ bán thêm 100 chiếc xe tăng M1A2 Abrams cho Đài Loan.

Những chiếc xe tăng Abrams này nằm trong dự án của chính phủ Mỹ sẽ bán ba loại vũ khí mới nhất cho Đài Loan, gồm hệ thống Hỏa tiễn Di động nhanh (HIMARS), thêm loại hỏa tiễn mới cho mặt trận trên bộ (SLAM-ER), và loại máy thám báo mới gắn thêm vào máy bay chiến đấu F-16. Khi dự án này được Tòa Bạch Ốc thông báo cho Quốc hội để xin được chuẩn y, phát ngôn viên của Bắc Kinh, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), đã lên tiếng yêu cầu Washington phải chấm dứt ngay việc mua bán này, và ngưng mọi quan hệ quân sự với Trung Hoa Dân Quốc.

Trước đó, Bắc Kinh cũng phản đối ồn ào khi ông Alex Azar, bộ trưởng Y tế Mỹ qua Đài Loan, lấy lý do để tham khảo kế hoạch chống Covid-19 thành công của bà Tổng thống Thái Anh Văn. Đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm mới có một nhân viên chính phủ Mỹ ở cấp bộ trưởng đến Đài Bắc.

Trong những này 18 và 19 tháng Chín vừa qua, Trung Cộng đã cho 40 máy bay chiến đấu bay qua đường gianh giới giữa lục địa và Đài Loan nhiều lần, khiến Tổng thống Thái Anh Văn phải cảnh cáo là một “đe dọa vũ lực.” Trung Cộng đã tổ chức thao diễn quân sự ngoài khơi Đài Loan, trước những ngày dân Đài Loan đi bỏ phiếu. Bắc Kinh muốn ủng hộ các ứng cử viên Quốc Dân Đảng gồm những người mà gia đình đã từ lục địa chạy qua Đài Loan năm 1949 sau khi thua quân cộng sản. Quốc Dân Đảng vẫn giữ chủ trương Đài Loan là một phần của nước Trung Hoa. Bắc Kinh muốn đe dọa những người dân Đài Loan chính gốc, đa số theo đảng Dân Tiến với khuynh hướng muốn Đài Loan tách ra, trở thành một quốc gia độc lập.

Trung Cộng càng muốn dương oai diễu võ đe dọa Đài Loan vì hòn đảo này cho thấy một chính quyền tự do dân chủ có thể ngăn chặn bệnh dịch Covid 19 một cách hữu hiệu và được cả thế giới khen ngợi; trong khi Trung Cộng bị các nước khác nghi ngờ vì chế độ độc tài chỉ lo che đậy mối nguy hiểm do loài vi khuẩn corona gây ra. Đài Loan còn chọc giận Bắc Kinh khi tuyên bố sẽ thu nhận những người tranh đấu cho dân chủ ở Hồng Kông qua tị nạn nếu họ cần tị nạn.

Sau khi Tập Cận Bình tròng lên đầu dân Hồng Kông đạo luật an ninh, khuynh hướng độc lập của đảng Dân Tiến càng mạnh hơn. Vì trước đây, Bắc Kinh vẫn dùng mô hình “một quốc gia hai chế độ” ở Hồng Kông để nhử mồi dân Đài Loan; với viễn tượng thống nhất với lục địa nhưng vẫn giữ chế độ dân chủ tự do. Bây giờ thì 24 triệu dân hòn đảo này thấy rõ “nhất quốc lưỡng chế” là một ảo tưởng, phải chọn con đường đứng độc lập.

Vì vậy, Tập Cận Bình đã phải dùng miếng võ đe dọa để cảnh cáo dân chúng Đài Loan: Nếu không chấp nhận vẫn nằm trong lãnh thổ nước Tàu thì Trung Cộng sẽ dùng vũ lực.

Liệu Trung Cộng có muốn đánh chiếm Đài Loan thực sự hay không?

Kể về sức mạnh quân sự thì Trung Cộng thừa sức, vì quân số và vũ khí mạnh hơn Đài Loan gấp bội. Quân đội Đài Loan có thể kháng cự một thời gian dài, nhưng cuối cùng sẽ không thoát khỏi làn sóng “biển người” của quân cộng sản.

Trừ khi nước Mỹ can thiệp để ngăn cản, không cho chế độ cộng sản làm thịt Đài Loan! Đó là mạng phòng thủ an toàn duy nhất có thể bảo vệ chế độ tự do dân chủ trên hòn đảo này.

Nếu Tập Cận Bình nghĩ rằng dân chúng Mỹ và chính phủ Mỹ hoàn toàn không muốn đem quân can thiệp vào một cuộc chiến tranh ở nước ngoài, thì ông ta sẽ không ngần ngại dùng vũ lực chiếm Đài Loan, thống nhất đất nước, để lại danh tiếng lẫy lừng trong lịch sử na Tàu.

Các vị Hoàng đế Đỏ ở Bắc Kinh luôn luôn quan tâm đến lịch sử. Mao Trạch Đông đã từng so sánh mình với Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế, một người có thành tích thống nhất Trung Quốc và người kia bành trướng lãnh thổ đế quốc lên gấp ba lần. Mao tự cho là mình còn vĩ đại hơn hai vị hoàng đế Tần, Hán.

Tập Cận Bình vẫn tỏ ý muốn vĩ đại hơn cả Mao Trạch Đông, vì sẽ bành trướng thế lực của công nhân Tàu rộng ra khắp năm châu. Nếu chiếm được Đài Loan đả thống nhất quốc gia, chắc chắn lịch sử sẽ ghi nhận ông đã thành công trong một việc mà chính Mao Trạch Đông không làm được.

Đánh chiếm Đài Loan là một cơ hội cho Tập Cận Bình ghi danh vẻ vang trong lịch sử!

Muốn làm cho Tập Cận Bình nản chí, chỉ có một cách là chính phủ Mỹ phải chứng tỏ vẫn giữ lời cam kế bảo vệ Đài Loan. Cam kết này được xác định trong đạo Luật Bang giao với Đài Loan của Quốc hội Mỹ công bố năm 1979. Đó chỉ là một lời hứa hẹn. Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc không có một hiệp ước an ninh hỗ tương nào cả.

Đạo luật năm 1979 chỉ nói rằng “những ý đồ quyết định tương lai của Đài Loan không theo phương cách hòa bình” sẽ phải được coi là một mối đe dọa “nghiêm trọng đối với nước Mỹ.” Những câu “phương cách hòa bình” và “đe dọa nghiêm trọng” có ý nghĩa như thế nào? Từ năm 1979 đến nay không ai tìm cách làm cho ý nghĩa rõ ràng hơn!

Nhưng hiện nay Trung Cộng đang đe dọa dùng vũ lực đánh chiếm Đài Loan như chưa bao giờ thấy. Nếu chính phủ Mỹ chỉ phản ứng với những hành động có tính cách tượng trưng như trong quá khứ, thì rất nguy hiểm. Tập Cận Bình có thể nghĩ rằng nước Mỹ đang yếu, vì bệnh dịch ảnh hưởng trên nền kinh tế; cho nên Mỹ sợ chiến tranh. Ông ta có thể suy luận rằng chính phủ Mỹ chỉ đang muốn giảm bớt trách nhiệm bảo vệ các đồng minh, muốn rút hết quân về nước, muốn xóa bỏ các liên minh quân sự tốn tiền. Nghĩ như vậy, thì Tập Cận Bình có thể đánh nước bài liều lĩnh, tin rằng mình sẽ thắng.

Cho nên chính phủ Mỹ cần phải chứng tỏ cho ông Tập Cận Bình thấy không nên suy nghĩ như vậy. Đưa các chiến hạm Mỹ vào eo biển Đài Loan chỉ là một biện pháp tượng trưng, đã thi thố nhiều lần trong quá khứ. Bán các vũ khí mới cho Đài Loan cũng chưa đủ, nhất là đó chưa phải là những vũ khí tối tân nhất, như Mỹ sẽ bán cho mấy vương quốc Á Rập, khiến Israel cũng lo ngại.

Ngày 16 tháng Chín vừa rồi, Bộ rưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới tuyên bố rằng, mặc dù Nga và Trung Cộng muốn giành thế lực trên thế giới nhưng “hải quân Trung Cộng không thể đọ sức với hải quân Mỹ.” So sánh như vậy có thể khiến Tập Cận Bình lo sợ, không dám khiêu chiến với Mỹ. Nhưng nếu ông ta tin rằng chính phủ Mỹ sẽ không thấy có lợi gì khi tham chiến để bảo vệ Đài Loan hay các nước Đông Nam Á, thì họ Tập sẽ không lo Mỹ sẽ can thiệp!

Chính phủ Mỹ phải chứng tỏ quyết tâm bảo vệ Đài Loan bằng cách tổ chức các cuộc thao diễn quân sự, với quân đội Trung Hoa Dân Quốc, quân đội Nhật Bản, Nam Hàn, vân vân. Mục tiêu nói rõ ràng: Tập trận để bảo vệ hòn đảo Đài Loan nếu bị tấn công!

Một hành động quyết liệt và minh bạch như vậy sẽ giúp cả thế giới thoát khỏi một cuộc chiến tranh, có thể xẩy ra nếu ông Tập Cận Bình “tưởng bở” làm liều. Không những thế, cuộc tập trận như vậy sẽ giúp các nước trong vùng Đông Nam Á tin tưởng hơn vào chính sách liên minh với Mỹ, chiều theo các đòi hỏi của Bắc Kinh!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG