Đường dẫn truy cập

Tâm tình của ngư dân Hoàng Sa


Ngư dân tự sửa chữa tàu cá sau khi bị tàu cá trá hình có vỏ sắt của TQ đâm bể
Ngư dân tự sửa chữa tàu cá sau khi bị tàu cá trá hình có vỏ sắt của TQ đâm bể
Số tàu Việt bị tàu Trung Quốc đâm va, tấn công ở Hoàng Sa không ngừng gia tăng giữa lúc giàn khoan 981 của Trung Quốc vẫn chưa rút khỏi khu vực mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Sau trường hợp một tàu cá Việt bị đâm chìm hồi tháng trước mà tới nay Bắc Kinh chưa nhận trách nhiệm, các vụ phun vòi rồng hay lao húc tại điểm nóng này tiếp tục gây chú ý truyền thông quốc tế với việc một tàu cảnh sát biển của Việt Nam bị đâm thủng hôm 1/6.
Làm nghề này mấy chục năm rồi, không thể chuyển nghề khác. Mấy mươi năm nay tích góp hùn vốn làm một con tàu để nuôi sống gia đình. Biển cả đã ăn vào máu thịt mình rồi, không thể nào làm nghề khác. Khi nào cảm thấy đi không được nữa mới nghỉ. Mình phải bảo vệ vùng biển của Việt Nam còn cho đời con cháu sau này nữa. Bây giờ mình bỏ thì con cháu mình sau này không còn chỗ nào để làm ăn nữa hết.
Thuyền trưởng Lê văn Xinh

Va chạm liên tục và đều đặn trên khu vực ngư trường truyền thống lâu nay của Việt Nam đang đe dọa miếng cơm manh áo của ngư dân Việt và khiến nhiều người ngày càng cảm thấy bất an.

Trong câu chuyện với Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, thuyền trưởng Lê Văn Xinh ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng), chia sẻ tâm tình và những ghi nhận từ ánh mắt một ngư dân nối nghiệp tổ tiên trên 30 năm nay hành nghề đánh bắt trên ngư trường gần quần đảo Hoàng Sa. Cuộc trao đổi được thực hiện khi tàu của anh đang trên đường trở về đất liền sau chuyến đánh bắt đầy hiểm nguy mà một tàu cùng đoàn với anh đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5 vừa qua.
please wait

No media source currently available

0:00 0:13:08 0:00
Tải xuống
Lê Văn Xinh: Chuyến này tôi đi 24 ngày. Tùy theo lúc có hải sản nhiều thì 17, 18 ngày. Còn hải sản ít thì cả tháng. Về nghỉ 5-6 ngày đi chuyến khác.

Trà Mi: Tàu anh trọng tải bao nhiêu, mỗi chuyến đi đánh bắt trung bình bao nhiêu?

Lê Văn Xinh: Tàu tôi 20 tấn, trung bình đánh được 12 tấn mỗi chuyến, kiếm được chừng 250 đến 300 triệu. Trừ chi phí còn 100-150 triệu. Mỗi chuyến đi 10 người. Ngư dân thu nhập trung bình 4-5 triệu/tháng. Công việc này nhiều cái khó lắm, chịu bão tố sóng gió rồi bây giờ chiến trường Biển Đông dậy sóng với Trung Quốc. Cho nên, bà con ngư dân vừa làm ăn vừa bấp bênh lo sợ. Cũng lo lắm nhưng phải đi làm chứ sao giờ.

Trà Mi: Ba mươi mấy năm bám biển ở vùng này, anh đã gặp những hiểm nguy nào từ phía Trung Quốc?
Tàu hải giám của Trung Quốc phun vòi ròng vào tàu của Việt Nam
Tàu hải giám của Trung Quốc phun vòi ròng vào tàu của Việt Nam


Lê Văn Xinh: Có chứ, lâu lâu gặp tàu quân sự Trung Quốc phun vòi rồng, mình sợ mình bỏ chạy. Chuyện tàu Trung Quốc phun vòi rồng từ lâu rồi, cách đây 5-10 năm đã có rồi, chứ không phải bây giờ mới có đâu.

Trà Mi: Đi biển anh ghi nhận thực tế ra sao?

Lê Văn Xinh: Đúng ra chuyện phun vòi rồng trước đây cũng ít lắm, nhưng từ khi giàn khoan 981 vào Biển Đông thì ngư dân ra đó làm bị nó thị uy, ví dụ 2 tàu nó mở vòi rồng phun cho mình sợ mình bỏ chạy. Ngay cả tàu cá của nó cũng đàn áp tàu mình. Tàu cá của nó chưa thấy phun vòi rồng nhưng để trấn áp mình. Tàu cá nó vỏ sắt, công suất lớn, chạy nhanh. Nó lùa mình vào một chỗ như chiếc 90152 vừa rồi bị tàu Trung Quốc tông chìm. Còn mấy chiếc khác bị hư hại. Trong đoàn của tôi đi cũng có một hai chiếc bị phun vòi rồng. Cho nên, mình làm cách xa nhau mỗi chiếc chừng 10 cây số để giữ an toàn cho anh em về tài sản và tính mạng. Bây giờ lắm lúc mình không dám ra gần Hoàng Sa vì ở đó tàu chiến, hải giám, hải cảnh Trung Quốc nhiều. Mình sợ lắm. Ví dụ hồi xưa đi cách Hoàng Sa 50 hải lý, giờ phải cách 70, 80 hải lý để tránh Trung Quốc.

Trà Mi: Tránh như vậy có an toàn hơn nhiều không hay vẫn gặp họ?

Lê Văn Xinh: Cũng gặp nhưng thỉnh thoảng, chứ không gặp nhiều như ngoài Hoàng Sa.

Trà Mi: Việc này ảnh hưởng thiệt hại kinh tế thế nào cho anh?

Lê Văn Xinh: Ở Hoàng Sa thì hải sản nhiều hơn trong này. Trong này mình làm ít hơn nhưng an toàn hơn.

Trà Mi: Thường mỗi chuyến ra khơi anh chuẩn bị cho mình thế nào để tự vệ đối phó với những sự nguy hiểm đó?
Tàu của Việt Nam bị tàu Trung quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa
Tàu của Việt Nam bị tàu Trung quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa


Lê Văn Xinh: Giờ nhà nước cũng hỗ trợ cho ngư dân máy liên lạc để có gì mình gọi về cho biên phòng hay bên cứu nạn-cứu hộ. Trước đây mình đi làm nghề không thôi, nhưng giờ phải trang bị phao cứu sinh và vật liệu nổi để có chuyện bám víu vào chờ tàu cứu hộ. Mình là ngư dân có chi đâu mà chống trả, tàu sắt của họ lớn hơn, nhanh hơn. Mình tàu gỗ sao chống chọi nó được?

Trà Mi: Từ ngày được trang bị máy có đỡ hơn phần nào không?

Lê Văn Xinh: Cũng giúp ích, ví dụ mình liên lạc cứu hộ-cứu nạn chạy ra không kịp thì liên lạc với các thuyền gần mình. Đồng đội mình cách nhau 5-10 cây số họ tới cứu mình. Bây giờ đã thành lập các tổ đội có gì hỗ trợ lẫn nhau. Nếu chiếc nào có chuyện gì mấy chiếc còn lại giúp.

Trà Mi: Tổ đội này là do ngư dân tự lập ra?

Lê Văn Xinh: Vâng ngư dân tự lập, nhưng có sự hỗ trợ của chính quyền. Họ hỗ trợ ngân sách chẳng hạn. Giờ riêng thành phố Đà Nẵng có chừng 60 tổ đội rồi.

Trà Mi: Với tình hình tàu cá Việt bị tấn công liên tục, anh có nghĩ đến chuyện chuyển nghề, đổi hướng muu sinh?

Lê Văn Xinh: Không, làm nghề này mấy chục năm rồi, không thể chuyển nghề khác. Mấy mươi năm nay tích góp hùn vốn làm một con tàu để nuôi sống gia đình. Biển cả đã ăn vào máu thịt mình rồi, không thể nào làm nghề khác. Khi nào cảm thấy đi không được nữa mới nghỉ. Mình phải bảo vệ vùng biển của Việt Nam còn cho đời con cháu sau này nữa. Bây giờ mình bỏ thì con cháu mình sau này không còn chỗ nào để làm ăn nữa hết.

Trà Mi: Sự nguy hiểm từ phía Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ khi nào?

Lê Văn Xinh: Nguy hiểm thì lâu rồi, nhưng giàn khoan xuất hiện thì nóng nhất, bây giờ nó gây hấn nhiều quá nên bà con khó khăn nhiều. Kiểm ngư, cảnh sát biển cũng giúp mình nhưng Trung Quốc mạnh quá. Chúng tôi vừa đi chuyến này cỡ 30 chiếc tàu trong một tổ đội hoạt động gần giàn khoan 10-12 hải lý, cho nên gặp tàu cá Trung Quốc ra gây hấn. Nó dí mình chạy rồi, nó còn ép, còn tông bể tàu luôn, lật chìm luôn. Chiếc tàu bị chìm hôm 26/5 đó, khi thấy vậy mấy chục chiếc còn lại trong chúng tôi quay tới cứu. Có chết thì chết chung chứ không thể nào để nó làm mất người của mình được. Cuối cùng cứu được các thuyền viên trên tàu đó. Ngoài chiếc chìm còn 2 chiếc bị Trung Quốc tông sụp cabin và mấy chiếc bị gãy ống khói. Nó lùa mình lại một chỗ như bầy chuột, nó xung quanh dí cho mình chạy, tạo điều kiện cho mình tông nó, nhưng mình sợ không dám đụng vào nó. Cho nên, nó dí xong, nó lụi tàu chìm luôn.

Trà Mi: Trung Quốc nói tàu Việt chìm là do tự xâm nhập vào khu vực cấm đó, lao vào tàu Trung Quốc, và tự chìm.

Lê Văn Xinh: Tàu Việt không bao giờ dám lụi vào tàu Trung Quốc. Mình sợ nó mình đã bỏ chạy rồi nhưng nó vẫn đuổi theo, nó e lại không cho chạy nữa để nó quần, nó tông. Lúc đó mình có kêu cứu nhưng lực lượng kiểm ngư họ ở xa. Bà con tự lay dắt xuống một khu vực khác tránh xa giàn khoan đó rồi tàu kiểm ngư mới đến giúp, kéo vô bờ dùm. Khi giàn khoan đóng ở vị trí cũ, tôi đánh bắt cách đó cỡ 12 hải lý. Giờ nó dời giàn khoan ra hai mươi mấy hải lý nữa thì chúng tôi đánh bắt cách đó ba mươi mấy gần bốn chục hải lý. Ở vị trí cũ, tàu cá Trung Quốc vẫn ở đó để xua đuổi mình. Mình cũng sợ nên cách đó rất xa.

Trà Mi: Chuyến này anh có thu hoạch được gì không?

Lê Văn Xinh: Chuyến này Trung Quốc làm quá, tôi thu hoạch cũng đủ chi phí thôi. Chuyến này được có 5 tấn cá , khoảng 100 triệu đủ chi phí hoặc lỗ vài triệu, chẳng có gì cho anh em thuyền viên.

Trà Mi: Anh liệu chuyến sau sẽ như thế nào?

Lê Văn Xinh: Nếu gặp luồng cá thì vẫn đến đó, nếu không gặp luồng cá thì mình tránh xa đó cỡ 10 hải lý.

Trà Mi: Ngư dân có bày tỏ nguyện vọng với giới hữu trách yêu cầu được trợ giúp, bảo vệ thêm?

Lê Văn Xinh: Cũng có kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố. Giờ họ hỗ trợ cho mình một năm được mấy chuyến nhiên liệu tùy theo công suất máy tàu để anh em bám biển hoạt động. Nếu không có chắc làm biển tiếp không nổi.

Trà Mi: Ngư dân có yêu cầu được kiểm ngư hay cảnh sát biển tăng cường bảo vệ hơn nữa?

Lê Văn Xinh: Bà con cũng có ý kiến nhờ lãnh đạo các ban ngành giúp cho bà con được an toàn làm ăn trên biển. Nguyện vọng của tôi là chính phủ Việt-Trung làm sao cố gắng đàm phán để ngư dân được bình yên làm ăn trên vùng biển của mình, chứ đừng bao giờ gây hấn khổ cả người dân hai nước. Mong hai bên ngồi lại bắt tay nhau làm cho Biển Đông hòa bình, không chỉ cho hai nước mà cho các tuyến hàng hải quốc tế được nhộn nhịp như xưa, đừng để xảy ra vướng mắc gì hết.

Trà Mi: Giữa lúc Trung Quốc không nhượng bộ, quyết tâm dành chủ quyền trên vùng biển đó, ngư dân Việt có kiến nghị gì liên quan đến chuyện bảo vệ an toàn tính mạng cho ngư dân?

Lê Văn Xinh: Ngư dân ai cũng mong được bảo vệ an toàn để làm ăn trên biển lâu dài.

Trà Mi: Anh có suy nghĩ thế nào về cách đối phó của Việt Nam trước các hành động gia tăng gây hấn của Trung Quốc?

Lê Văn Xinh: Việt Nam là nước nhỏ, Trung Quốc là nước lớn. Việt Nam hoàn toàn thua Trung Quốc hết, không thể nào chống cự trực tiếp với Trung Quốc được. Cho nên, Việt Nam làm giải pháp hòa bình là rất hay cho chính quyền và cho cả người dân. Nó tạo điều kiện bình ổn để dân làm ăn lâu dài một tí. Nó gây hấn vậy mà Việt Nam thẳng thắn thì hai bên đối chọi với nhau, ngư dân như mình có thể khó làm ăn. Tính hòa bình thế giới Việt Nam đang theo đuổi, tôi thấy cũng hay. Tụi tôi làm cách Hoàng Sa 5-7 chục hải lý còn đỡ, chứ ngư dân Quãng Ngãi họ làm ngang qua đó, gần đó nên hay bị hải cảnh Trung Quốc bắt lắm. Ngư dân Lý Sơn, Quãng Ngãi hay bị mất tàu, bị đánh đập, có nhiều người bị trọng thương luôn. Ngư dân làm ở Trường Sa thì đỡ hơn ở Hoàng Sa nhiều vì tại Trường Sa Việt Nam có sự hiện diện của quân sự, dân sự. Kiểu này chắc có lẽ hoạt động của ngư dân Việt ở Hoàng Sa sẽ bị mai một lần đi. Cho nên, chúng tôi mong chính quyền có nhiều giúp đỡ cho ngư dân để mình bám ngư trường vì vùng biển và Tổ quốc của mình. Giờ mình không làm ở đó thì con cháu đời sau của mình sẽ không còn biển để làm nghề nữa. Tôi mong chính phủ Việt Nam cố gắng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương để bà con ngư dân còn ngư trường để tiếp tục làm ăn.

Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG