Đường dẫn truy cập

Tai nạn tàu hỏa chết người ở Ấn Độ đặt lại câu hỏi về sự an toàn


Tai nạn tàu hỏa ở Balasore, Orissa, Ấn Độ, ngày 5/6/2023.
Tai nạn tàu hỏa ở Balasore, Orissa, Ấn Độ, ngày 5/6/2023.

Thủ tướng Ấn Độ đã lên kế hoạch khánh thành một đoàn tàu bán cao tốc chạy bằng điện được trang bị tính năng an toàn — một bước nữa trong quá trình hiện đại hóa tuyến đường sắt cổ lỗ vốn là huyết mạch của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nhưng thay vì dự lễ khánh thành, Thủ tướng Narendra Modi hôm 3/6 đã phải tới bang Odisha phía đông để đối phó với một trong những thảm họa tàu hỏa tồi tệ nhất của đất nước khiến hơn 280 người chết và hàng trăm người bị thương. Vụ trật bánh nghiêm trọng vào tối ngày 3/6 liên quan đến hai đoàn tàu chở khách là một lời nhắc nhở rõ ràng về các vấn đề an toàn đang tiếp tục thách thức hệ thống đường sắt rộng lớn vận chuyển gần 22 triệu hành khách mỗi ngày, theo AP.

Ấn Độ, quốc gia có 1,42 tỷ dân, có một trong những tuyến đường sắt lớn và phức tạp nhất thế giới được xây dựng từ thời thuộc địa Anh: hơn 64.000 km đường ray, 14.000 đoàn tàu chở khách và 8.000 nhà ga. Trải rộng khắp đất nước từ dãy Himalaya ở phía bắc đến các bãi biển ở phía nam, đây cũng là một hệ thống bị suy yếu do quản lý yếu kém và bỏ bê trong nhiều thập kỷ. Bất chấp những nỗ lực cải thiện an toàn, vẫn có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra hàng năm.

Từ năm 2017 đến 2021, có hơn 100.000 ca tử vong liên quan đến tàu hỏa ở Ấn Độ, theo một báo cáo năm 2022 do Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia công bố. Con số đó bao gồm các trường hợp hành khách rơi khỏi tàu, va chạm và người bị cắt bởi tàu chạy quá tốc độ trên đường ray.

Dữ liệu chính thức cũng cho thấy trật bánh là dạng tai nạn đường sắt phổ biến nhất ở Ấn Độ nhưng đã giảm trong những năm gần đây.

Theo Tổng kiểm toán viên của Ấn Độ, trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, đường sắt Ấn Độ ghi nhận 2.017 vụ tai nạn. Trật đường ray chiếm 69% số vụ tai nạn, khiến 293 người thiệt mạng.

Báo cáo phát hiện nhiều yếu tố bao gồm lỗi đường ray, vấn đề bảo trì, thiết bị báo hiệu lỗi thời và lỗi của con người là nguyên nhân chính dẫn đến trật bánh. Báo cáo cũng cho biết việc thiếu tiền hoặc không sử dụng các quỹ sẵn có để khôi phục đường ray đã dẫn đến 26% số vụ tai nạn.

Mặc dù an toàn đường sắt ở Ấn Độ đã được cải thiện so với những năm trước khi các vụ va chạm nghiêm trọng và tai nạn gần các điểm giao cắt không người gác xảy ra thường xuyên hơn, nhưng vẫn có nhiều người chết và hàng trăm người bị thương.

Năm 2016, một đoàn tàu chở khách trượt khỏi đường ray giữa các thành phố Indore và Patna, khiến 146 người thiệt mạng. Một năm sau, một vụ trật bánh ở miền nam Ấn Độ đã giết chết ít nhất 36 hành khách.

Chính phủ Modi, nắm quyền trong 9 năm, đầu tư hàng chục tỷ đôla vào đường sắt. Số tiền này đã được dùng để cải tạo hoặc thay thế các đường ray cũ do người Anh đặt vào thế kỷ 19, giới thiệu các đoàn tàu mới và loại bỏ hàng nghìn điểm giao cắt đường sắt không người gác.

Chuyến tàu mà ông Modi dự định khánh thành hôm 3/6 là tuyến Vande Bharat Express thứ 19 của Ấn Độ, nối thành phố Mumbai phía tây và bang Goa phía nam.

Các đoàn tàu hiện đại được thiết kế để giúp giảm nguy cơ va chạm và trật bánh. Theo Bộ trưởng Đường sắt Ashwini Vaishnaw, chúng sẽ được kết hợp với hệ thống bảo vệ va chạm tàu hỏa tự động trên toàn quốc, một công nghệ giúp việc đi lại trở nên an toàn.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG