Đường dẫn truy cập

‘Tâm tang’ tĩnh lặng cho Thiền sư Nhất Hạnh


Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng thế giới, viên tịch vào lúc nửa đêm ngày 22 tháng 1 năm 2022 ở Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế. Ông thọ 95 tuổi.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng thế giới, viên tịch vào lúc nửa đêm ngày 22 tháng 1 năm 2022 ở Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế. Ông thọ 95 tuổi.

Tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra dưới hình thức ‘tâm tang’ để mọi người ‘tưởng nhớ đến ông một cách nhẹ nhàng, tĩnh lặng’, Đạo tràng Mai thôn và Tổ đình Từ Hiếu cho biết trong một bản cáo bạch chung.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước kiểm soát sẽ để môn đồ pháp quyến Thiền sư toàn quyền tổ chức tang lễ theo ý nguyện của ông và sẽ hết lòng hỗ trợ để thực hiện tang lễ ‘theo nghi thức cấp cao của Giáo hội’, theo công văn vừa được loan báo.

Trước đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay còn được gọi là ‘Sư Ông Làng Mai’ – nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng thế giới – đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu ở Huế ở tuổi 95 sau nhiều năm bị đột quỵ.

Công văn của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ‘vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam có nhiều công lao trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp’ và là ‘vị Thiền sư hướng đạo của Phật giáo đồ trên thế giới’.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng là người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vốn bị chính quyền đàn áp và Đạo tràng Mai thôn của ông độc lập với giáo hội nhà nước.

Khóa tu 7 ngày

Nghi thức ‘tâm tang’ này được tổ chức theo di huấn của chính Thiền sư Nhất Hạnh. Theo đó, tang lễ sẽ không có nghi lễ, không kèn trống, không vòng hoa, không trướng liễn theo truyền thống mà trở thành ‘khóa tu im lặng trong 7 ngày’.

“Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng,” bản cáo bạch viết.

Sau lễ trà tỳ (tức hỏa thiêu) vào ngày 29/01, Thiền sư sẽ không được an táng trong các bảo tháp như truyền thống mà xá lợi của ông sẽ được chia ra để ở Tổ đình Từ Hiếu và các tự viện của Làng Mai trên khắp thế giới, cũng theo cáo bạch.

Theo thời khóa tang lễ mà VOA có được, thì hoạt động chủ yếu trong 7 ngày tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, tụng giới luật. Riêng ngày cuối cùng sẽ có các nghi lễ ‘cung tuyên tiểu sử, cung tiễn, lễ phất trần, lễ rước kim quan’.

Tổ đình Từ Hiếu đang bày trí hôm 22/1 năm 2022 để chuẩn bị cho tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tổ đình Từ Hiếu đang bày trí hôm 22/1 năm 2022 để chuẩn bị cho tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Hình ảnh phát trực tiếp từ Tổ đình Từ Hiếu trên trang mạng xã hội của Làng Mai cho thấy trong ngày 22/1, khi chưa tẩm liệm, nhục thân Thiền sư trong trang phục nâu sồng nằm ngay ngắn trên một chiếc giường nhỏ trong gian thất nhỏ, không đắp mặt, hai tay khép lại. Phía đầu giường là bàn thờ nhỏ đặt dưới một di ảnh lớn. Một số pháp tử quỳ xung quanh trong khi một số khác đến lễ lạy, chiêm bái rồi lui ra.

‘Không khí yên ắng’

Có mặt ở Tổ đình Từ Hiếu ngay sáng sớm ngày 22/1, anh Phạm Châu Thương, pháp danh Tâm Đạo Hỷ, cư sỹ tiếp hiện của Pháp môn Làng Mai đến từ thành phố Hồ Chí Minh, cho biết anh đã mua vé bay ra Huế ngay trong đêm sau khi biết tin Sư Ông Làng Mai viên tịch.

Theo lời anh mô tả thì ‘mọi người đang đổ về Từ Hiếu nhưng không khí rất là yên lặng’. “Nếu ai đó đi vào chùa sẽ không biết là đang có lễ tang của một vị cao tăng. Mọi người vào, đảnh lễ, vãn cảnh rồi ngồi nghỉ theo từng nhóm rất là yên lặng,” anh nói với VOA.

Theo lời anh thì chính quyền sở tại có cắt cử công an đến giữ gìn trật tự và ngay trong buổi sáng, ‘các vị cao tăng ở Huế đã có mặt đầy đủ’ nhưng không có vòng hoa.

“Trong không khí yên lặng bao trùm đó thì tất nhiên bất cứ ai đến viếng đều không thể ồn ào,” anh Thương, vốn đi theo Pháp môn Làng Mai từ năm 2005 khi lần đầu tiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước, nói thêm.

Anh cho biết trong lúc nhà chùa đang dựng rạp, đặt bàn thờ, làm long vị để chuẩn bị phát tang vào ngày mai thì đã có nhiều người ‘xin vào đảnh lễ nhục thân của Sư Ông nhưng không được vì không gian chật hẹp’.

“Cho nên các Phật tử cứ tùy nghi. Có người đứng đảnh lễ từ xa. Có người đi một vòng thiền hành. Có người đứng ở vòng ngoài vái vọng xong rồi về,” anh cho biết.

Kể về giây phút cuối cùng của Thiền sư, anh nói với VOA là anh nghe quý Thầy kể lại rằng ‘Sư Ông nằm yên, mắt yếu dần và đi thôi chứ không có biểu hiện gì’.

‘Để tang trong lòng’

Vị cư sỹ tiếp hiện này giải thích rằng ‘tâm tang là để tang trong lòng’ và cho biết đây là tập quán trước giờ của Tăng thân Làng Mai và đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh ‘hướng dẫn cho các đệ tử khi Thầy còn khỏe’.

“Bản thân tôi theo Thầy đã lâu, tôi chấp nhận hình thức (tâm tang) này,” anh nói và cho biết anh đã thuyết phục được gia đình làm ‘tâm tang’ khi cha anh qua đời.

“Bảy ngày khóa tu là để mọi người trở về sống với giây phút hiện tại như điều mà Sư Ông luôn nhắc nhở các xuất sỹ và cư sỹ,” anh nói thêm. “Đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ bậc Đạo sư chứ không phải nghi lễ, cúng kiếng rìng rang hay than khóc.”

Theo anh Thương giải thích vì việc tổ chức ‘tâm tang’ cho Thiền sư Nhất Hạnh là vấn đề ‘được cả hội đồng giáo thọ Làng Mai quyết định vì đây là điều mà chúng tôi lĩnh hội từ Thầy’.

Riêng ngày tang lễ cuối cùng, anh cho biết sẽ làm theo nghi lễ truyền thống theo ý nguyện của quý Thầy Tổ đình Từ Hiếu.

Do đó, trong những ngày tang lễ, anh nói hàng cư sỹ và xuất sỹ sẽ ‘theo đúng thời khóa, giữ sự yên lặng, đi lại nhẹ nhàng’ và ‘làm những điều thiện để hồi hướng công đức cho Thầy’.

Anh Thương trở thành cư sỹ tiếp hiện, tức hàng đệ tử tại gia ‘tiếp xúc với giây phút hiện tại’ từ năm 2013 (Triết lý của Làng Mai là sống sâu sắc ở giây phút hiện tại). Anh cùng vợ đã tổ chức ‘tăng thân tại gia’ ở thành phố Hồ Chí Minh được 10 năm để truyền pháp môn cho giới trẻ bên cạnh công việc chính của anh là chủ một công ty du lịch.

Anh cho biết nhóm tăng thân tại gia của anh ở thành phố Hồ Chí Minh vào tối ngày 22/10 sẽ có buổi ngồi thiền ‘để gửi năng lượng bình an đến Sư Ông’ và cũng để ‘ôn lại công hạnh, những lời dạy của Sư Ông để xem mình học được những gì, đã tiếp nối được những gì của Thầy’.

“Các tăng thân, đạo tràng của Làng Mai trên khắp thế giới cũng làm như vậy,” anh cho biết.

‘Thầy không mất đi’

Giải thích về thái độ có phần bình thản này, vị cư sỹ tiếp hiện này nói: “Có thể mọi người cũng có đau buồn trong lòng, nhưng có lẽ chúng tôi đã được Thầy dạy khá kỹ về không sinh, không diệt, không sợ hãi.”

Chúng tôi đều hiểu rằng ‘Thầy không mất đi mà sẽ còn được tiếp nối trong chính các học trò’.

“Tôi quán chiếu điều này khá thường xuyên nên khi người thân mình mất và bây giờ là Sư Ông, dù có buồn nhưng tâm lý đã chuẩn bị nên tâm khá an,” anh nói.

Khi được hỏi Pháp môn Làng Mai sẽ tiếp nối thế nào nếu không còn Thiền sư Nhất Hạnh làm người dẫn đường, anh nói: “Giáo pháp Thầy đã dạy hết, trao hết rồi. Nếu thực hành lời dạy của Thầy, sống theo giáo pháp đó, thì nó sẽ được trao truyền cho thế hệ tương lai.”

“Giáo pháp còn mãi không phải vì Sư Ông còn sống hay không,” anh nói thêm và cho biết đó là lý do anh duy trì sinh hoạt tăng thân tại gia ‘để cố gắng trao truyền những gì mình đã học được cho các bạn trẻ’.

Anh Thương cho biết hiện giờ có rất nhiều môn đồ pháp quyến của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở nhiều nơi trên thế giới muốn đến Huế tham dự tang lễ nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh ‘chắc chắn nhiều người sẽ về không kịp’ dù tang lễ được kéo dài đến 7 ngày.

“Ví dụ như các vị bên Thái Lan, mỗi tuần có hai chuyến bay, một chuyến là ngày hôm nay thì đi xét nghiệm bằng PCR sẽ không kịp, còn để đến chuyến sau thì quá trễ vì về còn phải cách ly ba ngày nữa nên họ đang tính đi đường vòng qua Singapore,” anh nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG