Đường dẫn truy cập

Thiền Sư Nhất Hạnh, người mang Đông Phương vào Tây Phương


Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” - “mindfulness”. 
Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” - “mindfulness”. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được thừa nhận là “một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có nhiều ảnh hưởng nhất trong thời đại này”. Hòa thượng viên tịch lúc 0 giờ ngày 22 tháng Giêng, 2022 (giờ Việt Nam), tại chùa Từ Hiếu, Huế, thọ 95 tuổi, theo thông báo của Làng Mai trên trang Facebook chính thức "Thích Nhất Hạnh" và trang web Làng Mai plumvillage.org.

Giáo sư Phật học người Úc, John Powers, cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là một trong “13 vị thầy góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật trên toàn thế giới trong quá trình 2500 năm lịch sử Phật Giáo”.

Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” - “mindfulness”.

Tạp chí Times, trong bài viết dài về vị Thiền sư, thừa nhận Hòa thượng Nhất Hạnh là người đầu tiên phổ biến những khái niệm này như một phương pháp tu tập.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng, một Giáo thọ của Làng Mai, giải thích:

“Khái niệm sống chánh niệm, sống tỉnh thức, đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong những nước nói tiếng Anh. Đấy có lẽ là thành tích mà trước đây ít có người nào trong giới Phật giáo ở Đông phương có thể tạo ra được ở các nước Tây Phương.”

Thành tựu này, vẫn theo nhà báo Ngô Nhân Dụng, là do đạo Phật “được tiếp cận như một cách sống hơn là một tôn giáo.”

“Thiền sư Nhất Hạnh đã trình bày đạo Phật như là một cách sống, hơn là một tôn giáo. Thầy Nhất Hạnh gọi đó là cách sống tỉnh thức - Tây phương gọi là ‘mindfulness’, và cách mà ngài dạy, cho thấy ai cũng có thể áp dụng được cả.”

Những đệ tử theo học Thiền sư Nhất Hạnh mở trung tâm thiền tập ‘chánh niệm’ khắp nơi. Canada có “Làng Cây Phong,” một trung tâm tu tập theo giáo pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chủ tịch Làng Cây Phong là ông Trịnh Đình Tấn, nói rằng “cách hướng dẫn của Sư Ông Nhất Hạnh không câu nệ tôn giáo, màu da, sắc tộc.”

“Cách hướng dẫn của Sư Ông không có câu nệ tôn giáo, màu da, sắc tộc… Khi hướng dẫn, Sư Ông luôn kêu gọi người Tây phương và những người tôn giáo khác trở về với tôn giáo của mình. Đó là điều rất khác biệt với các lãnh đạo tôn giáo khác, và là điều khiến người Tây phương kính nể.”

Trong khi hầu hết người Tây phương đều công nhận tầm vóc của vị Thiền sư đã đưa Phật giáo đến với thế giới phương Tây, những phát biểu của ông về chiến tranh Việt Nam, và cả những chuyến về thăm lại Việt Nam của ông trước đây, vẫn còn là điều tranh cãi, giữa những người Việt Nam.

Trong một phỏng vấn cách đây vài năm, ông Võ Văn Ái, một nhà hoạt động nhân quyền, cũng là phát ngôn nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có trụ ở ở Paris, nói rằng “dường như là Thiền sư đi với con đường của nhà nước.” Ông Ái nói rằng ông vẫn luôn tôn trọng Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng sau này cảm nhận nơi nhà sư “một sự thay đổi quá lớn về thái độ chính trị.”

Ông Trịnh Đình Tấn, Chủ Tịch Làng Cây Phong, trong cuộc phỏng vấn trước đây, thì cho rằng “nên coi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, không phải một nhà hoạt động chính trị.”

“Mọi người cứ coi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người làm chính trị, thực ra thì Thầy Nhất Hạnh có thể gọi là nhà thơ, nhà văn hóa, hay một sử gia, nhà văn hay nhà đạo học, đều được. Đối với tôi, Thầy chính là một vị chân tu.”

Nhà báo Ngô Nhân Dụng có cùng quan điểm, “có lẽ mình nên coi Thầy Nhất Hạnh là một ông thầy tu giản dị.”

“Tôi không nghĩ ông có tham vọng trở thành một quốc bảo hay một vị thầy gì ghê gớm cho lắm. Tôi nghĩ rằng tất cả các vị thầy tu, tu cho đàng hoàng, đều là thầy tu lớn cả.”

Thiền sư Nhất Hạnh sống lưu vong 39 năm cho đến lần về thăm lại Việt Nam đầu tiên năm 2005 sau những cuộc thương thảo kéo dài với chính phủ Hà Nội.

Năm 2007, ông về nước lần thứ hai, tổ chức ‘Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế’ ở cả ba miền Việt Nam, cầu siêu cho đồng bào tử nạn và chiến sĩ trận vong của cả hai miền Nam – Bắc.

Năm 2008, ông về Việt Nam lần thứ ba, làm diễn giả chính cho Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2017, từ Thái Lan ông trở về Việt Nam lần thứ tư để tĩnh dưỡng sau khi bị đột quỵ do xuất huyết não năm 2014.

Ngày 26 tháng 10, 2018, ông trở về Việt Nam ‘lần cuối cùng,’ để tĩnh dưỡng cho đến ngày ‘nhập diệt ở chốn tổ’ là Tổ đình Từ Hiếu ở Huế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG