Đường dẫn truy cập

Quân nhân hiện dịch Nam Triều Tiên theo dõi sát tình hình miền Bắc


Binh sĩ Nam Triều Tiên đứng canh tại trạm gát trong khu vực phi quân sự giữa Nam và Bắc Triều Tiên sau khi có tin nhà lãnh đạo miền bắc Kim Jong Il qua đời
Binh sĩ Nam Triều Tiên đứng canh tại trạm gát trong khu vực phi quân sự giữa Nam và Bắc Triều Tiên sau khi có tin nhà lãnh đạo miền bắc Kim Jong Il qua đời

Đối với một nước trên nguyên tắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh từ năm 1953, việc động viên quân đội ở Nam Triều Tiên đã trở thành một lối sống. Tất cả thanh niên Nam Triều Tiên mạnh khỏe đều phải phục vụ khoảng 2 năm trong một ngành của quân lực, khiến họ có một quan điểm độc nhất vô nhị về quan hệ với miền Bắc. Sau sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo mới, chưa có kinh nghiệm ở Bắc Triều Tiên, thông tín viên VOA Jason Strother đã nói chuyện với nhiều tân binh về các mối quan tâm của họ đối với tương lai.

Anh Kim Min-jun nói cuộc đời của anh sẽ thay đổi trong nay mai. Chỉ mới cách đây vài ngày, anh thanh niên 21 tuổi này đã nhận được một bức thư báo cho anh biết là nghĩa vụ quân sự bắt buộc của anh bắt đầu vào tháng hai.

Anh Kim nói mặc dầu tất cả thanh niên Nam Triều Tiên mạnh khỏe cuối cùng sẽ phải phục vụ trong quân ngũ, anh vẫn hy vọng ngày đó sẽ không tới. Anh nói:

“Khi tôi còn rất ít tuổi, tôi vẫn nghĩ là đến khi mình 20 tuổi, là tuổi phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi vẫn nghĩ là đất nước sẽ thống nhất với Bắc Triều Tiên. Cho nên tôi vẫn nghĩ là không sao. Đó là điều tôi nghĩ lúc tôi 10 tuổi.”

Một số quan sát viên cho rằng quan hệ giữa hai nước Triều Tiên hiện đang xấu hơn so với một thập niên trước đây.

Và với tình trạng bất định vây quanh cuộc chuyển tiếp quyền hành ở miền Bắc sau cái chết của ông Kim Jong Il trong tháng này, anh Kim và các thanh niên trong tuổi quân dịch khác ở Nam Triều Tiên đang tự hỏi cấp lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng sẽ ảnh hưởng ra sao đến cuộc đời của họ.

Quân đội Bắc Triều Tiên có tầm cỡ gấp đôi tầm cỡ của quân đội miền Nam và lại còn có một chương trình vũ khí hạt nhân. Những tài lực quân sự đó hiện đang nằm trong vòng kiểm soát của Kim Jong Un, mới chưa đến tuổi 30.

Điều đó khiến anh Choi Chanyoung 25 tuổi lấy làm lo ngại. Anh nhận xét:

“Vấn đề là ông ta quá ít tuổi. Khi còn trẻ, khi còn ít tuổi, người ta có thể rất hung hăng, liều lĩnh, mạo hiểm, vì thế điều tôi lấy làm lo ngại là vì còn trẻ, ông ta muốn làm một điều gì đấy, muốn chứng tỏ một cái gì đấy, do đó ông ta có thể bất chợt có một hành động nào đó.”

Anh Choi, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhưng có thể bị động viên trở lại trong trường hợp có chiến tranh mới. Anh lo ngại một vụ tấn công bằng trọng pháo khác giống như vụ năm 2010 ở đảo Yeonpyong. 4 binh sĩ thủy quân lục chiến và thường dân Nam Triều Tiên đã tử nạn trong vụ pháo kích này.

Nhưng tân binh Kim nói rằng anh không tin là một cuộc chiến toàn diện sẽ bùng nổ:

“Nói chung là lo ngại về đất nước và những gì sẽ xảy ra trên bán đảo. Nhưng tôi không cho rằng sẽ có điều gì xảy ra trong cuộc đời của tôi.”

Nhiều người Nam Triều Tiên không coi miền Bắc là một mối đe dọa, theo anh Jung Jae-kwang, 24 tuổi. Anh nói anh cũng cảm thấy như thế cho đến khi anh bắt đầu thi hành nghĩa vụ quân sự, điều có thể thay đổi quan điểm của anh đối với miền Bắc. Anh nói:

“Cơ bản có hai nhóm trong giới thanh niên Nam Triều Tiên. Một nhóm vừa hoàn thành nghĩa vụ và một nhóm chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Khi những người chưa hoàn thành nghĩa vụ nói những điều về Bắc Triều Tiên, thì những người đã hoàn thành nghĩa vụ của họ lại chỉ trích, nói rằng các bạn không biết gì bởi vì chưa vào quân đội, hay đại loại những điều như thế. Trước và sau khi nhập ngũ, quan điểm của tôi thay đổi rất nhiều.”

Anh Jung nói một lý do khiến giới trẻ Nam Triều Tiên không lo ngại về miền Bắc là bởi vì những gì họ học ở trường. Anh cho biết phần lớn học sinh thích tập trung học toán và khoa học hơn là lịch sử và chính trị.

Trong thập niên sắp tới, Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên dự định giảm quân số và quảng bá các chương trình huấn luyện sĩ quan để ít lệ thuộc hơn vào một quân đội tân tuyển. Chính phủ ở Seoul cho biết cũng sẽ khai triển và mua thêm các kỹ thuật quân sự tiên tiến để có thể chống lại với các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên.

Tân binh Kim Min-jun nói anh ta không thực sự mong đợi thi hành nghĩa vụ, nhưng hiểu rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ đất nước.

“Cá nhân tôi, tôi không thích gì. Nhưng nghĩ đến đất nước, thì không có lựa chọn nào khác, tôi sẽ chấp nhận nhập ngũ.”

Anh Kim nói ngay lúc này, anh chỉ muốn tận hưởng 2 tháng tự do còn lại trước khi bắt đầu thi hành nghĩa vụ quân sự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG