Đường dẫn truy cập

Sự soái ngôi ở V-League tốt hay không?


Sự soái ngôi ở V-League tốt hay không?
Sự soái ngôi ở V-League tốt hay không?

Bóng đá Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng. Bắt đầu bằng phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB, tại lễ tổng kết mùa giải V-League cách đây gần một tháng.

Bài phát biểu nảy lửa của ông Kiên phê phán cách quản lý và điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và tính hình chất lượng các giải đấu do VFF tổ chức như V-League. Ông Kiên đã động đến các vấn đề nhạy cảm nhất như chuyện trọng tài ““tôi nói thẳng thắn anh em trọng tài đừng buồn. Trọng tài giờ tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn mùa giải 2005 rất nhiều” và chuyện VFF nhắm mắt làm ngơ “VFF luôn nói câu quen thuộc: Bằng chứng đâu? Bằng chứng trong tay các anh cả. Các anh biết hết, biết rõ ràng, biết trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Tôi bảo đảm các anh biết. Bóng đá là một sân khấu và diễn viên người ta có thể xem được cả bốn mặt. Chỉ có người trách nhiệm có mở mắt ra để nhìn thấy hay không, hay cố tình cho qua. Bao nhiêu năm rồi, suốt ngày các anh hỏi câu “bằng chứng đâu?” thì nghe sao nổi”.

Soái ngôi ở V-League

Ông Nguyễn Đức Kiên cùng đại diện của 5 câu lạc bộ khác đưa bản đề án thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Đề xuất này được sự ủng hộ của tất cả đại diện 28 đội bóng dự giải hạng Nhất và V-League 2012 và được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhanh chóng thông qua tại hội nghị giữa các bên hôm 29/9.

Theo bản đề án này, VPF được thành lập bởi các 14 câu lạc bộ là thành viên của V-League 2012 và VFF với số vốn điều lệ hơn 21,875 tỷ đồng. Trong đó, mỗi đội bóng góp một tỷ đồng (tương đương 4,6% vốn điều lệ). Liên đoàn bóng đá Việt Nam góp phần còn lại (7,875 tỷ đồng, chiếm 36,5% vốn điều lệ). VPF thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện các quy định của VFF và FIFA. Cơ quan quyền lực cao nhất của VPF là Hội đồng quản trị.

Các quyết định trọng yếu (được quy định trong Điều lệ Công ty VPF, ví dụ như sửa đổi bổ xung vốn điều lệ, thay đổ cơ cấu cổ đông, sơ đồ tổ chức bộ máy, bổ nhiệm các vị trí chủ chốt) cần phải đạt trên 65,0% các cổ đông thông qua. Với tỷ lệ 35,6% VFF có quyền phủ quyết các quyết định trọng yếu của công ty nhằm thực hiện đúng định hướng của VFF thông qua các đại diện tại Công ty VPF.

Sau mỗi mùa giải căn cứ vào kết quả lên xuống hạng được thông qua, các CLB xuống hạng (hay bỏ cuộc) phải chuyển nhượng nguyên giá trị vốn góp tại Công ty VPF cho các CLB lên hạng. Nếu số lượng các CLB tham gia Giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp tăng hoặc giảm thì vốn điều lệ của Công ty VPF tăng giảm tương ứng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp số lượng CLB có thể thay đổi, số cổ phần của các CLB cũng có thể thay đổi nhưng tỷ lệ 35,6% vốn góp của VFF không thay đổi. Căn cứ vào kết quả hoạt động, thu chi tài chính minh bạch công khai hàng năm, các CLB và Liên đoàn VFF được chia lãi hằng năm theo tỷ lệ góp vốn.

Kinh tế bóng đá

Về tổ chức, VPF có nhiều điểm tương đồng với Barclays Premier League (hay vẫn được gọi tắt là Premier League hay Giải Ngoại hạng) của nước Anh. Thí dụ, tất cả các đội thi đấu trong Giải Ngoại hạng đều là cổ đông và có quyền bỏ phiếu ngang bằng nhau. Sau mỗi mùa giải, đội nào xuống hạng sẽ phải nhượng lại phần vốn góp cho đội mới được lên hạng. Liên đoàn Bóng đá Anh là một cổ đông đặc biệt và có quyền phủ quyết trong các quyết định trọng yếu của Giải Ngoại hạng…

Thể thao cũng như tất cả các mảng hoạt động xã hội khác, kể cả kinh doanh, đều vận hành dựa trên các cơ chế về động cơ (incentive mechanism). Các cơ chế thích hợp sẽ hướng động cơ của các bên tham gia tới các mục tiêu tối ưu nhất cho xã hội. Trong trường hợp của kinh doanh là các sản phẩm có chất lượng cao với chi phí thấp. Trong trường hợp của bóng đá là chất lượng của giải đấu tốt với chi phí thấp nhất cho xã hội.

Theo tính toán của ông Kiên, V-League đang tốn khoảng 1 nghìn tỷ đồng một năm. Đây là số tiền rất lớn nhưng sản phẩm cuối cùng của VFF là V-League thì đang trong tình trạng không ra gì. Cuộc cách mạng bóng đá của ông Kiên được coi là để nâng cao chất lượng của sản phẩm bóng đá này.

Vậy VPF trực tiếp điều hành V-League khác gì với việc VFF trực tiếp điều hành V-League? Và cơ cấu hiện nay được đề xuất cho VPF có điểm gì tốt và chưa tốt?:

Thứ nhất, VPF cho phép sự tham gia của tất cả các đội tham gia V-League. Quyền voting của các đội này là ngang bằng nhau, vì thế không sợ câu chuyện VPF ưu ái đội nào hơn. Trong một giải V-League, tất cả các đội đều muốn phần thắng về mình. Giả sử rằng các đội đều làm tất cả mọi việc để dành phần thắng, thì trên lý thuyết, trước khi vào cuộc, cơ chế duy nhất có thể được các đội chấp thuận là cơ chế công bằng – tức là cơ hội chiến thắng được chia đều cho tất cả các đội tham gia.

Sau khi V-League khởi tranh, câu chuyện có thể khác. Cơ hội thắng thua sẽ trở nên rõ ràng hơn sau mỗi vòng đấu. Động cơ của các đội cũng ngày càng khác nhau. Sẽ có một số đội cạnh tranh để đọat cúp, một số khác cạnh tranh để trụ hạng, còn một số có thể nằm ở nhóm giữa, không bị loại nhưng cũng ít cơ hội giành ngôi đầu. Trong điều kiện như vậy, câu chuyện mặc cả hoặc giàn xếp tỉ số có thể xảy ra, thí dụ giữa một đội nằm trong top giữa với một đội nằm trong top cuối để cứu đội top cuối khỏi khu vực nguy hiểm.

Vì thế, cơ cấu thích hợp của VPF phải là các đội có cùng quyền lực quyết định thực tế chứ không phải là chỉ là cổ đông thường và có một Hội đồng Quản trị gồm 5 hay 7 người có quyền chỉ định Tổng giám đốc phải làm gì và điều hành V-League như thế nào trong khi các đội khác bị gạt qua một bên như đề xuất hiện nay. Thêm vào đó, cơ chế để các cổ đông can thiệp vào hoạt động điều hành cũng cần phải làm rõ theo nghĩa các cổ đông này không thể có ảnh hưởng tới việc điều hành giải của Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc không thể là người của một trong các đội/cổ đông giới thiệu vào.

Thứ hai, VPF là doanh nghiệp, nó đặt mục tiêu kinh doanh vào trung tâm, khác với VFF là một tổ chức mang tính nhà nước. Các quan chức trong VPF như Tổng Giám Đốc sẽ có nhiệm vụ được chỉ định rõ ràng, đó là thực hiện kế hoạch kinh doanh của Hội đồng Quản trị và Đại hội Cổ đông và nếu không làm được có thể bị sa thải. Điều này khác với các quan chức trong VFF là các công chức mà việc thay thế họ là việc khỏ khăn hơn nhiều.

Mô hình doanh nghiệp cũng cho phép tập trung quyền lực hơn vì thế việc thực thi các mục tiêu của lãnh đạo VPF, khác với một VFF cồng kềnh và thiếu quyết đoán.

Về mặt động cơ, quan chức VFF (là người nhà nước) không có nhiều động cơ để cống hiến hết mình vì cơ chế lương thưởng của họ không gắn liền với hiệu quả tài chính của giải V-League trong khi bộ máy quản trị của VPF sẽ được thuê để điều hành và câu chuyện lương thưởng của họ sẽ trực tiếp gắn với doanh thu và lợi nhuận của giải này.

Thế nhưng như thế không có nghĩa bộ máy của VPF sẽ vô trùng với tiêu cực. Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Bộ máy này cũng chịu áp lực từ các cổ đông, và mặc dù các cổ đông có quyền voting ngang bằng nhau, sẽ có những cổ đông có ảnh hưởng lớn hơn vì ngồi ở Hội đồng Quản trị, hoặc thông qua việc tài trợ cho VPF (trực tiếp hoặc gián tiếp). Vì thế câu chuyện phục vụ cho một hay một số ông chủ là chuyện có thể xảy ra.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG