Đường dẫn truy cập

Số người chạy trốn xung đột tăng mạnh


Người tị nạn từ Trung Phi chờ đợi tại thị trấn biên giới Cameroon Garoua Boulaï để nhận lãnh thực phẩm và áo quần. Với đà gia tăng như hiện nay, cơ quan tị nạn LHQ e rằng số người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trên toàn thế giới sẽ lên cao tới một mức kỷ lục khác nữa vào cuối năm nay.
Người tị nạn từ Trung Phi chờ đợi tại thị trấn biên giới Cameroon Garoua Boulaï để nhận lãnh thực phẩm và áo quần. Với đà gia tăng như hiện nay, cơ quan tị nạn LHQ e rằng số người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trên toàn thế giới sẽ lên cao tới một mức kỷ lục khác nữa vào cuối năm nay.

Cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc cho biết những cuộc xung đột đã buộc 5 triệu rưỡi người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong 6 tháng đầu của năm 2014. Theo bản báo cáo mới nhất của Cao ủy Tị nạn, số người tị nạn tăng mạnh sau khi đã đạt mức kỷ lục là 51,2 triệu người vào cuối năm 2013. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường thuật từ trụ sở chính ủa Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Geneve.

Với đà gia tăng như hiện nay, cơ quan tị nạn của Liên hiệp quốc e rằng số người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trên toàn thế giới sẽ lên cao tới một mức kỷ lục khác nữa vào cuối năm nay.

Những xu hướng mới cho thấy từ tháng giêng đến tháng 6 năm 2014, có 1 triệu 400 ngàn người đã vượt các ranh giới quốc tế để trở thành người tị nạn. Những người còn lại, hơn 4 triệu người, trở thành những người thất tán ngay bên trong quốc gia của mình.

Phát ngôn viên Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, ông Adrian Edwards, cho đài VOA biết rằng Syria lần đầu tiên trở thành nước số người tị nạn đông nhất thế giới, vượt qua vị trí mà Afghanistan đã nắm giữ trong hơn 3 thập niên.

"Syria đang trải qua một cuộc chiến tranh đã làm thay đổi tất cả mọi thứ. Gần 10 triệu người tị nạn và tản cư tính đến giữa năm 2014. Những con số đó vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện nay cứ 4 người tị nạn mà Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc giúp đỡ là có 1 người Syria. Cuộc chiến tranh ở Syria không có dấu hiệu chấm dứt và trong khu vực xung quanh Syria, nơi vốn có rất nhiều người tị nạn, chúng tôi nhận thấy khả năng tiếp nhận người tị nạn bị căng thẳng rất nhiều."

Phúc trình của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết thế giới đang bị khốn đốn vì một tập hợp chết người của những cuộc xung đột mới và những cuộc xung đột cũ. Văn kiện này nêu ra sự kiện là những vụ xung đột tương đối mới ở những nước như Syria, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đang diễn ra cùng lúc với những cuộc xung đột cũ, những cuộc xung đột không có dấu hiệu chấm dứt.

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết 2 triệu 700 ngàn người Afghanistan tị nạn trên thế giới tiếp tục là khối người tị nạn thâm niên lớn nhất mà cơ quan này chăm sóc. Tiếp theo sau Syria và Afghanistan, những nước có số người tị nạn rất đông đảo là Somalia, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Miến Điện và Iraq.

Ông Edwards, người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, cho biết những nước nghèo và những nước nằm gần những khu vực có xung đột phải gánh vác gánh nặng lớn nhất của người tị nạn.

"Tính theo dân số, Jordan và Li Băng là hai nước tiếp nhận người tị nạn nhiều nhất – tổng cộng gần 1 triệu 800 ngàn người. Mặc dù vậy, gánh nặng kinh tế lớn nhất lại được cảm nhận bởi các nước khác – đó là Ethiopia và Pakistan. Tính theo qui mô của nền kinh tế, hai nước này có số người tị nạn đông hơn bất kỳ quốc gia nào khác."

Những vụ xung đột qui mô lớn và những vụ tản cư trên diện rộng cũng đang xảy ra ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Hai nước này đang đối mặt với mối rủi ro bị quên lãng bởi công chúng và các nước nước cấp viện.

Ông Edwards nói rằng những vụ xung đột ở Phi châu đang tạo ra những hậu quả vô cùng tai hại về mặt kinh tế và nhân đạo cho các nước láng giềng nghèo khó. Ông cho biết những nước này đang tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn, và thường là họ không có được sự hỗ trợ thỏa đáng từ các chính phủ của những nước giàu có trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG