Đường dẫn truy cập

Số ca nhiễm omicron có thể giảm nhanh chóng ở Anh, Mỹ


Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, Mỹ, vào ngày 4/1/2022.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, Mỹ, vào ngày 4/1/2022.

Các nhà khoa học đang thấy những tín hiệu cho thấy làn sóng omicron đáng báo động của COVID-19 có thể đã đạt đỉnh ở Anh và sắp xảy ra tương tự ở Mỹ. Tại thời điểm đó, các ca nhiễm bệnh có thể bắt đầu giảm đột ngột. Nguyên nhân được lý giải là do biến thể này đã chứng tỏ khả năng lây lan dữ dội đến mức có thể đã hết người để lây nhiễm, chỉ một tháng rưỡi sau khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.

“Nó sẽ giảm nhanh như khi tăng lên”, Giáo sư Ali Mokdad của ngành khoa học đo lường y tế tại Đại học Washington ở Seattle, nói.

Đồng thời, các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về việc giai đoạn tiếp theo của đại dịch sẽ diễn ra như thế nào.

“Vẫn sẽ còn rất nhiều người bị nhiễm bệnh khi chúng ta qua khỏi đỉnh điểm”, Lauren Ancel Meyers, Giám đốc Hiệp hội Mô hình COVID-19 của Đại học Texas, nói.

Theo Giáo sư Mokdad, số ca nhiễm được ghi nhận hàng ngày ở Hoa Kỳ sẽ đạt 1,2 triệu ca vào ngày 19/1 và sau đó sẽ giảm mạnh “đơn giản vì tất cả những ai có thể bị nhiễm bệnh đều sẽ bị nhiễm bệnh”, ông Mokdad nói.

Trên thực tế, theo những tính toán phức tạp của trường đại học, con số thực sự của các ca nhiễm mới hàng ngày ở Hoa Kỳ - ước tính bao gồm những người chưa bao giờ được xét nghiệm - đã đạt mức cao nhất, 6 triệu ca vào ngày 6/1.

Trong khi đó, ở Anh, số ca nhiễm COVID-19 mới giảm xuống còn khoảng 140.000 ca một ngày trong tuần trước, sau khi tăng vọt lên hơn 200.000 ca một ngày vào đầu tháng này, theo dữ liệu của chính phủ.

Các số liệu từ Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh trong tuần này cho thấy số ca nhập viện vì virus corona ở người lớn đã bắt đầu giảm, với tỷ lệ nhiễm bệnh giảm ở tất cả các nhóm tuổi.

Kevin McConway, một giáo sư đã nghỉ hưu về ngành thống kê ứng dụng tại Đại học Mở của Anh, cho biết trong khi các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang gia tăng ở những nơi như tây nam nước Anh và West Midlands, thì đợt bùng phát có thể đã lên đến đỉnh điểm ở London.

Các số liệu đã làm dấy lên hy vọng rằng hai nước sắp trải qua điều tương tự như những gì đã xảy ra ở Nam Phi, nơi trong khoảng một tháng, làn sóng đạt mức cao kỷ lục và sau đó giảm đáng kể.

Tiến sĩ David Heymann, người trước đây lãnh đạo cơ quan phụ trách về các bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới, nói Anh là “quốc gia gần nhất với bất kỳ quốc gia nào đang thoát khỏi đại dịch”. Ông nói thêm rằng COVID-19 đang dần trở thành dịch bệnh đặc hữu.

Sự khác biệt giữa Anh và Nam Phi, bao gồm dân số già của Anh và xu hướng người dân ở trong nhà nhiều hơn vào mùa đông, có thể đồng nghĩa với việc bùng phát mạnh hơn đối với đất nước này và các quốc gia khác.

Mặt khác, quyết định của chính quyền Anh áp dụng những hạn chế tối thiểu đối với omicron có thể cho phép virus xâm nhập vào cư dân và lan truyền nhanh hơn nhiều so với các quốc gia Tây Âu áp đặt các biện pháp kiểm soát COVID-19 khắt khe hơn, chẳng hạn như Pháp, Tây Ban Nha và Ý.

Shabir Mahdi, trưởng khoa Khoa học Y tế tại Đại học Witwatersrand của Nam Phi, cho biết các quốc gia châu Âu áp đặt chế độ phong toả sẽ không nhất thiết phải trải qua làn sóng omicron với ít ca nhiễm hơn. Các ca nhiễm có thể lan rộng trong thời gian dài hơn.

Hôm 11/1, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đã có 7 triệu ca COVID-19 mới trên khắp châu Âu trong tuần qua, và gọi đây là “làn sóng thủy triều quét qua khu vực”. WHO trích dẫn mô hình từ nhóm của Giáo sư Mokdad dự đoán một nửa dân số châu Âu sẽ bị nhiễm omicron trong vòng khoảng tám tuần.

Tuy nhiên, TS. Hunter và các nhà khoa học khác hy vọng thế giới sẽ vượt qua làn sóng omicron vào thời điểm Lễ Phục sinh (17/4).

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG