Đường dẫn truy cập

RSF kêu gọi trừng phạt truyền thông nhà nước Trung Quốc


Nhà hoạt động người Thụy Điển Peter Dahlin bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giữ vì ‘đe dọa an ninh quốc gia’.
Nhà hoạt động người Thụy Điển Peter Dahlin bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giữ vì ‘đe dọa an ninh quốc gia’.

Tổ chức Ký giả Không biên giới (RSF) hôm 21/1 kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) trừng phạt Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV và hãng tin Tân Hoa Xã vì đã đăng tải những ‘lời nhận tội bị cưỡng ép’ của những người đang bị giam giữ.

Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Pháp nói họ ‘thất kinh’ vì sự phát triển của thực tế này trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc, và điều này đặt ra mối đe dọa đáng báo động cho sự tự do tường thuật tin tức và đưa thông tin.

Lời kêu gọi của RSF đưa ra sau khi Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát sóng lời ‘nhận tội có chủ đích’ của nhà hoạt động người Thụy Điển Peter Dahlin, người bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giữ vì ‘đe dọa an ninh quốc gia’.

Trên bản tin của CCTV, ông Dahlin đã xin lỗi Trung Quốc vì những hành động bị cáo buộc.

Hãng tin Tân Hoa Xã sau đó cũng trích đăng một số lời nhận tội của ông Dablin.

Giám đốc phụ trách châu Á của RSF, ông Benjamin Ismail, nói việc CCTV và Tân Hoa Xã dù biết những lời nhận tội trên là bị ép buộc mà vẫn đăng tải bản tin, thì họ đã trở thành những ‘vũ khí tuyên truyền đại chúng’ và thôi vai trò thực tế là một phương tiện truyền thông tin tức.

RSF kêu gọi EU áp dụng lệnh trừng phạt đối với các cơ quan truyền thông trên, nói rằng làm như vậy là phù hợp với biện pháp trừng phạt của EU hồi năm 2013 chống lại các giới chức truyền thông nhà nước Iran đã vi phạm quyền được xét xử công bằng bằng cách sử dụng những lời nhận tội bị cưỡng ép và đồng lõa trong việc sử dụng bạo lực để làm cho tù nhân phải nhận tội.

Hôm thứ Hai, CCTV đã phát sóng một đoạn video nhận tội đầy nước mắt của một người bán sách Hồng Kông là ông Quế Minh Hải, người có quốc tịch Thụy Điển. Ông Quế nói muốn được xét xử ở Trung Quốc cho dù là công dân của Thụy Điển. Ông Quế là chủ một công ty bán sách ở Hồng Kông đã xuất bản nhiều cuốn sách quan trọng liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những lời nhận tội của ông Quế được phát trên CCTV sau một thời gian biến mất đầy bí ẩn ở Thái Lan kể từ tháng 10, mà nhiều người cho là ông đã bị bắt cóc.

Hồi tháng 8/2014, RSF cũng đã từng kêu gọi Hội đồng châu Âu thông qua lệnh trừng phạt CCTV và ban lãnh đạo của cơ quan truyền thông này.

Năm ngoái, Trung Quốc bị xếp hạng 176 trong tổng số 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí trong bảng xếp hạng của RSF.

Theo RSF, RTHK.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG