Đường dẫn truy cập

Quyền người đồng tính Mỹ được thử thách trước Tối cao Pháp viện


Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính đứng trước cổng Tối cao Pháp viện ở Washington, 26/3/2013.
Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính đứng trước cổng Tối cao Pháp viện ở Washington, 26/3/2013.
Hai vụ kiện về hôn nhân đồng tính mà Tối cao Pháp viện đang thụ lý đã thu hút hàng ngàn người biểu tình ôn hòa, nhiều người dường như nhận thức được rằng một diễn biến lịch sử về việc này sẽ xảy ra.

Ông Dominic Parisi và chồng là ông Dan Zimmerman, đứng trên bực thềm của Tối cao Pháp viện để bày tỏ sự ủng hộ đối với hôn nhân đồng tính.

Ông Parisi nói tụ tập trước Tối cao Pháp viện gởi một thông điệp đến các nhà lãnh đạo chính phủ tại Washington:

"Tôi thấy nước Mỹ đi nhanh hơn tòa án. Tuy nhiên rồi bạn có thể thấy. Chúng tôi sống với nhau trong 29 năm. Thực vậy, tôi đi nhanh hơn tòa án trong nhiều năm, do đó tôi nghĩ đã đến lúc tòa án phải bắt kịp.”

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có sự thay đổi lập trường rõ rệt về hôn nhân đồng tính trong vài năm qua. Một số cuộc thăm dò mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ hôn nhân đồng tính vượt quá 50%.

Tuy nhiên, dù công luận có chuyển đổi ý kiến, một số người Mỹ đáng kể vẫn còn chống lại quan niệm hôn nhân đồng tính.

Việc này chứng tỏ rõ rệt trong những cuộc tranh luận tại Tối cao Pháp viện về việc bang California cấm hôn nhân đồng tính, được biết dưới tên là Đề Luật số 8.

Một vài thẩm phán bảo thủ của Tối cao Pháp viện nhận định về vấn đề này với sự dè dặt, trong đó có Thẩm phán tối cao Samuel Alito:

“Dân chúng muốn chúng tôi nhập cuộc và đưa ra một quyết định căn cứ trên sự đánh giá về ảnh hưởng của hôn nhân đồng tính, một hiện tượng phải chăng mới hơn điện thoại di động hay Internet?”

Ngay cả vào lúc tòa án nghe các tranh luận, hàng trăm người chống đối hôn nhân đồng tính tuần hành bên ngoài tòa án, kiên quyết đưa ra quan điểm của họ là hôn nhân phải là giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Ông Peter Sprigg làm việc cho Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, một tổ chức tranh đấu bảo thủ tại Washington. Ông nói:

“Chúng tôi nỗ lực truyền đạt thông điệp là vấn đề ở đây không phải là ham muốn của người lớn nhưng là về nhu cầu của trẻ em. Hôn nhân tồn tại vì lợi ích của trẻ em, không phải vì ham muốn của người lớn.”

Các quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
Các quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
Tuy nhiên những người Mỹ trẻ hơn đặc biệt dường như chấp nhận hôn nhân đồng tính và điều này có thể ảnh hưởng đến xã hội một cách sâu rộng hơn bất cứ những gì Tối cao Pháp viện có thể quyết định về những vụ kiện hiêïn nay.

Vụ thứ hai được đưa ra Tối cao Pháp viện liên hệ đến một đạo luật vào năm 1996, được biết dưới tên Luật Bảo vệ Hôn nhân, định nghĩa hôn nhân phải là giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Luật cũng ngăn không cho những cặp đồng tính nhận những quyền lợi của liên bang dành cho những cặp vợ chồng khác giới tính.

Nguyên đơn của vụ này là bà Edie Windsor, 83 tuổi. Bà bị buộc phải trả thuế liên bang trên tài sản bà thừa hưởng từ người vợ là bà Thea. Đây là loại thuế những cặp vợ chồng khác giới tính không bao giờ phải trả.

Sau khi có buổi tranh luận, bà Windsor nói với các phóng viên về những thay đổi mà bà chứng kiến với tư cách là một người Mỹ đồng tính:

“Tôi nghĩ là chúng tôi cũng là con người như những người khác. Ý của tôi là tôi cũng đang nói chuyện với các bạn một cách tự do. Tôi đã trốn tránh từ 10 năm nay rồi.”

Phán quyết của Tối cao Pháp viện về cả hai trường hợp hôn nhân đồng tính sẽ được đưa ra trước cuối tháng Sáu. Tuy nhiên, dù kết quả như thế nào, những người ủng hộ hôn nhân đồng tính biểu tình trước Tối cao Pháp viện nói tuần này sẽ được nhớ đến như là một thời điểm cột mốc trong cuộc tranh đấu về quyền bình đẳng của những người đồng tính luyến ái Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG