Đường dẫn truy cập

Quan hệ Nhật-Hàn vẫn căng thẳng vì hòn đảo tranh chấp


Đại sứ Nhật Bản tại Nam Triều Tiên Masatoshi Muto tại sân bay Gimpo ở Seoul
Đại sứ Nhật Bản tại Nam Triều Tiên Masatoshi Muto tại sân bay Gimpo ở Seoul
Nhật Bản vừa điều đại sứ của mình quay trở lại Nam Triều Tiên sau khi triệu hồi về Nhật vì tranh chấp lãnh thổ có liên quan đến một hòn đảo trong vùng biển Nhật Bản. Nhưng thông tín viên Miguel Quintana từ Tokyo cho biết vẫn còn những dấu hiệu cho thấy cả hai nước còn nhiều bất đồng về vấn đề này.

Đại sứ Nhật Bản tại Nam Triều Tiên vừa quay trở lại Seoul. Ông được triệu hồi về nước hồi đầu tháng này sau khi Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đến một hòn đảo tranh chấp ở vùng biển Nhật Bản, gây nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Phía Nhật gọi đảo này là Takeshima, còn Nam Triều Tiên gọi là Dokdo.

Hôm thứ Ba, chính phủ Nhật Bản đã gửi một bức thư cho Nam Triều Tiên đề nghị đưa vấn đề này ra Tòa án Quốc tế (ICJ). Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản hôm nay nói rằng bức thư đang trên đường về lại Tokyo.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Trợ lý Thư ký báo chí Masaru Sato cho biết Nam Triều Tiên đã hai lần từ chối lời đề nghị tương tự trong quá khứ, nhưng ông bày tỏ hy vọng Seoul cuối cùng sẽ chấp thuận đưa vấn đề ra Toà án Quốc tế.

Ông Sato nói: “Mọi sự đã thay đổi. Triều Tiên hiện đang ủng hộ một nước Triều Tiên toàn cầu và là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc. Nếu họ tin rằng những tuyên bố của họ là chính đáng, họ nên chấp nhận đề xuất của Nhật Bản một cách thẳng thắn và dứt khoát. Nếu họ nói không, chúng tôi sẽ tìm kiếm một giải pháp có tính hữu nghị và hoà bình. Không cách gì có thể buộc họ phải đồng ý với lời đề nghị của chúng tôi, nhưng đã đến lúc Nam Triều Tiên chấp thuận lời đề nghị đó.”

Ông Sato giải thích rằng chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị đưa ra thêm một số biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng tùy thuộc vào việc Nam Triều Tiên đáp lại đề xuất của Nhật như thế nào. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Nhật mong muốn tìm một giải pháp hòa bình giúp ngăn chặn vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Ông Sato nói tiếp: “Quan hệ Nhật Bản-Nam Triều Tiên rất quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế mà còn nhắm mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi không muốn mối quan hệ song phương xấu đi và đó chính là lý do tại sao chúng tôi muốn theo đuổi một biện pháp thích đáng về mặt pháp lý. Chúng tôi cho rằng phản ứng của Nam Triều Tiên gần đây rất bất thường, và chúng tôi có thể nói rằng nó là một hành động bất thường về ngoại giao xét về thông lệ quốc tế.”

Ông Sato cũng nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với hòn đảo này. Ông nói các tài liệu lịch sử xác nhận Nhật Bản đã xác lập chủ quyền đối với Takeshima đến giữa thế kỷ 17 trước khi sát nhập đảo này vào một tỉnh của Nhật Bản vào năm 1905.

Ông nói Hoa Kỳ đã thừa nhận hòn đảo là một phần không thể tách rời của Nhật Bản bằng việc bác bỏ nỗ lực của Nam Triều Tiên đòi lại hòn đảo này sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Seoul đã nhanh chóng từ chối không nhận bức thư của Nhật Bản, một hành động có khả năng gây chấn động giới ngoại giao ở Tokyo. Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK đã gọi hành động này là "phản ứng chưa từng thấy" trong thông lệ ngoại giao.

Nhật Bản còn có tranh chấp lãnh thổ dai dẳng với Trung Quốc về một nhóm đảo trên ở vùng Biển Đông Trung Quốc. Chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda có thể sẽ phải đối mặt với những áp lực mới từ các nhóm dân tộc chủ nghĩa đòi chính quyền có lập trường mạnh mẽ hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG