Đường dẫn truy cập

Quan hệ Mỹ-Ai Cập sau Mùa Xuân Ả Rập


Tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi
Tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ai Cập trong quá khứ là một mối quan hệ gần gũi và lâu dài. Các khoản viện trợ quân sự và kinh tế mà Hoa Kỳ dành cho quốc gia Ả Rập này lên tới một tỉ đô la mỗi năm, nhưng nhiều người Ai Cập không chấp nhận điều mà theo họ, là sự can thiệp của Hoa Kỳ vào nội tình nước họ. Khi Mùa Xuân Ả Rập bắt rễ tại quốc gia có 80 triệu dân này, nhiều người nói họ muốn thấy một sự chuyển biến trong mối quan hệ với Washington. Thông tín viên Đài VOA Margaret Besheer tường trình thêm chi tiết từ Cairo.

Ngày Chủ Nhật 15 tháng Bảy sắp tới, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ đi thăm Ai Cập để gặp Tổng thống tân cử Mohamed Morsi và các giới chức khác.

Ưu tiên trong nghị trình thảo luận giữa hai bên là tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập, nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này, hòa ước Ai Cập-Israel và viện trợ của Hoa Kỳ.

Bà Manar Shorbagy, giáo sư môn khoa học chính trị tại trường đại học American tại Cairo, nói trong giai đoạn mới này, Hoa Kỳ phải lượng định lại cách giao tiếp với Ai Cập.

Bà Shorbagy nói:

“Về phía Hoa Kỳ, tôi hy vọng là Washington sẽ xác định lại các quyền lợi trong vùng. Vì cho đến nay, người Mỹ định nghĩa các quyền lợi trong vùng này là vấn đề dầu hỏa và việc bảo vệ Israel. Tôi nghĩ còn có nhiều khía cạnh khác trong mối quan hệ Ai Cập-Hoa Kỳ. Điều quan trọng là quan hệ với Ai Cập phải dựa trên những quyền lợi hỗ tương.”

Giáo sư Shorbagy nói trong suốt cuộc cách mạng dân chủ được gọi là Mùa Xuân Ả Rập, người Ai Cập đã đòi chính phủ của họ phải đối xử với họ tử tế bằng cách tôn trọng nhân phẩm của họ, và họ cũng đưa ra đòi hỏi tương tự với thế giới còn lại.

Trên một đường phố đông đúc của Cairo, ông Ahmed, một kế toán viên làm việc cho Bộ Nông nghiệp Ai Cập, đồng ý với quan điểm đó.

Ông nói: “Chúng tôi không đòi hỏi nhiều, chúng tôi không đòi Hoa Kỳ viện trợ cho chúng tôi như viện trợ cho Israel hay cho toàn vùng. Nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là dân chủ, là phát triển. Chúng tôi muốn Hoa Kỳ hỗ trợ chúng tôi trong các nỗ lực đó, mà không chỉ chăm chăm chú trọng tới dầu khí, kênh đào Suez chiến lược, vấn đề Iran hay Syria. Chúng tôi là một quốc gia.”

Hồi năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã tới Cairo đọc một bài diễn văn lịch sử về một “khởi đầu mới” giữa Hoa Kỳ với thế giới Ả Rập và Hồi Giáo.

Nhà lãnh đạo Mỹ đề cập tới việc xóa bỏ quá khứ khi hai bên không tin tưởng lẫn nhau, ông nói tới việc mưu tìm những điểm chung và xây dựng quan hệ dựa trên lòng tương kính.

Nhà khoa học chính trị Shorbagy nói trong khi bài diễn văn của Tổng thống Obama có nhiều thiện ý, nhưng bài diễn văn của ông có thể phản tác dụng.

Bà Shorbagy nhận định:

“Tôi nghĩ là điều đã xảy ra trong mấy năm qua là bài diễn văn của Tổng thống Obama tại Cairo đã nâng kỳ vọng lên quá cao, trong khi những hứa hẹn ấy không trở thành hiện thực, khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.”

Nỗi thất vọng đó được phản ánh qua kết quả của một cuộc thăm dò do Viện Gallup công bố hồi tháng Ba, cho thấy hơn một nửa người dân Ai Cập được thăm dò, cho rằng thắt chặt quan hệ với Washington là một điều không có lợi.

Anh Mohamed, 20 tuổi, một giáo viên môn lịch sử, nói anh không thấy có bất cứ sự khác biệt nào trong cách ứng xử của Hoa Kỳ với các nhà độc tài trong thế giới Ả Rập, hay có khác biệt nào trong vấn đề Palestine từ sau bài diễn văn của Tổng thống Obama. Anh nói đó chỉ là những lời nói xuông, chẳng dẫn tới kết quả nào.

Ngồi với vài người bạn bên ngoài một siêu thị Ai Cập trong cái nóng giữa trưa, ông Mohammed Galal nói người Ai Cập rất thích người Mỹ, nhưng họ không thích các chính sách về Trung Đông của chính phủ Mỹ.

Một nguyên nhân gây bất bình có thể liên quan tới khoản viện trợ quân sự của Mỹ cho Ai Cập lên tới 1,4 tỉ đô la một năm, trong khi viện trợ kinh tế và chính trị cho Ai Cập chỉ có 250 triệu đô la một năm.

Một cuộc thăm dò khác của Viện Gallup mới đây cho thấy chỉ có một phần tư những người Ai Cập được thăm dò đồng ý nên tiếp tục các khoản viện trợ đó.

Phần lớn khoản tiền viện trợ của Hoa Kỳ đều đi kèm một số điều kiện và người Ai Cập như ông Mohammed Galal và bạn bè của ông lấy làm bực bội về chuyện này.

Ông nói ông muốn thấy Hoa Kỳ đối xử với những người Ai Cập một cách ngang hàng như những con người với nhau, chứ đừng có thái độ ngạo mạn.

“Người Mỹ không nên viện trợ cho chúng tôi rồi bảo chúng tôi làm thế này thế nọ. Người Mỹ không có quyền kiểm soát chúng tôi.”

Nhà báo Atef El Ghamry chuyên viết về các vấn đề chính trị cho báo Al Ahram. Ông nói hiện nay Ai Cập đang ở trong giai đoạn khi mà việc làm quyết định về chính sách đối ngoại liên quan tới Hoa Kỳ, đang nằm trong tay của đất nước này. Và như thế, điều quan trọng là Hoa Kỳ thay đổi triệt để các lập trường của mình, kể cả chính sách thiên vị Israel.

Trong khi người Ai Cập có thể tin là Hoa Kỳ thiên vị Israel về phương diện chính trị, gần phân nửa những người Ai Cập được Viện Gallup thăm dò nói rằng một hòa ước với Israel là điều tốt.

Trong chuyến đi thăm Ai Cập của Ngoại trưởng Clinton, hai nước đồng minh sẽ phải thảo luận rất nhiều vấn đề liên quan tới hợp tác để hướng tới tương lai.

VOA Express

XS
SM
MD
LG