Đường dẫn truy cập

Quân đội Thái Lan phủ nhận đảo chính sau khi ban hành thiết quân luật


Binh sĩ mang vũ khí được điều động đến các ngã tư và đã bao vây trụ sở cảnh sát quốc gia Bangkok.
Binh sĩ mang vũ khí được điều động đến các ngã tư và đã bao vây trụ sở cảnh sát quốc gia Bangkok.
Quân đội Thái Lan đã ban hành lệnh thiết quân luật và nói rằng họ làm như vậy để giữ “hòa bình và trật tự” sau nhiều tháng xảy ra những cuộc biểu tình chống chính phủ đôi khi trở thành bạo động.

Trong một loan báo được truyền hình vào sáng ngày hôm nay, Tướng Prayuth Chan-Ocha bênh vực hành động này và cho rằng đây là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

“Quân đội Hoàng gia Thái Lan mong muốn mang lại hòa bình và trật tự cho đất nước thân yêu của mỗi người dân Thái Lan càng sớm càng tốt. Do đó chúng tôi yêu cầu các bên và các nhóm ngưng ngay những hành động để nhanh chóng tham gia tiến trình giải quyết các vấn đề của đất nước. Những điều khoản của Đạo luật về Luật Thiết quân luật năm 1914 sẽ được loan báo. Chúng tôi kêu gọi công chúng không nên hốt hoảng và tiếp tục thi hành các nhiệm vụ của mình và làm việc bình thường.”

Quân đội, từng thực hiện 11 cuộc đảo chánh trong vòng 80 năm qua, phủ nhận việc chiếm quyền cai trị. Một vài giới chức mạnh mẽ phủ nhận là một cuộc đảo chánh đã xảy ra.

Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri nói với các phóng viên là chính phủ lâm thời vẫn còn chịu trách nhiệm và khẳng định là hành động của quân đội chỉ liên hệ đến an ninh.
Tướng Prayuth Chan-Ocha bênh vực hành động này và cho rằng đây là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.
Tướng Prayuth Chan-Ocha bênh vực hành động này và cho rằng đây là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.

Hiện chưa rõ chính phủ chuyển tiếp có được tham khảo ý kiến trong quyết định áp dụng thiết quân luật hay không và nếu có thì với mức độ nào.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói Hoa Kỳ “rất quan tâm” và đang theo dõi sát tình hình. Bà nói Hoa Kỳ hy vọng quân đội Thái Lan tôn trọng những cam kết là lệnh thiết quân luật chỉ là “ hành động tạm thời để ngăn ngừa bạo động, chứ không gây phương hại cho những định chế dân chủ.”

Gần 30 người thiệt mạng kể từ tháng 11 năm ngoái, khi những cuộc biểu tình bùng phát nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Các cuộc biểu tình không đạt mục đích, nhưng bà Yingluck và một số thành viên trong nội các bị Tòa án Hiến pháp bãi chức trong tháng này về tội lạm dụng quyền hành.

Diễn tiến đó đã làm Thái Lan không có một chính phủ hoạt động đầy đủ, và có những mối lo ngại là quân đội có thể can thiệp để ngăn chận bạo động.

Theo lệnh thiết quân luật được công bố ngày hôm nay, quân đội Thái Lan nói những người biểu tình thân và chống chính phủ phải ở tại vị trí biểu tình được chỉ định.

Trong một tuyên bố trên đài truyền hình, quân đội cũng cảnh cáo chống lại việc phổ biến những tin tức mà họ gọi là có thể “có ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh.”

Quân đội ra lệnh tạm ngưng hoạt động tại của vài đài truyền thanh truyền hình.

Binh sĩ mang vũ khí được điều động đến các ngã tư và đã bao vây trụ sở cảnh sát quốc gia Bangkok. Tuy nhiên thành phố có vẻ yên tĩnh, và dân chúng vẫn đi làm như bình thường, một số người chụp ảnh các binh sĩ.
Binh sĩ Thái Lan canh gác tại chốt kiểm soát gần doanh trại của phe Áo Ðỏ ở ngoại ô Bangkok, ngày 20/5/2014.
Binh sĩ Thái Lan canh gác tại chốt kiểm soát gần doanh trại của phe Áo Ðỏ ở ngoại ô Bangkok, ngày 20/5/2014.

Bà Pojanee Sukmak, cư dân Bangkok nói bà không muốn bạo động bùng phát, như đã xảy ra trong quá khứ tại Thái Lan.

“Người dân không còn như xưa nữa. Người dân sẽ không để việc này xảy ra. Tuy nhiên tôi không nghĩ họ sẽ gây nên bạo động vì nếu họ làm như vậy thì không có gì là tốt cả.”

Một số tổ chức nhân quyền bày tỏ quan tâm về việc công bố tình trạng thiết quân luật. Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói ban bố lệnh thiết quân luật trên toàn quốc không cần thiết để ngăn ngừa bạo động. Trong một tuyên bố, giám đốc châu Á của tổ chức này là ông Brad Adams nói “cuộc đảo chánh trên thực tế” đã có hiệu quả là làm cho các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp mất hết quyền lực và không bao gồm những đảm bảo chống lại những vụ vi phạm nhân quyền của quân đội.”

Ông Mark Thompson, giám đốc nghiên cứu Đông Nam Á tại Trường đại học Thành phố Hong Kong nói với Đài VOA là quân đội không muốn gắn nhãn hiệu hành động của họ là một cuộc đảo chánh vì lo ngại có thể tạo thêm những xáo trộn nữa.

“Đây là vấn đề chữ nghĩa, nhưng lại là một điểm quan trọng, vì khi quân đội can thiệp lần chót vào năm 2006, thì họ đã không thành công. Và quân đội lo ngại là nếu gọi đây là một cuộc đảo chánh và thực sự chính thức lật đổ chính phủ tạm quyền, không phải như họ đang làm trên thực tế, thì đó là một điều sẽ khiêu khích Phe Áo Đỏ và có thể đưa đất nước đến gần với một cuộc nội chiến.”

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bắt đầu vào năm 2006, khi anh của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị quân đội lật đổ sau một cuộc đảo chánh vì bị cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền hành và không tôn kính Vua Bhumibol Adulyadej.

Ông Thaksin vẫn còn được mến mộ trong số những người dân sinh sống ở nông thôn, và những đảng do ông kiểm soát đã thắng mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001. Những người biểu tình chống chính phủ, được giới trí thức ủng hộ, nói họ muốn xóa bỏ mọi dấu tích của guồng máy chính trị của ông Thaksin ra khỏi chính trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG