Đường dẫn truy cập

Phó TT Mỹ gây áp lực lên lãnh đạo châu Á về vấn đề Biển Đông


Phó TT Mỹ Mike Pence phát biểu tại Nhật Bản hôm 13/11 sau khi tham dự các cuộc hội đàm tại Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore.
Phó TT Mỹ Mike Pence phát biểu tại Nhật Bản hôm 13/11 sau khi tham dự các cuộc hội đàm tại Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore.

Trong khi các lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á bàn thảo nhiều về thương mại ở Singapore hôm 14/11 thì Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại tập trung vào việc giữ cho hải phận của châu Á rộng mở đối với quốc tế bất chấp sự bành trướng của Trung Quốc. Ông Pence cũng mưu tìm sự hỗ trợ trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn cũng như gây áp lực lên Myanmar về cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya.

Tại một hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nhà lãnh đạo ASEAN bàn thảo về các vấn đề kinh tế và thương mại trong phần lớn thời gian hôm 14/11, cũng như trong cuộc họp với các quan chức từ các nước lớn khác được mời tham dự như Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ đưa các cuộc đàm thoại của ông hôm 14/11 hướng chủ yếu tới vấn đề địa chính trị.

Biển Đông

Phó Tổng thống Pence hôm 14/11 nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng các cuộc tập trận hải quân gần đây ở châu Á là “bằng chứng của cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo sự tiếp cận tự do và rộng mở của lãnh hải trên toàn khu vực.” Cả Ấn Độ và Mỹ đều tìm cách khống chế Trung Quốc trong khi nước này tiếp tục quân sự hóa các đảo trong khu vực biển có tranh chấp ở phía nam của nước này.

Hôm 13/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi ASEAN hợp tác với Trung Quốc trên Biển Đông. Bốn quốc gia ASEAN – gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – đều có tuyên bố chủ quyền hàng hải chồng lấn với Trung Quốc.

ASEAN trong hai thập kỷ qua đã thúc thục Trung Quốc ký một bộ quy tắc ứng xử nhằm giúp ngăn chặn các tranh chấp trên biển. Hai bên bắt đầu trở lại các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này vào năm ngoái nhưng trong năm nay họ được cho là sẽ không thương thảo về bộ quy tắc này do có những lo ngại về các vấn đề chủ quyền và các biện pháp giải quyết tranh chấp.

“Điều đó phụ thuộc vào Trung Quốc,” Termsak Chalermpalanupap, một thành viên của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore nói. “Thực ra thì ASEAN nói rằng việc này có thể được hoàn tất trong vòng một tháng vì chúng ta đã có một bản dự thảo thống nhất cho việc đàm phán. Chúng ta chỉ cần đưa thêm vào một số chi tiết là xong.”

Bắc Hàn

Cũng trong cuộc gặp với Thủ tướng Modi, Phó Tổng thống Pence kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn nữa trong các mối quan hệ với Bắc Hàn. Chính phủ Mỹ coi Bắc Hàn là một quốc gia cô lập có tên lửa và vũ khí hạt nhân có thể bắn tới các quốc gia láng giềng là đồng minh của phương Tây.

“Chúng tôi cám ơn sự ủng hộ to lớn của Ấn Ðộ cho chiến dịch gây sức ép lên Bắc Hàn,” Phó Tổng thống Pence nói. “Nhưng chúng tôi mong muốn có nhiều phương thức hơn nữa để chúng ta có thể cùng hợp tác, thậm chí như Tổng thống (Donald Trump) đang tiến tới một cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo với Chủ tịch Kim với hy vọng rằng chúng ta cuối cùng có thể đem lại một nền hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.”

Washington và Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh thứ 2 giữa ông Trump và ông Kim cho dù có tin nói rằng Bắc Hàn đã tích trữ được 60 vũ khí hạt nhân.

Ông Pence dự kiến gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo và tham dự một bữa ăn tối do Thủ tướng Singapore chủ trì.

Rohingya

Trong cuộc họp với lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi hôm 14/11, ông Pence nói ông mong muốn nhận được thông tin về bất cứ sự tiến triển nào trong việc xác định kẻ chịu trách nhiệm cho hành động bức hại những người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Washington “mong muốn một xã hội dân sự phồn vinh, hòa bình và thành đạt ở Miến Điện với một nền báo chí tự do và độc lập,” phó tổng thống Mỹ nói và dùng tên trước đây của Myanmar.

“Đây là một thảm kịch đã làm lay động trái tim của hàng triệu người dân Mỹ,” ông Pence nói. “Bạo lực và hành động đàn áp của của quân đội và dân quân đã buộc hơn 700.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh ti nạn là không thể biện minh được.”

Hơn 730.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh kể từ tháng 8 năm ngoái để trốn chạy cái mà các nhà thanh tra của Liên hợp quốc gọi là thảm họa diệt chủng. Myanamar luôn phủ nhận cáo buộc này và nói rằng chiến dịch của họ là sự phản công tự vệ hợp pháp đối với cái mà họ gọi là những cuộc tấn công khủng bố.

Ông Pence nói Hoa Kỳ “vui mừng nhận được những tin tức cho thấy một vài gia đình đã bắt đầu tìm đường quay trở về quê hương” và phó tổng thống Mỹ nói rõ rằng “điều đó phải được thực hiện bằng phương thức minh bạch và an toàn cũng như tự nguyện.”

Nhà lãnh đạo Myanmar hạ thấp giọng và nói với ông Pence rằng “ông nên trao đổi quan điểm để hiểu nhau hơn.”

“Chúng tôi đang ở trong vị trí tốt hơn trước đây để giải thích với ông về điều gì đang xảy ra và ghi nhận mọi việc đang diễn tiến ra sao,” bà Suu Kyi nói.

Thương mại ASEAN

Hôm 14/11, ông Pence không nói nhiều về thương mại mặc dù ông nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng ông nhìn thấy một “môi trường thương mại công bằng và tương hỗ hơn đang tiến triển.”

ASEAN, được thành lập khởi điểm với 5 quốc gia cách đây nhiều thập kỷ, phát huy sức mạnh bằng cách tận dụng một thị trường chung của hơn 600 triệu dân để ký các hiệp định thương mại với thế giới. Các quốc gia ĐNÁ xuất khẩu các mặt hàng sản xuất với giá trị thấp, xuất khẩu lao động và tài nguyên thiên nhiên cho nhiều khu vực trên thế giới.

Trong khi các lãnh đạo của khu vực chủ yếu bàn thảo các vấn đề thương mại ở Singapore thì cuộc họp thượng đỉnh tới hết ngày 15/11 dường như sẽ chỉ đưa ra một thông cáo chung hơn là có các hiệp định to lớn nào, theo nhà nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang Singapore Oh Ei Sun.

Nhà phân tích này nói: “Theo những gì tôi theo dõi, thượng đỉnh ASEAN về cơ bản là cho các nhà lãnh đạo thêm cơ hội gặp nhau song phương hơn là cùng đưa ra một điều gì chắc chắn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG