Đường dẫn truy cập

Philippines triệu hồi đại sứ ở Canada vì vụ rác thải


Tình nguyện viên nhặt rác dọc bờ biển Vịnh Manila trong ngày làm sạch bờ biển thế giới ở Philippines hôm 22/9/2018. Hàng trăm container rác thải của Canada hiện đang nằm tại Manila từ 5 năm nay.
Tình nguyện viên nhặt rác dọc bờ biển Vịnh Manila trong ngày làm sạch bờ biển thế giới ở Philippines hôm 22/9/2018. Hàng trăm container rác thải của Canada hiện đang nằm tại Manila từ 5 năm nay.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đã triệu hồi đại sứ của nước ông tại Canada sau khi Ottawa không lấy lại hàng tấn rác thải mà họ đã đổ sang quốc gia Đông Nam Á này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết hôm 16/5.

Quyết định được đưa ra sau thời hạn chót ngày 15/5 do ông Duterte đặt ra cho Canada phải dọn đi hơn 100 container rác thải gia đình đã được đưa đến Philippines cách đây hơn 5 năm. Các container này chứa các loại rác thải gia đình thông thường, bao gồm cả túi đã qua sử dụng và tã bẩn, nhưng chúng được dán nhãn là vật liệu có thể tái chế.

“Thư triệu hồi đại sứ và lãnh sự ở Canada được phát đi vào lúc nửa đêm qua,” Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin nói trên Twitter. “Họ dự kiến sẽ về tới đây trong một vài ngày tới. Canada đã không đáp ứng thời hạn chót ngày 15/5. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hạn chế hiện diện ngoại giao ở Canada cho đến khi họ dọn rác của họ đi.”

Đại sứ quán Canada tại Manila từ chối yêu cầu bình luận của New York Times về vụ việc này.

Thông báo hôm 16/5 được đưa ra một cách bất ngờ, vì người phát ngôn của ông Duterte, ông Salvador Panelo, trước đây nói rằng tổng thống có thể nhân nhượng cho việc chậm trễ chuyển các container rác đi.

“Tổng thống là người có tình có lý. Nếu chỉ chậm trễ một chút, thì ông có thể chấp nhận,” ông Panelo nói chiều ngày 15/5. “Điều chính yếu là họ sẽ phải dọn rác thải của họ đi.”

Tuy nhiên, ông Panelo cảnh báo rằng Canada sẽ phải trả thêm phí lưu trữ và các hình phạt khác, hoặc Manila sẽ “ném rác trở lại cho họ,” theo New York Times.

Rác thải – được dán nhãn là phế liệu có thể tái chế – được đưa đến Philippines trong hơn 100 container do một công ty tư nhân Canada vận chuyển bằng đường biển vào năm 2013 và 2014. Chính phủ Canada nói rằng họ đang làm việc để giải quyết tranh chấp này. Philippines đã sửa đổi luật môi trường vào năm 2016 để đặt trách nhiệm lên các công ty tư nhân trong những trường hợp như vậy và buộc họ phải lấy lại chất thải đó.

Hôm 15/5, BAN Toxics, một nhóm môi trường ở Philippines, đã kêu gọi chính phủ Duterte dừng ngay việc nhập khẩu chất thải nguy hại và rác thải khác tới đây sau khi Canada không thực hiện đúng hạn, theo New York Times.

Tổ chức này buộc Manila phải phê chuẩn các sửa đổi đối với Công ước Basel, được lập ra để bảo vệ các nước đang phát triển nhỏ hơn không trở thành bãi rác thải chất độc hại không mong muốn từ các nước giàu có. Vấn đề thải rác đã bùng nổ ở các nước Đông Nam Á kể từ khi Trung Quốc gần đây ngừng nhận hầu hết các vật liệu tái chế từ nước ngoài.

Reynaldo San Juan, phó giám đốc điều hành của BAN Toxics, cho biết các container rác thải của Canada chỉ là một trong số những ví dụ về rác thải được đổ sang Philippines. Năm 2018, khoảng 1.400 tấn chất thải gia đình từ Hàn Quốc đã được vận chuyển trở lại nơi xuất xứ của chúng sau một làn sóng phản đối.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG