Đường dẫn truy cập

Phe nổi dậy Thái Lan đánh bom để gây thiệt hại kinh tế


Nhân viên cứu hộ dập tắt đám cháy tại hiện trường vụ nổ bom ở Yala, miền nam Thái Lan.
Nhân viên cứu hộ dập tắt đám cháy tại hiện trường vụ nổ bom ở Yala, miền nam Thái Lan.
Tại miền nam Thái Lan, một loạt những vụ đánh bom - do những người bị nghi là quân nổi dậy thực hiện, đã giết chết một người và làm bị thương hơn 20 người. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, những vụ tấn công này tạo ra một thách thức lớn cho chính phủ đang gặp bế tắc và viên tư lệnh mới của khu vực biên giới miền nam.

Các giới chức cảnh sát và an ninh Thái Lan đang nghiên cứu những đoạn phim của đài truyền hình CCTV trong đó có hình của một số người bị nghi là những phần tử nổi dậy. Những hình ảnh đó được quay trước khi xảy ra một loạt những vụ nổ bom ở Yala, thị trấn thương mại ở biên giới phía nam.

Hôm chủ nhật và thứ hai vừa qua, những quả bom có sức công phá lớn, trong đó có một chiếc xe chứa 100 kg chất nổ, đã gây ra nhiều đám cháy tại trung tâm thương mại Yala, cách Bangkok khoảng 1.000 kilomét về hướng nam.

Trong số những địa điểm bị tấn công có một nhà kho lớn của một trung tâm phân phối các mặt hàng gia dụng. Đây là vụ tấn công qui mô lớn đầu tiên kể từ khi giới hữu trách siết chặt các biện pháp an ninh tiếp theo sau một loạt những vụ đánh bom cách nay hai năm, gây tử vong cho 10 người và gây thương tích cho mấy mươi người.

Ông Noppong Theerawaon, Chủ tịch Phòng Thương mại Yala nói rằng vụ tấn công dường như có mục đích gây thiệt hại cho kinh tế địa phương và tạo ra sự sợ hãi trong công chúng trước ngày Tết cổ truyền của Thái Lan.

Ông Noppong nói rằng những vụ tấn công ban ngày này là những vụ tấn công lớn nhất trong vòng một thập niên, gây ra thiệt hại vật chất chừng 6 triệu đô la vì các cửa tiệm, nhà kho và một xưởng sản xuất bàn ghế bị chìm trong biển lửa.

Làn sóng bạo động đã dâng cao ở các tỉnh biên giới phía nam Thái Lan kể từ khi một cuộc nổi dậy cường độ thấp kéo dài nhiều năm bùng phát trở lại vào năm 2004, tiếp theo sau kế hoạch tái cơ cấu hoạt động bảo vệ an ninh do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra ra lệnh thực hiện.

Tuy Thái Lan là nước mà đại đa số dân chúng là người theo đạo Phật, đa số cư dân của ba tỉnh Yala, Narathiwat và Pattani ở miền nam là tín đồ Hồi giáo.

Trong 10 năm qua, cuộc nổi dậy đã gây tử vong cho hơn 5.000 người cả Phật giáo lẫn Hồi giáo, trong đó có các giới chức chính quyền, các nhà sư Phật giáo, các giáo viên và những người Hồi giáo bị tố cáo là cộng tác với giới hữu trách Thái Lan. Những vụ bạo động gồm có những vụ chặt đầu và đốt xác. Các lực lượng an ninh Thái Lan cũng bị tố cáo là có những hành vi chà đạp nhân quyền và giết người bừa bãi.

Bà Panisara Matarvee là một nhà giáo dạy tiếng Anh ở Trường Kanarasdornbumroong ở Yala. Bà cho biết dân chúng ở đây đã bắt đầu dời cư sang các tỉnh lân cận hoặc cho con cái lên Bangkok. Bà kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn nữa để chấm dứt bạo động.

"Họ cảm thấy sợ hãi. Chúng tôi không biết nguyên do thật sự của tình hình này là gì? Họ muốn gì khi làm những việc như vậy? Chúng tôi không biết. Chính phủ cần phải lưu tâm nhiều hơn nữa đối với các tỉnh miền nam."

Hôm qua, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã phái một vị phó thủ tướng và một viên tướng cảnh sát đến miền nam để bàn với các giới chức an ninh ở đây về những cách thức để ngăn chận làn sóng bạo động.

Ông Panitan Wattanayagorn, giáo sư chính trị học và là một nhà phân tích an ninh của Đại học Chulalongkorn, cho biết những vụ tấn công này là một cuộc trắc nghiệm đối với Đại tướng Wali Rojannapakdi, người vừa được bổ nhiệm vào chức tư lệnh quân khu miền nam.

"Những vụ tấn công này được thiết kế để làm suy yếu sự phát triển kinh tế của miền nam. Dĩ nhiên là sự thành công của những vụ tấn công này nằm ở chỗ nó tạo ra sự sợ hãi và cảm giác kinh hoàng trong công chúng. Nó cũng là một sự thách đố đối với viên tư lệnh mới."

Tướng Walit là người xa lạ đối với vùng này và cũng không phải là người miền nam, cho nên đây là một sự thách thức trực tiếp đối với ông. Nếu vấn đề này không được xử lý một cách thỏa đáng, ông ấy sẽ phải nhận lãnh hậu quả.

Những nỗ lực hòa đàm giữa chính phủ của Thủ tướng Yingluck với các nhóm đại diện cho phe nổi dậy đã gặp bế tắc, một phần là vì tình hình rối loạn chính trị và những cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay ở Bangkok. Một vòng đàm phán mới vốn được dự trù diễn ra hồi tháng 11 đã bị đình hoãn vô thời hạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG