Đường dẫn truy cập

Phát biểu về liên minh Châu Á của ông Trump gây nhiều lo ngại


Tỷ phú Donald Trump tại Đại hội Đảng toàn quốc của Đảng Cộng hòa, ngày 21/7/2016.
Tỷ phú Donald Trump tại Đại hội Đảng toàn quốc của Đảng Cộng hòa, ngày 21/7/2016.

Những phát biểu mới nhất của ứng cử viên được đề cử tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, nêu nghi vấn về sự cần thiết phải duy trì gần 80.000 nhân viên quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á, đang khiến nhiều người lo ngại.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The New York Times, ông Donald Trump nói rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc "không bảo đảm chúng ta sẽ có hòa bình" trên bán đảo Triều Tiên, và ông hỏi "chúng ta được lợi gì từ chuyện này?" bằng việc duy trì binh sĩ, máy bay, tàu chiến và những căn cứ ở Nhật Bản.

Mỹ có liên minh lâu đời với cả Nhật Bản và Hàn Quốc để cung cấp cho họ sự phòng vệ nếu họ bị tấn công, và một yếu tố then chốt của chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là chiến lược "xoay trục" sang Châu Á, điều mà ông Trump dường như muốn đảo ngược.

Cựu Phó Tổng thống Walter Mondale, người theo Đảng Dân chủ từng làm đại sứ tại Nhật Bản từ năm 1993 tới năm 1996, nói với VOA: "Nghe một ứng cử viên được đề cử của một chính đảng lớn nói mà rùng mình. Đó là một khoảnh khắc gây sững sờ trong lịch sử nước Mỹ."

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, ông Trump cũng nói rằng "lẽ ra hai miền Triều Tiên đã thống nhất rồi" nếu lực lượng của Mỹ rút khỏi bán đảo này sau hiệp ước đình chiến năm 1953 tạm dừng cuộc nội chiến đẫm máu và gây tàn phá kéo dài ba năm.

Nhận định về phát biểu này, Tướng hồi hưu John Wickham Jr., người chỉ huy lực lượng của Mỹ tại Hàn Quốc từ năm 1979 tới năm 1982, nói: "Thật liều lĩnh khi nghĩ rằng chúng ta lẽ ra có thể rời khỏi nơi đó và đất nước đó sẽ tự thống nhất. Nó sẽ tự thống nhất bằng chiến tranh và nó sẽ trở thành một vệ tinh của Trung Quốc."

Ông Wickham nói với VOA rằng trong lúc ông làm chỉ huy trưởng trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, "Bắc Triều Tiên đã lên kế hoạch tấn công Hàn Quốc một lần nữa. May mắn thay, chúng ta đã có thể ngăn ngừa cuộc tấn công đó và giữ cho Hàn Quốc được tự do."

Tuy nhiên, bà Balbina Hwang, một giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Đại học Georgetown, nói rằng những phát biểu của ông Trump về sự thống nhất sẽ được đón nhận một cách tích cực, bởi hầu hết người Bắc Triều Tiên và một số người Hàn Quốc có chủ trương cứng rắn tin rằng, đất nước của họ lẽ ra sẽ không bao giờ chia cắt nếu những cường quốc không can thiệp vào bán đảo này ngay sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc và thực dân Nhật Bản bị buộc phải rời khỏi Triều Tiên.

Bà Hwang nói với VOA Bình Nhưỡng có thể mong chờ "những cơ hội và lợi ích ngắn hạn" từ ông Trump, nhưng bà cảnh báo rằng chính phủ Bắc Triều Tiên chắc chắn "nghĩ là ông ta hơi điên" và tin rằng "họ có thể đương đầu với bất cứ ai làm tổng thống" tại Tòa Bạch Ốc.

Một lính Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Hàn Quốc.
Một lính Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Hàn Quốc.

Những chính khách, chỉ huy quân sự, quan chức chính phủ cao cấp và những nhà phân tích mà VOA đã phỏng vấn hôm thứ Năm đều nhấn mạnh rằng, không thể nhìn nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài chỉ đơn thuần từ phương diện chiến lược rạch ròi.

"Ông Trump đang cố gắng đưa ra một mức giá thị trường cho những lợi ích không thể đong đếm được, bao gồm việc thúc đẩy và hỗ trợ những nền dân chủ và những xã hội tư bản chủ nghĩa thị trường tự do, góp phần trực tiếp vào tài lực kinh tế quốc gia của Mỹ." Đó là nhận định của giáo sư Hwang, cựu cố vấn đặc biệt cao cấp về vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bà nói nếu lực lượng Mỹ bị rút khỏi Đông Bắc Á, "chúng ta sẽ hủy hoại nền kinh tế của chúng ta" vì mất đi những thị trường tự do trong khu vực mà có thể bị Trung Quốc và Nga thâu tóm.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, ông Trump cũng nêu thắc mắc về tính hữu hiệu của những phi đạn của Mỹ nhằm bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông nói, "chúng ta để phi đạn ở đó cũng lâu rồi và công bằng mà nói, bây giờ chúng gần như lỗi thời rồi."

Ngũ Giác Đài mới đây loan báo họ đang tăng cường phòng thủ phi đạn ở Hàn Quốc và sẽ triển khai hai hệ thống Phòng thủ Phi đạn Khu vực Cao độ Giai đoạn cuối (THAAD) cho nước này, một quyết định mà phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Năm nói là "nhằm bảo vệ những đồng minh của chúng ta khỏi mối đe dọa phi đạn của Bắc Triều Tiên." Mỗi đơn vị phi đạn ước tính trị giá khoảng 1,6 tỉ đôla, theo những nhà phân tích quốc phòng.

"Những thách thức an ninh rất thực, và thẳng thắn mà nói, những cơ hội kinh tế đang hiện hữu ở khu vực đó của thế giới đòi hỏi phải có sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ." Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết như vậy và nhấn mạnh chính sách xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama.

Cựu Phó Tổng thống Mondale nói: "Rõ ràng là ông Trump đã không nghiên cứu và do đó thiếu hiểu biết về những lợi ích của Mỹ, chính sách của Mỹ và lịch sử về sự hiện diện của Mỹ ở khu vực đó của thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc."

Ông Trump cũng đặt câu hỏi liệu Mỹ có tự động bảo vệ những đồng minh NATO khác hay không, điều vốn là nền tảng của liên minh giữa Mỹ với Châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ Hai kết thúc.

Tướng hồi hưu Wickham cảnh báo sự lãnh đạo mang tính chiến lược toàn cầu đòi hỏi "sự khôn ngoan, sự can đảm, sự kiên nhẫn và trí tuệ trong Tòa Bạch Ốc, và một đội ngũ an ninh quốc gia để làm điều đó."

Vị cựu tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ nói ông không muốn tham gia vào cuộc tranh cãi chính trị, "nhưng chúng ta phải nhìn vào lịch sử. Nếu những người ngu ngốc không nhìn vào lịch sử, thì chúng ta sẽ lặp lại lịch sử."

VOA Express

XS
SM
MD
LG