Đường dẫn truy cập

Dịch Covid-19: Phụ huynh hoang mang, đề nghị Bộ Giáo dục ra 'giải pháp đồng bộ'


Nhiều phụ huynh nói sẽ tự cho con nghỉ học ở nhà nếu trường học quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2/2020.
Nhiều phụ huynh nói sẽ tự cho con nghỉ học ở nhà nếu trường học quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2/2020.

Cập nhật: Bộ Giáo dục và Đào tạo tối 14/2 ra công văn hỏa tốc, đề nghị các tỉnh thành xem xét cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2.

Quyết định cho học sinh đi học lại vào ngày 17/2 hay không hiện đã được đẩy xuống địa phương, sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ này quyết định "lùi thời điểm kết thúc năm học", nhưng không cho biết rõ chi tiết thời gian lùi là tới khi nào và kế hoạch cụ thể ra sao.

Phát biểu đầu tiên của người đứng đầu Bộ Giáo dục được đưa ra trong buổi họp tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 14/2, sau khi công luận bùng nổ tranh luận về việc có nên đưa con em trở lại trường học vào tuần tới hay không, giữa lúc diễn biến dịch bệnh gây chết người do chủng virus corona mới (Covid-19) gây ra tại Trung Quốc và trên thế giới chưa được khống chế.

Tự cho con nghỉ học

Việt Nam tính đến ngày 14/2 đã có 16 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona, trong đó có một bé gái 3 tháng tuổi bị lây nhiễm từ bà ngoại, người trước đó đã bị lây nhiễm bệnh từ con gái trở về từ Trung Quốc.

“Tôi sẽ tiếp tục cho con nghỉ học, không đến trường”, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một phụ huynh ở Hà Nội cho VOA biết quyết định của ông trước khi thành phố này ra thông báo cho phép học sinh nghỉ học thêm một tuần, tức là đến hết ngày 23/2.

“Nếu để trẻ em đến trường sớm thì khả năng bùng lên một đợt dịch bệnh lớn sẽ rất nguy hiểm. Hệ thống y tế của Việt Nam lúc bình thường đã là quá tải rồi. Nếu dịch bệnh bùng lên thì sẽ không thể chống chọi nổi”, ông Thắng nói thêm và đề nghị Bộ Giáo dục xem xét cho học sinh cả nước tiếp tục nghỉ học trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Cùng lựa chọn tự cho phép con nghỉ học ở nhà, bà Trịnh Kim Tiến, một phụ huynh ở Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đã quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2, nói với VOA:

“Mình đặt sức khỏe con mình lên hàng đầu nên mình quyết định sẽ cho con nghỉ học cho đến khi nhìn thấy dịch bệnh không còn ở mức độ đe dọa quá lớn như hiện nay”.

Một khảo sát nhỏ do VOA Tiếng Việt đưa ra vào tối 14/2 để lấy ý kiến của độc giả về vấn đề này, chỉ trong vòng 1 giờ, đã có hơn 6.100 /7.200 người chọn “Đề nghị cho con nghỉ học tiếp”, chưa đầy 1.000 người chọn “Ủng hộ cho con đi học lại”.

“Một trẻ nhỏ nhiễm bệnh sẽ lây lan cả nhà nhiễm bệnh! Lúc đó thiệt hại lớn cỡ nào cho gia đình và cho xã hội! Chừng nào chưa hết dịch sẽ không bao giờ cho con đi học!!!”, độc giả Minh Thiện đưa ý kiến với VOA.

Hầu hết các độc giả khác đều bày tỏ quan điểm rằng họ sẵn sàng chấp nhận cho con ngay cả học chậm lại một năm còn hơn là mạo hiểm sức khỏe và tính mạng của con em và gia đình.

Không nên ‘đẩy quả bóng trách nhiệm’

Ngày 13/2, Bộ GD&ĐT Việt Nam gửi ra công văn yêu cầu các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã khử trùng trường học.

Tại buổi họp ngày 14/2, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các địa phương “cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại” trước tình hình dịch Covid-19 được cho là “tiếp tục có diễn biến phức tạp”.

Việc đẩy xuống cho từng địa phương tự quyết định chuyện đi học lại của học sinh càng khiến nhiều phụ huynh thêm hoang mang, lo lắng.

Bà Tiến nói với VOA: “Mỗi tỉnh thành ra quyết định riêng, gây ra tâm lý bất ổn cho các phụ huynh. Nơi không được nghỉ nhìn vào nơi được cho nghỉ và sinh ra tâm lý lo lắng, thấp thỏm”, bà Trịnh Kim Tiến – một phụ huynh ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ với VOA.

Theo bà, quyết định cho nghỉ hay đi học trở lại trong mùa dịch bệnh này nên là của Bộ Giáo dục chứ không nên để cho Sở Giáo dục địa phương tự quyết định.

“Bộ Giáo dục phải có trách nhiệm lãnh đạo, đưa ra những quyết định quan trọng, không thể đẩy quả bóng về cho địa phương quyết định được, bởi vì tình hình dịch này được thông báo là dịch khẩn cấp trong cả nước, nên việc quyết định nghỉ hay đi học phải là ở cấp bộ”, bà Tiến nói thêm.

Cần giải pháp đồng bộ

Tính đến tối 14/2, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch virus corona của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có 44 tỉnh thành quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2, trong khi một số ít tỉnh thành đã quyết cho học sinh nghỉ thêm, trong đó có Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…

Theo thăm dò và quan sát của VOA, quyết định được cho là “lẻ tẻ” của một số ít địa phương cho phép học sinh tiếp tục nghỉ học đang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phụ huynh.

“Theo cá nhân tôi, đó là một quyết định đúng”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói với VOA. “Bởi vì cách đây vài tuần, khi corona đang ở Vũ Hán thì mình đã cho học sinh nghỉ học. Vậy cớ làm sao bây giờ corona đã xuất hiện tại Việt Nam thì lại bắt học sinh đi học?”, nhà báo từ TPHCM đặt câu hỏi.

Theo ông Danh, “việc cho nghỉ học hay không là phải thống nhất trên cả nước, bởi vì các kỳ thi tiếp theo như kỳ thi trung học phổ thông hoặc các kỳ thi khác ở Việt Nam đều thi chung, trong cùng một ngày. Vậy khi các em học sinh ở TPHCM, thành phố có tới 10 triệu dân, mà đồng loạt nghỉ học trong khi các tỉnh thành khác vẫn đi học bình thường, thì sắp tới những kỳ thi quốc gia chung cũng sẽ phải chờ nhau mà thi thôi. Thành ra việc quyết định cho học sinh nghỉ học hay không phải là trên toàn quốc, phải thống nhất”.

Hiện trên mạng xã hội có khá nhiều ý kiến đóng góp giải pháp cho Bộ Giáo dục trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Một trong những ý kiến nhận được nhiều sự ủng hộ là cho phép học sinh nghỉ học vào thời điểm này, như một hình thức nghỉ hè sớm, và thay vào đó sẽ đi học bù lại vào mùa hè.

Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng lại cho rằng Bộ Giáo dục nên linh hoạt trong tình huống này bằng cách sử dụng các phương tiện hiện có như truyền hình, internet… để giáo dục từ xa, đồng thời cho phép học sinh sinh hoạt theo từng cụm dân cư nhỏ để có thể vẫn kiểm soát được dịch bệnh mà không gây xáo trộn lớn cho chương trình học chung của các em.

Việt Nam được xem là một trong những nước có nguy cơ bùng phát dịch cao vì là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, trung tâm xuất phát dịch Covid-19, với rất nhiều liên lạc giao thương qua lại giữa hai nước.

Mặc dù nhiều biện pháp hạn chế đi lại đã được đưa ra, trong đó có việc đóng một số cửa khẩu, nhưng nhiều tỉnh thành của Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối phó với nguy cơ bùng phát dịch từ hàng nghìn công nhân Trung Quốc quay trở lại làm việc sau Tết.

Một báo cáo mới của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cho biết tính đến ngày 11/2, Việt Nam đang phải “theo dõi chặt chẽ” hơn 5.000 lao động Trung Quốc trong số khoảng 7.600 công nhân từ quốc gia láng giềng trở lại Việt Nam làm việc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG