Đường dẫn truy cập

Pakistan không xem lãnh tụ đối lập Ấn Ðộ là mối đe dọa


Đảng Bharatiya Janata thuộc phe đối lập ở Ấn Độ, theo dự liệu, sẽ là đảng chiếm được nhiều ghế nhất tại quốc hội sau cuộc bầu cử sắp tới, dọn đường cho lãnh tụ Narendra Modi (trong hình) lên làm thủ tướng.
Đảng Bharatiya Janata thuộc phe đối lập ở Ấn Độ, theo dự liệu, sẽ là đảng chiếm được nhiều ghế nhất tại quốc hội sau cuộc bầu cử sắp tới, dọn đường cho lãnh tụ Narendra Modi (trong hình) lên làm thủ tướng.
Đảng Bharatiya Janata thuộc phe đối lập ở Ấn Độ, theo dự liệu, sẽ là đảng chiếm được nhiều ghế nhất tại quốc hội sau cuộc bầu cử sắp tới, dọn đường cho lãnh tụ Narendra Modi lên làm thủ tướng. Một số người e rằng lãnh tụ thuộc phe dân tộc Ấn giáo này có thể làm xấu đi mối quan hệ với lân bang Pakistan. Nhưng các nhà lãnh đạo và các nhà quan sát ở Pakistan lại nghĩ khác. Từ Islamabad, thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Trong chính giới Pakistan, cái nhìn tương đối lạc quan về ông Modi là một cái nhìn có cơ sở trên lịch sử.

Nhiều người nêu lên thí dụ của cựu Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee của đảng BJP, là người đã thực hiện chuyến du hành bằng xe búyt có tính chất lịch sử đến Lahore năm 1999 để thúc đẩy cho hòa bình với Pakistan.

Chuyến đi đó đã đặt nền tảng cho một cuộc đối thoại hòa bình nhằm bình thường hóa các mối quan hệ và tìm cách giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ. Các cuộc thảo luận đã giúp cho những mối căng thẳng giảm bớt và làm gia tăng những mối liên hệ về giao thông và thương mại, mặc dù tiến trình hòa bình có nhiều trở ngại và đã bị đình trệ trong hơn một năm nay.

Tuy nhiên, ông Sartaj Aziz, cố vấn an ninh quốc gia của Pakistan, thừa nhận rằng ông Modi là người khó dự đoán hơn so với ông Vajpayee vì hình ảnh chống Hồi giáo của ông và những lời lẽ có tính chất bài xích Pakistan mà ông đã đưa ra.

"Sự đột phá trước đây mà chúng tôi có được với Ấn Độ trong tiến trình Lahore vào tháng hai năm 1999 là nhờ có ông Vajpayee của đảng BJP. Vì vậy, tôi nghĩ rằng bất kỳ chính phủ nào mà người dân Ấn Độ chọn ra thì Pakistan cũng giao tiếp với họ. Và tôi nghĩ rằng những lời lẽ đưa ra trước cuộc bầu cử là một chuyện khác. Sau cuộc bầu cử tôi nghĩ rằng sức mạnh của khối người ủng hộ hòa bình ở cả hai nước đều mạnh lên và tôi hy vọng chính phủ BJP, nếu họ lên nắm quyền, họ sẽ có đáp ứng tích cực đối với nguyện vọng của người dân."

Một nhà hoạt động cho hòa bình ở Ấn Độ, ông Satya Paul Arora, cũng bác bỏ những mối lo ngại là quan hệ song phương sẽ bị suy yếu dưới chính phủ do ông Modi lãnh đạo.

"Đã có sự lo sợ giống y như vậy khi chính phủ NDA lên nắm quyền, chính phủ BJP sẽ làm cho các mối quan hệ xấu đi. Nhưng lịch sử đã chứng minh là ông Vajpayee là một người bạn tốt hơn của Pakistan, vì khi thuộc phe đối lập họ có quyền nói rất nhiều thứ nhưng khi lên nắm quyền, ở vào vị trí có trách nhiệm, họ sẽ hành động khác đi."

Thượng nghị sĩ Mushahid Hussein là Bộ trưởng thông tin của Pakistan khi ông Vajpayee đáp xe búyt đến thăm Pakistan vào năm 1999. Ông nói rằng Pakistan đã thay đổi và những nhân vật thuộc giòng chính ở quốc hội không còn lợi dụng vấn đề Ấn Độ để lấy điểm chính trị.

"Vấn đề không nằm ở Islamabad mà vấn đề nằm ở New Dehli. Điều không may là ở Ấn Độ những vấn đề này bị mắc kẹt trong quá trình vận động bầu cử. Tại Pakistan, tôi xin nói rõ là trong 5 cuộc bầu cử vừa qua không có cuộc bầu cử nào mà vấn đề Ấn Độ lại trở thành một chủ đề để vận động. Tôi mong là đã tới lúc Pakistan không còn là một vấn đề trong cuộc vận động bầu cử ở Ấn Độ."

Tuy không có tiến bộ trong việc giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ, quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Pakistan đã được cải thiện rất đáng kể trong những năm gần đây. Những diễn tiến hồi tháng trước đã đưa Islamabad tới gần chỗ dành cho Ấn Độ những nhượng bộ về thương mại dựa theo các nghĩa vụ quốc tế của Pakistan. Nhưng Thủ tướng Nawaz Sharif đã hoãn lại việc này vào phút chót.

Cố vấn an ninh quốc gia Sartaj Aziz giải thích như sau về quyết định của Thủ tướng Sharif.

"Việc này được đúc kết chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử. Vì vậy, người ta nêu lên vấn đề là Pakistan không nên can thiệp vào cuộc bầu cử Ấn Độ vì nếu đạt được một thỏa thuận với chính phủ này thì họ sẽ có được ưu thế trong cuộc bầu cử. Nếu làm như vậy thì có vẻ như có sự can thiệp. Do đó họ quyết định vì bây giờ chỉ còn chưa đầy một tháng là tới ngày bầu cử và tân chính phủ sẽ được thành lập trước ngày 16 tháng 5 nên tốt hơn hết là hoãn lại thỏa thuận này."

Cuộc bầu cử Ấn Độ diễn ra vào một thời điểm quan trọng ở vùng Nam Á, vì các binh sĩ nước ngoài đang chuẩn bị rời khỏi Afghanistan. Các nhà phân tích ở Pakistan nói rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Islamabad với New Dehli sẽ ngăn không cho sự kình địch giữa đôi bên làm bùng ra một cuộc chiến tranh đại lý để tranh giành ảnh hưởng ở Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG