Đường dẫn truy cập

Pakistan cứu xét đề nghị đàm phán hòa bình mới của Taliban


Các chiến binh Taliban trong vùng bộ tộc Nam Waziristan đầy bất ổn dọc biên giới Afghanistan.
Các chiến binh Taliban trong vùng bộ tộc Nam Waziristan đầy bất ổn dọc biên giới Afghanistan.
Các đảng đối lập Pakistan và các đồng minh chính trị của họ đang gia tăng áp lực đối với chính phủ liên minh đòi xem xét một đề nghị gần đây về các cuộc đàm phán hòa bình của phe Taliban ở Pakistan. Những người ủng hộ hy vọng các nỗ lực có thể mở đường cho việc bảo đảm hòa bình trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi về việc có đáng bàn tới hòa bình hay không vào lúc các quan điểm trên khắp Pakistan vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc về cách thức chống lại phong trào chủ chiến. Thông tín viên VOA Ayaz Gul tường trình từ Islamabad.

Kể từ khi phong trào Hồi giáo Taliban phổ biến một video vào đầu tháng này, đưa ra một loạt các điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình, sáng kiến này đã được nắm bắt bởi các đảng đối lập cũng như cựu Thủ tướng Nawaz Sharif như là một khái niệm mà chính phủ nên theo đuổi.

Các giới chức chính phủ chưa chính thức chấp nhận hoặc từ chối lời đề nghị các cuộc đàm phán hòa bình của phong trào Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP). Phát ngôn viên của Tổng thống, Thượng nghị sĩ Farhattullah Babar cho biết chính phủ đã tham gia vào các cuộc đàm phán với phe chủ chiến binh trước đây để tìm cách chấm dứt bạo lực.

Ông Babar nói: "Chúng tôi không phải là không thích đối thoại. Nhưng nếu cuộc đối thoại không thành công và nếu những người đối lập với tư tưởng của Pakistan, những người phản đối hiến pháp và quốc hội Pakistan và những người cứ khăng khăng dựa vào vũ lực, thì tất nhiên các cơ quan thực thi pháp luật sẽ có hành động."

Lực lượng an ninh Pakistan đã chiến đấu với các phần tử chủ chiến Taliban trong nước trong gần một thập kỷ. Nhưng chiến dịch quân sự kéo dài đã không thể nhổ bật gốc các căn cứ của quân nổi dậy từ các khu vực bộ tộc dọc biên giới Afghanistan.

Trong những năm gần đây, nhà chức trách Pakistan đã tìm cách chấm dứt giao tranh ở một số khu vực, thông qua các thỏa thuận hòa bình với các phe phái Taliban khác nhau. Nhưng các thỏa thuận đó đã khiến thế giới chỉ trích vì làm xói mòn quyền lợi trong các khu vực bị Taliban chiếm đóng và không mang lại một nền hòa bình lâu dài.

Bất chấp những thất bại trong quá khứ, một số chính đảng Hồi giáo Pakistan lớn lâu nay chống đối việc sử dụng lực lượng quân sự chống phe chủ chiến, vẫn còn công khai ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Pakistan đã ngày càng chỉ trích nhiều hơn. Các bài xã luận của các tờ báo gần đây đã cảnh báo các chính đảng chớ nên tạo điều kiện thuận lợi cho phe chủ chiến. Thay vì thế, các tờ báo này đã kêu gọi các đảng phái đoàn kết để đánh bại các lực lượng cực đoan đang sử dụng bạo lực để áp đặt ý thức hệ của họ lên người dân Pakistan.

Phát biểu với đài VOA qua điện thoại từ một địa điểm bí mật vào đêm chủ nhật, phát ngôn viên của phong trào Taliban, ông Ehsan cho biết nhóm của ông vẫn giữ nguyên đề nghị của họ và vẫn đang chờ đợi một phản ứng của chính phủ Pakistan.

Lực lượng an ninh Pakistan đã chiến đấu với các phần tử chủ chiến Taliban trong nước trong gần một thập kỷ
Lực lượng an ninh Pakistan đã chiến đấu với các phần tử chủ chiến Taliban trong nước trong gần một thập kỷ
Người phát ngôn viên đã bào chữa cho các cuộc tấn công vào các lực lượng an ninh gần đây, bất chấp đề nghị hòa đàm với chính phủ, và nói rằng "cuộc chiến đấu sẽ tiếp tục và bất cứ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ hoàn toàn được liên kết với tiến bộ trong các cuộc hòa đàm theo đề nghị."

Ông Mushahid Hussain là chủ tịch của Ủy Ban Quốc Phòng Thượng viện và là thành viên của một đảng liên minh quan trọng. Ông nói rằng đề nghị hòa đàm phán của Taliban được đưa ra tại một thời điểm khi các đảng phái chính trị đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử và vấn đề này có thể sẽ được giải quyết một cách đáng kể sau khi hoàn tất các cuộc bầu cử, khi một chính phủ mới được bầu ra.

Ông Hussain nói: "Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ rằng không phải là chuyện dễ dàng mà chính phủ hiện nay khởi xướng quá trình đó. Tôi nghĩ rằng điều này thậm chí có thể trở thành một vấn đề trong bầu cử. Và, tôi nghĩ rằng yếu tố quan trọng là phải có một sự đồng thuận, nói một cách rộng hơn là giữa các lực lượng chính trị trong quốc hội và các lực lượng chính trị bên ngoài Quốc hội để tiến hành một cuộc đối thoại như thế.

Chiến dịch quân sự kéo dài của quân đội Pakistan đã không thể nhổ bật gốc các căn cứ của quân nổi dậy từ các khu vực bộ tộc dọc biên giới Afghanistan.
Chiến dịch quân sự kéo dài của quân đội Pakistan đã không thể nhổ bật gốc các căn cứ của quân nổi dậy từ các khu vực bộ tộc dọc biên giới Afghanistan.
Các phần tử chủ chiến Pakistan lâu nay vẫn lập luận rằng họ đang chiến đấu với lực lượng an ninh để trừng phạt Islamabad đã tiếp tay với Washington trong cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan. Một số các đảng Hồi giáo và các nhóm bảo thủ trong nước nhấn mạnh rằng phe chủ chiến sẽ chấm dứt bạo lực và hòa nhập vào một xã hội Pakistan chính thống một khi các lực lượng nước ngoài rời khỏi Afghanistan.

Ông Asad Munir, một cựu thiếu tướng của cơ quan tình báo Pakistan, ISI, cho biết vào tiếp xúc với các nhóm Hồi giáo Taliban trong các cuộc hòa đàm là không có khả năng giải quyết vấn đề chủ nghĩa khủng bố. Nhưng ông nói rằng nhà chức trách vẫn nên xem xét đề nghị của họ bởi vì điều đó có thể giúp phát hiện ý đồ thực sự của Taliban.

Ông Munir nói: "Đàm phán này sẽ giúp phát triển một sự đồng thuận trong nước. Người dân có thể tìm hiểu ý đồ thực sự của Taliban về những gì họ muốn. Tôi tin chắc rằng họ đang muốn quyền lực. Họ muốn cai trị (đất nước). Họ không thể có liên hệ gì đến cuộc thánh chiến với các lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Họ có chương trình nghị sự của riêng họ. Vì vậy, hãy để họ mọi người biết những gì họ thực sự muốn? "

Ông Munir nói rằng Taliban chưa bao giờ che giấu chương trình nghị sự của mình và lên án hệ thống quản lý hiện nay của Pakistan là phi Hồi giáo và ông mong muốn thay đổi thông qua các cuộc thánh chiến.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG