Đường dẫn truy cập

Trở ngại trong quan hệ của Pakistan với Iran và Trung Quốc


Ông Jonathan Pollack nhận định có những dấu hiệu về sự e ngại ngày càng tăng trong một vài giới ở Trung Quốc về Pakistan
Ông Jonathan Pollack nhận định có những dấu hiệu về sự e ngại ngày càng tăng trong một vài giới ở Trung Quốc về Pakistan

Bang giao giữa Pakistan và Hoa Kỳ đã tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Và để bù lại với sự rạn nứt ấy, Pakistan đã chú trọng trở lại vào việc giao tiếp với Trung Quốc và Iran như các đối tác thay thế. Nhưng các chuyên gia đang hoài nghi về vai trò mà cả hai nước này có thể đóng ở Pakistan.

Vụ tấn công của biệt kích Hoa Kỳ tại Pakistan trong năm nay hạ sát Osama bin Laden là một thắng lợi vẻ vang cho cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ. Nhưng lại là một bất lợi cho quan hệ với Pakistan.

Mối bang giao đã căng thẳng thêm hồi tháng trước khi Đô đốc Mike Mullen, chỉ huy quân đội Hoa Kỳ sắp rời chức, tố cáo sở tình báo Pakistan là thông đồng với các phần tử nổi dậy Hồi giáo ở Afghanistan.

Và bây giờ, trong tình hình Pakistan mưu tìm các quan hệ mở rộng về thương mại và an ninh với Iran và Trung Quốc, sự kiện đó nêu lên những thắc mắc về tương lai của bang giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan.

Ông Alex Vatanka, làm việc cho Viện Trung Đông ở Washington, nói:

“Nhiều nghi vấn được nêu ra vì mối bất hòa trong bang giao giữa Pakistan và Hoa Kỳ do hậu quả của vụ hạ sát bin Laden và về nguyên do vì sao hắn ta lại ở Pakistan mà không bị phát hiện.”

Pakistan và Iran muốn tăng kim ngạch mậu dịch giữa hai bên lên tới 10 tỷ đôla một năm. Nhưng để đạt được điều đó, họ cần phải cải thiện các phương tiện liên lạc bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không.

Ông Vatanka nói: “Thực đáng chú ý khi thấy một nước khoảng 175 triệu dân ở Pakistan và 75 triệu dân ở Iran mà khối lượng thương mại chỉ vào khoảng 1 tỷ đôla mỗi năm. Con số này chưa bằng lượng thương mại giữa Iran và Afghanistan, một nước nhỏ hơn rất nhiều so với Pakistan.”

Pakistan đang hết sức cần năng lượng. Những vụ cúp điện liên tục là một mối quan tâm thường trực. Trong những cuộc gặp gỡ mới đây, các giới chức Iran và Pakistan đã đồng ý đẩy mạnh việc xây dựng một đường ống dẫn khí thiên nhiên bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ.

Dự án còn vấp phải những thách thức về an ninh.

Ông Vatanka nhận định: “Một trong các vấn đề lớn nhất của đường ống này từ Iran đến Pakistan là nói phải chạy xuyên qua một trong những nơi bất ổn nhất ở cả hai nước.”

Mới tháng trước, một vụ tấn công ở Baluchistan đã gây thiệt mạng cho hơn 20 người Hồi giáo Shia đi hành hương đến Iran.

An ninh và ổn định ở Pakistan cũng gây quan ngại cho Trung Quốc. Tuần rồi, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ đã đến Islamabad để bàn về những mối lo ngại là các phần tử chủ chiến Hồi giáo dùng Pakistan như một căn cứ để mở các cuộc tấn công ở Trung Quốc.

Ông Jonathan Pollack thuộc Viện Brookings ở Washington nêu nhận xét:

“Có những dấu hiệu về sự e ngại ngày càng tăng trong một vài giới ở Trung Quốc ngày nay về Pakistan, về sự ổn định, về mức độ giới lãnh đạo kiểm soát một cách hữu hiệu tất cả những tình huống khác nhau này. Một số trong những tình hình này rất có hại cho Trung Quốc.”

Bà Lisa Curtis thuộc Quỹ Heritage nói rằng những mối quan ngại của Trung Quốc về sự ổn định rất giống với những mối quan ngại của Hoa Kỳ.

Bà nói: “Tôi nghĩ họ đang tìm cách thuyết phục cử tọa trong nước rằng họ vẫn còn có sự hậu thuẫn, và rằng Trung Quốc quan trọng hơn Hoa Kỳ, nhưng bản thân họ biết rằng Trung Quốc sẽ không cứu nguy cho họ khi xảy ra cơ sự.”

Thương mại của Trung Quốc với Ấn Độ là một trong những chỉ dấu cho thấy bang giao kinh tế giữa Pakistan và Trung Quốc phải đi tới mức độ nào.

Ông Jonathan Pollack nhận định:

“Cho dù sự cạnh tranh và thù nghịch giữa Trung Quốc và Ấn Độ ra sao đi nữa, thì Trung Quốc vẫn giao thương với Ấn Độ ở mức độ gấp 10 lần giao thương với Pakistan.”

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ hy vọng về Pakistan. Điều họ trông đợi là đánh giá thêm các cơ hội và rủi ro mà Pakistan cung cấp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG