Đường dẫn truy cập

Ông Phúc bị loại chứng tỏ uy quyền của ông Trọng?


Ông Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mã
Ông Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mã

Nhờ vào những quy định mới trong Đảng mà ông đã bỏ công xây dựng và nhở vào sự hậu thuẫn của đa số Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thể loại bỏ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một nhà quan sát chính trị nói với VOA.

Hôm 18/1, ông Phúc đã bị Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước trong một phiên họp bất thường, một ngày sau một phiên họp bất thường khác của Ban chấp hành Trung ương Đảng đồng ý cho ông Phúc thôi tất cả các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, khiến ông Phúc trở thành vị nguyên thủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam phải thôi chức giữa chừng.

Tuy nhiên, cũng chính Trung ương Đảng đã tín nhiệm ông Phúc đến mức bất chấp quy định về tuổi tác để cho ông Phúc ở lại Trung ương và Bộ Chính trị hồi năm 2021, và bản thân Quốc hội đã từng bỏ phiếu tín nhiệm ông Phúc rất cao với tỷ lệ trên 80% vào năm 2018 khi ông còn là Thủ tướng Chính phủ.

Cán cân quyền lực

Từ Canberra, Úc, ông Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Úc và là nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nhận định rằng Đảng chọn thời điểm loại ông Phúc vào lúc người dân đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán ‘rõ ràng là để giảm tối đa sự chú ý của dư luận’.

“Vẫn còn quá sớm để đánh giá phản ứng của dư luận trước việc ông Phúc từ chức do Tết sắp đến. Nhưng làm thế nào mà ông Nguyễn Xuân Phúc, người đạt số phiếu tín nhiệm rất cao khi bỏ phiếu trong nội bộ Đảng và được đặc cách để lên làm Chủ tịch nước lại bị cho về vườn do những vi phạm và sai phạm không biết rõ là gì,” ông nói với VOA.

Về lý do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng phải loại bỏ ông Phúc, vị giáo sư này cho rằng lâu nay trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Trọng đã luôn lặp đi lặp lại rằng ‘không có vùng cấm’ và ‘không có quan chức cấp cao nào tránh khỏi bị quy trách nhiệm’.

“Chỉ có thể phỏng đoán rằng trong lúc cuộc đấu tranh với các sai phạm trong chống dịch COVID-19 đang trên đà, những mối quan hệ với gia đình ông Phúc đã bị phơi bày. Điều này đặt ra vấn đề về tính giải trình khi xét đến việc hai phó thủ tướng đã bị cho thôi chức,” ông phân tích.

Bộ Chính trị có thể chọn cách xử lý khác như khiển trách, cảnh cáo hay yêu cầu ông Phúc tự phê bình trước Bộ Chính trị. Tuy nhiên, họ đã chọn cách để ông Phúc ‘tự nguyện nộp đơn xin nghỉ’ để giữ thể diện cho ông, cũng theo lời Giáo sư Carl Thayer.

Khi được hỏi so sánh việc ông Trọng loại bỏ thành công Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với việc ông Trọng không thể kỷ luật được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông đưa ông Dũng ra toàn thể trung ương hồi năm 2012, ông nói: “Cán cân quyền lực đã nghiêng về phía ông Trọng (kể từ sau vụ ông Dũng) khi ông sửa đổi và ban hành các quy định và hướng dẫn để quản lý đảng viên.”

Vị giáo sư này chỉ ra quy định về những gì đảng viên được và không được làm mà ông Trọng ban hành, trong đó có quy định trách nhiệm của đảng viên trong đảng ủy các cơ quan chính quyền, để làm cơ sở loại bỏ ông Phúc.

Sự ủng hộ trong Đảng

“Ông Trọng vẫn có uy quyền chừng nào ông vẫn còn được sự ủng hộ của đa số Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trương ương,” ông nói thêm và cho biết chính sự ủng hộ này đã giúp ông Trọng loại được ông Phúc nếu so với hồi năm 2012, ông Trọng đã không có đủ số phiếu của Trung ương để kỷ luật ông Dũng.

“Điểm mấu chốt là các đảng viên lâu nay đã nhìn nhận rằng tham nhũng là thách thức chính về tính hợp pháp của sự lãnh đạo của Đảng,” ông Thayer phân tích thêm. “Việc bóc tách ra những mạng lưới tham nhũng đã đặt ra vấn đề tại sao những người này leo lên đến những vị trí mà họ nắm giữ?”

Do đó, một trọng tâm trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng là xác định những đảng viên đã giúp đỡ và tạo điều kiện cất nhắc những quan chức tham nhũng hay không giám sát và nhận diện được các quan chức tham nhũng để trừng trị, cũng theo nhà quan sát này.

Thông điệp của Đảng trong việc này, Giáo sư Thayer nói, là các đảng viên sẽ bị trừng phạt nếu họ không thực thi được chức trách và trách nhiệm của mình trong các cơ quan chính quyền.

Theo ông phân tích thì dưới thời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bộ máy chính phủ đã trở nên quyền lực hơn các cơ quan Đảng nhờ vào tăng trưởng kinh tế, khiến các tổ chức Đảng trong chính quyền bị suy yếu trong chức năng giám sát và kiểm soát. Tuy nhiên, do thanh nhũng ngày càng lan rộng mà Ban chỉ đạo phòng chống Tham nhũng Trung ương đã được chuyển từ Chính phủ sang Đảng và bản thân ông Trọng đã thay ông Dũng làm trưởng Ban chỉ đạo này. Nhờ vậy mà ông Trọng đã củng cố được quyền lực.

Vị giáo sư này không cho rằng việc ông Phúc bị loại bỏ là do ‘đấu đá chính trị’ trong nội bộ Đảng mà là vì ông Phúc ‘là nạn nhân của việc ông Trọng chĩa mũi dùi vào tính giải trình của các quan chức Đảng cấp cao trong việc giám sát người dưới quyền’. “Đây là vấn đề khẩn cấp do sự phẫn nộ của quần chúng quanh những bê bối trong chống dịch COVID-19,” ông phân tích.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận ông Phúc thuộc ‘cánh chính phủ’ trong khi ông Trọng thuộc ‘cánh Đảng’ và những người thuộc hai cánh này ‘có tầm nhìn và lợi ích riêng’. Tại Đại hội 13 của Đảng, người của hai cánh này đã đẩy ông Trọng và ông Phúc ra tranh chức tổng bí thư và kết quả là ông Phúc không đạt được đủ sự ủng hộ.

‘Di sản chống tham nhũng’

Khi được hỏi có phải ông Trọng làm gắt gao hơn trong chiến dịch đốt lò của mình so với người tương nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi hay không, ông Carl Thayer cho rằng mặc dù ông Trọng theo sát những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập làm, nhưng ‘cần nhớ rằng ông Trọng đã tập trung vào việc xây dựng Đảng trong suốt sự nghiệp của ông, rất lâu trước khi ông Tập lên nắm quyền ở Trung Quốc’.

“Trong khi ông Tập muốn làm tổng bí thư và chủ tịch nước trọn đời thì ông Trọng muốn đưa cuộc chiến chống tham nhũng trở thành di sản của ông,” ông phân tích.

“Ông Trọng chắc chắn có động cơ bài trừ tham nhũng. Ông đã tiến hành một cách thận trọng bằng cách sửa đổi các quy định của Đảng theo thời gian, nhờ đó ông đã đặt được nền móng cho việc trừng trị các quan chức tham ô hay biến chất cho dù cấp cao đến đâu,” ông giải thích và cho rằng sở dĩ ông Trọng đẩy cuộc chiến chống tham nhũng trong các vụ án liên quan đến COVID lên mức cao như vậy là do ‘sự phẫn nộ của nhân dân’.

Đánh giá về cựu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, ông Thayer nói ông Phúc ‘từng là cánh tay mặt rất đắc lực trong Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng với tư cách phó thủ tướng thường trực’ và ‘không có dấu hiệu gì ông Phúc là cán bộ suy đồi’.

“Ông Phúc làm việc hiệu quả nhất khi ông đứng đầu chiến dịch chống dịch huy động toàn thể chính phủ. Với tư cách chủ tịch nước, ông Phúc đã đại diện cho Việt Nam rất hiệu quả trên trường quốc tế,” ông đánh giá. “Sự sụp đổ của ông ấy là cú sốc đối với Việt Nam và cộng đồng quốc tế.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG