Đường dẫn truy cập

Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng?


Ông Tô Lâm (thứ hai, bên phải) và ông Võ Văn Thưởng (giữa) tại một hội nghị về tòa án và viện kiểm sát ở Hà Nội, 31/3/2022.
Ông Tô Lâm (thứ hai, bên phải) và ông Võ Văn Thưởng (giữa) tại một hội nghị về tòa án và viện kiểm sát ở Hà Nội, 31/3/2022.

Các ông bà Tô Lâm, Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai nổi lên là những ứng cử viên hàng đầu có thể kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa được Đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận cho rời chức vụ chủ tịch nước và các vị trí nắm quyền quyết sách trong đảng hôm 17/1.

Trên đây là những nhận định mà VOA nhận được từ tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu hiện làm việc ở Singapore, và của blogger Bùi Thanh Hiếu, một nhà phân tích, bình luận nổi danh về thời cuộc Việt Nam trong khoảng 20 năm nay.

Như VOA đã đưa tin, ông Phúc phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ chủ tịch nước, là việc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp bất thường hồi chiều 17/1, đồng ý để ông Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.

Nhà lãnh đạo này bị xác định phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

"Nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân, đồng chí [Nguyễn Xuân Phúc] đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu", thông cáo của đảng về cuộc họp nêu rõ.

Vào chiều 18/1, quốc hội Việt Nam thực hiện phiên họp bất thường chỉ để miễn nhiệm ông Phúc theo chức năng hiến định của cơ quan lập pháp này và kết thúc ngay, không bầu người kế nhiệm ông.

Tiến sĩ Hiệp, thuộc viện nghiên cứu về Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, nói với VOA rằng phiên họp của quốc hội không bầu ngay một vị chủ tịch nước mới vì ban lãnh đạo đảng cộng sản không vội vã, mà họ cần thời gian để tìm người có uy tín và giữ được sự ổn định trong đội ngũ lãnh đạo, sau một loạt những biến động trên chính trường Việt Nam trong nhiều tháng nay.

Quốc hội Việt Nam họp phiên bất thường hôm 18/1 để miễn nhiệm chức chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Quốc hội Việt Nam họp phiên bất thường hôm 18/1 để miễn nhiệm chức chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Tô Lâm là ứng cử viên số 1?

Ông Tô Lâm có rất nhiều ảnh hưởng, nhiều quyền lực, có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận lớn trong Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Trong cơ chế chính trị Việt Nam, người giữ chức chủ tịch nước phải là ủy viên Bộ Chính trị, là nhóm 18 quan chức chóp bu của đảng với thẩm quyền định đoạt chính sách cao nhất. Hiện Bộ chính trị còn 16 ủy viên sau khi 2 ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh, nguyên Phó Thủ tướng, phải rời khỏi nhóm này.

Với hiểu biết của mình, tiến sĩ Hiệp cho rằng ông Tô Lâm, 65 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2, Bộ trưởng Công an, là khuôn mặt sáng giá nhất để kế nhiệm ông Phúc:

“Ông Tô Lâm có rất nhiều ảnh hưởng, nhiều quyền lực, có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận lớn trong Ban chấp hành Trung ương Đảng”.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10/8/2022.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10/8/2022.

Tuy nhiên, thế mạnh của ông Lâm cũng có thể biến thành điểm yếu để các đối thủ khai thác nhằm cản việc tiến cử ông. Tiến sĩ Hiệp lý giải thêm:

“Ông Tô Lâm xuất thân từ bộ Công an. Thời gian qua, bộ này có vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, sẽ có nghi vấn có phải việc chống tham nhũng là để ông Tô Lâm lên nắm chức chủ tịch nước hay không. Thứ hai, gia đình ông Tô Lâm có người làm kinh doanh, cũng có thể đặt ra câu hỏi là liệu điều này có ảnh hưởng tới việc ông nắm vị trí cao hơn không?”

Vẫn tiến sĩ Hiệp nêu nhận định về người sáng giá đứng thứ hai, là nữ Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, 64 tuổi:

“Bà Mai là người có uy tín, không có vấn đề điều tiếng và có thể coi là một chính trị gia ‘sạch’. Trong bối cảnh ông Trọng chống tham nhũng, ưu tiên các chính trị gia có hồ sơ sạch, bà Mai có lợi thế nhất định. Hơn nữa, bà Mai là phụ nữ và khi giữ chức sẽ không có cạnh tranh quyền lực, không có mâu thuẫn với các lãnh đạo khác”.

Không giống suy nghĩ của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, blogger Bùi Thanh Hiếu, người thường có những thông tin riêng và sớm về nội bộ chính quyền Việt Nam, nói với VOA rằng ông Tô Lâm là ứng cử viên số 2, còn ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, Thường trực Ban Bí Thư, mới là ứng cử viên số 1 cho chức chủ tịch nước.

Ông Hiếu, hiện sinh sống ở Đức, không đi sâu vào phân tích vì sao ông Thưởng được đánh giá cao hơn, song ông Hiếu lưu ý với VOA rằng nếu ông Tô Lâm lên làm chủ tịch nước, sẽ dẫn đến tình trạng Việt Nam có cả nguyên thủ quốc gia lẫn thủ tướng đều là người từng công tác ở Bộ Công an.

Chức thủ tướng lung lay

Từ tháng 4/2021 đến nay, ông Chính làm thủ tướng, và có các vụ tham nhũng thuộc vào thời của ông Chính, vì vậy, ông Chính cũng có thể gặp áp lực phải chịu trách nhiệm cho các bê bối trong thời gian qua.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Về vấn đề kể trên, tiến sĩ Hiệp cho rằng tình hình có thể có những chuyển biến lớn, chưa chắc ông Phạm Minh Chính có thể giữ được ghế thủ tướng do đang đối mặt với những rắc rối, không loại trừ khả năng bị cho thôi chức do các vụ tham nhũng xảy ra trong thời gian vừa qua. Ông Hiệp nói:

“Nếu áp dụng logic trong quyết định cho thôi chức ông Phúc là ông phải chịu trách nhiệm cho tham nhũng trong thời ông làm thủ tướng cho đến tháng 4/2021, thì từ đó đến nay là ông Chính làm thủ tướng, và có các vụ tham nhũng thuộc vào thời của ông Chính, vì vậy, ông Chính cũng có thể gặp áp lực phải chịu trách nhiệm cho các bê bối trong thời gian qua”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam, tháng 12/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam, tháng 12/2021.

Trả lời câu hỏi khi nào Việt Nam sẽ có tân chủ tịch nước, tiến sĩ Hiệp dự báo rằng nữ Phó Chủ tịch nước hiện nay Võ Thị Ánh Xuân sẽ là Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chọn ra người phù hợp cho chức vụ này và giới thiệu cho quốc hội phê chuẩn trong phiên họp định kỳ vào tháng 5 tới.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình về những diễn biến trên chính trường Việt Nam trong ít năm gần đây, blogger Bùi Thanh Hiếu cho rằng việc bãi nhiệm, bổ nhiệm quan chức lãnh đạo cấp cao ở đất nước do đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo đã trở nên linh hoạt hơn nhiều:

“Họp quốc hội hay họp Trung ương không thành vấn đề với họ. Họ chỉ cần thỏa thuận ở một nhóm cấp cao với nhau. Họ chốt được ai là chủ tịch nước, họ sẽ triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường ngay lập tức và hôm sau họ cho họp quốc hội bất thường luôn, biểu quyết luôn việc bổ nhiệm chủ tịch nước mới”.

“Thời gian để họp nhóm cấp cao đó có thể diễn ra rất là nhanh. Bây giờ không phụ thuộc cuộc họp Trung ương định kỳ nữa, hay họp quốc hội định kỳ nữa”.

Hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng

Khách quan mà nói, cuộc chiến chống tham nhũng làm người ta không dám tham nhũng, hối lộ nhiều quá. Họ giảm đi, cái đấy mình phải công nhận. Tất nhiên, một phần nó cũng để triệt tiêu bè phái khác.
Blogger Bùi Thanh Hiếu

Theo quan sát của VOA, dư luận trên mạng xã hội thấy chấn động về việc ông Nguyễn Xuân Phúc ra đi giữa chừng khỏi chức chủ tịch nước, cũng như rất ấn tượng về cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng quyết liệt hơn, tấn công tới các quan chức ngày càng cao cấp hơn.

Blogger Bùi Thanh Hiếu bình luận:

“Khách quan mà nói, tôi nghĩ nó [cuộc chiến chống tham nhũng] làm người ta không dám tham nhũng, hối lộ nhiều quá. Họ giảm đi, cái đấy mình phải công nhận. Tất nhiên, một phần nó cũng để triệt tiêu bè phái khác. Hai cái mục đích song song với nhau, ai cũng nhìn thấy cả”.

Công an Tp.HCM bắt ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11/1/2023.
Công an Tp.HCM bắt ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11/1/2023.

Về phần tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ông khẳng định rằng Tổng Bí thư Trọng và đảng cộng sản ý thức được rõ rằng tham nhũng là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ nên họ chống tham nhũng quyết liệt.

Nhưng vì tệ nạn này đã ăn sâu trong bộ máy nên công cuộc chống tham nhũng sẽ khó khăn, cần nhiều thời gian. Việc loại bỏ các quan chức xấu, thay thế bằng các quan chức trong sạch là một phần trong tổng hợp nhiều giải pháp, ông Hiệp nói.

Nhà nghiên cứu này đề cập đến các biện pháp có tính căn bản hơn:

“Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang tiến hành các biện pháp khác như tinh giản biên chế để có đủ ngân sách để tăng thu nhập cho những người còn được giữ lại trong hệ thống. Đi kèm là các cải cách về mặt thể chế, tăng trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo, không chỉ là trách nhiệm đối với bản thân mà cả các hành vi của người trong gia đình hay cấp dưới, hay tạo ra văn hóa từ chức”.

“Đó là gói giải pháp của đảng cộng sản để cán bộ có thu nhập cao, không muốn tham nhũng. Thứ hai, muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được”.

Tiến sĩ Hiệp nhận định rằng kể cả sau khi ông Trọng kết thúc nhiệm kỳ tổng bí thư, người kế nhiệm ông cũng sẽ tiếp tục theo đuổi công cuộc chống tham nhũng và cải cách.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG