Đường dẫn truy cập

Những vấn đề kinh tế cần tiếp cận


Những vấn đề kinh tế cần tiếp cận
Những vấn đề kinh tế cần tiếp cận

Nhìn một nền kinh tế như kinh tế Việt Nam, chắc hẳn chúng ta đều biết đó là một nền kinh tế còn tụt hậu so với thế giới. Yêu cầu chính đáng đầu tiên là làm sao phát triển trong chiều hướng hội nhập toàn cầu, nâng cao mức sống người dân, đáp ứng những tiêu chuẩn một xã hội văn minh. Để có câu trả lời cho yêu cầu này, một số nét liên quan đến thể chế và cấu trúc kinh tế đóng những vai trò quan trọng.

Theo đúng những tuyên ngôn chính thống, nền kinh tế Việt Nam là “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vậy thế nào là kinh tế thị trường? Ưu thế và bất cập là gì? Khả thi hay không trong tình trạng kinh tế kém phát triển? Còn định hướng, nội hàm của định hướng xã hội chủ nghĩa ý nghĩa thế nào? Kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường hay kinh tế chỉ huy? Dẫu gần như cùng một mô hình, tại sao Việt Nam nhập siêu, ngân sách thâm hụt, tiền đồng yếu, trong khi bên Trung Quốc, ngược lại, xuất siêu, ngân sách khá cân bằng (trừ 2008- 2009 vì khủng hoảng kinh tế Thế giới), đồng Nguyên rất mạnh?

Từ tầm nhìn tổng quan nói trên đề cập trong một số bài viết, chúng ta sẽ đi sâu và xa hơn. Trước tiên, chúng ta sẽ theo dõi thời sự kinh tế ở Việt Nam cũng như những biến động lớn trên thế giới. Chẳng hạn như tuần trước cuối tháng 7, hãng Fitch hạ mức tín nhiệm của Việt Nam từ BB(-) xuống B(+). Vậy những chỉ số tín nhiệm này là gì? Yếu tố nào tác động lên mức thăng giảm của nó? Và hệ quả nào nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong tương lai? Còn đầu tháng 8 này, vụ nợ nần thua lỗ khổng lồ của tập đoàn đóng tàu Vinashin sẽ đưa đến những biện pháp nào trong cấu trúc Doanh nghiệp Nhà Nước?

Để có một cái nhìn toàn diện, tôi cũng cố gắng tập trung trên những khâu quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Xin tạm phân loại như sau:

  1. Lạm phát, quản lý tiền tệ - hối đoái, vấn để dự trữ ngoại tệ
  2. Cán cân thương mại (vãng lai), xuất và nhập
  3. Lao động Việt Nam, thị trường, biến động…
  4. Tài nguyên - Môi trường
  5. Cấu trúc doanh nghiệp (DN), tư nhân, Nhà nước (DNNN), Tổng công ty, Tập Đoàn Kinh Tế, DN FDI (đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài), Đầu tư vốn Việt Nam ở ngoại quốc
  6. Chiến lược phát triển (PT) công nghiệp, PT bền vững, PT nông nghiệp
  7. Vấn đề dân số và hệ quả
  8. Phân hóa giàu nghèo, phân hóa thành thị - nông thôn, phân hóa giữa những địa phương
  9. Vấn đề quản lý: phân quyền địa phương, tham nhũng, vân vân…
  10. Vấn đề dân sinh (Y tế, Giáo dục, Văn hóa…)

Tập hợp những bài viết cấu thành từng hồ sơ nhỏ cho phép người đọc có cái nhìn tổng hợp trong từng khâu kinh tế. Bài viết đánh số 4, tức có liên quan đến tài nguyên – môi trường. Bài đánh số kép, thí dụ 25, là liên quan đến (2) cán cân thương mại và (5), cấu trúc doanh nghiệp. Để tránh phương thức “hàn lâm” nặng nề, chỉ khi thật cần bài mới ghi xuất xứ những số liệu hoặc sự kiện.

Và vì chúng ta tiếp cận gần như rộng khắp trên mọi mặt của một nền kinh tế, mọi bao biện đều thuộc dạng lực bất tòng tâm. Tôi mong có thể thực hiện được những bài phỏng vấn chuyên gia - những trí thức có tầm hiểu biết sâu trên những vấn đề đặc biệt - :

Phần này hy vọng sẽ sinh động vì thể vấn-đáp trên những vấn đề thuộc diện chuyên gia quan tâm. Tôi sẽ tiếp xúc với những chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước, đặt câu hỏi, tương tác với những câu trả lời, với tinh thần tương kính và cầu thị.

Thưa quí độc giả, tôi đã giới thiệu Blog Kinh Tế theo cách tôi nhìn, dĩ nhiên với khả năng hạn hẹp của mình. Và tôi sẽ theo sát những phản hồi để làm sao phát hiện và đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tiếp thu những ý kiến tích cực để kiện toàn Blog. Mong sao chúng ta có một cuộc đồng hành đầy ý nghĩa. Với chân cứng - tôi tin - tất đá phải mềm, trên những bước chúng ta cùng nhau đi tới.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG