Đường dẫn truy cập

11 người Triều Tiên đào tị đến Việt Nam, cố đấu tranh chống bị dẫn độ


Tư liệu: Người đào tị Triều Tiên và người biểu tình Hàn quốc tuần hành ở Seoul, kêu gọi Mỹ thảo luận vấn đề nhân quyền với lãnh tụ Kim Jong Un. Họ nói Bình Nhưỡng thực hiện các vụ hành quyết công khai để trấn áp tinh thần dân chúng. 26/2/2019. (AP Photo/Lee Jin-man, File)
Tư liệu: Người đào tị Triều Tiên và người biểu tình Hàn quốc tuần hành ở Seoul, kêu gọi Mỹ thảo luận vấn đề nhân quyền với lãnh tụ Kim Jong Un. Họ nói Bình Nhưỡng thực hiện các vụ hành quyết công khai để trấn áp tinh thần dân chúng. 26/2/2019. (AP Photo/Lee Jin-man, File)

Bị giam giữ tại Việt Nam từ ngày 23/11, mười một người Bắc Triều Tiên đang tìm cách sang Hàn Quốc tị nạn đang tìm kiếm sự giúp đỡ để tránh bị dẫn độ về nước, Reuters dẫn lời một nhóm hoạt động Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai 2/12.

Tám phụ nữ và ba người đàn ông bị lính biên phòng Việt Nam bắt giam hai ngày sau khi vượt biên sang từ Trung Quốc. Nhóm Công Lý cho Triều Tiên, đặt trụ sở ở Seoul, trong một tuyên bố cho hay nhóm người đào tị đang bị giam giữ tại thành phố Lạng Sơn.

Ông Peter Jung, người đứng đầu nhóm hỗ trợ người Triều Tiên xin tị nạn, cho biết những người đào thoát đã yêu cầu Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội giúp, nhưng ông không được tin gì của sứ quán từ hôm thứ Sáu 29/11.

Ông Jung nói sự im lặng của Đại sứ quán Seoul đã thúc đẩy ông phải công khai tình cảnh nhóm đào tị, vì sợ rằng nếu không có phản ứng quốc tế thì những người đào tị có thể bị buộc phải hồi hương.

Ông Jung cho hay là hôm 28/11, chính quyền Việt Nam đã ngừng nỗ lực trục xuất nhóm đào tị sau khi một vài người phản đối dữ dội và hình như ngất xỉu.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thừa nhận có biết về vụ việc và cho hay họ đã liên lạc với chính quyền Việt Nam để cố ngăn chặn việc trả người đào tị về Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói:

“Chính phủ của chúng tôi đã có những nỗ lực cần thiết để đảm bảo những người đào tị Triều Tiên đang ở nước ngoài được đưa đến nơi họ mong muốn mà không bị cưỡng bức hồi hương,

Trong thời gian qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã dồn nhiều nỗ lực nhằm đạt tiến bộ ngoại giao với miền Bắc, và chính phủ của ông bị các nhóm, như nhóm Công lý cho Triều Tiên của ông Jung, chỉ trích, là đã không làm đủ để giúp người đào tị trong những tháng gần đây.

Hồi tháng trước, Hàn Quốc trục xuất hai ngư dân Bắc Triều Tiên bị tình nghi đã giết 16 đồng nghiệp trước khi vượt biên sang miền Nam, sau khi giam giữ họ để thẩm vấn.

Quyết định của Seoul đã bị chỉ trích và gây thất vọng cho một số người đào tị, họ nói những ngư dân đó lẽ ra nên bị xét xử ở miền Nam, vì một khi bị dẫn độ về Bắc Triều Tiên, họ có thể bị tra tấn và thậm chí, hành quyết.

Tính cho tới tháng 9 năm nay, ít nhất có 771 người đào tị Triều Tiên nhập cảnh Hàn Quốc, theo Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, cơ quan xử lý các mối quan hệ liên Triều.

Vẫn theo Reuters, hiện có khoảng 33.000 người đào tị Bắc Triều Tiên đang sinh sống ở Hàn Quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG