Đường dẫn truy cập

Nhiều bang công kích việc Texas kiện ra Tối cao Pháp viện nhằm đảo ngược cuộc bầu cử


Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton gặp phóng viên phía trước Tối cao Pháp viện ở Washington (ảnh tư liệu)
Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton gặp phóng viên phía trước Tối cao Pháp viện ở Washington (ảnh tư liệu)

Các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin hôm 10/12 thúc giục Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ đơn kiện do Texas nộp và được Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Đơn kiện đó đòi hủy bỏ thắng lợi trong bầu cử của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Bốn bang vừa đưa ra ý kiến phản đối nói rằng vụ kiện đó không có cơ sở thực tế hoặc về mặt pháp lý, cũng như chứa đựng những lập luận “giả tạo”.

20 bang và thủ đô Washington gửi ý kiến tới tòa ủng hộ 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.

“Điều mà Texas làm trong việc tố tụng này là yêu cầu tòa xem xét lại một loạt các lập luận vô căn cứ về các vấn đề trong cuộc bầu cử vốn đã bị chính tòa này và các tòa khác xem xét và bác bỏ”, Josh Shapiro, tổng chưởng lý Pennsylvania, người theo đảng Dân chủ, viết trong văn bản gửi tới 9 thẩm phán của Tối cao Pháp viện.

Hôm 8/12, Texas nộp đơn trực tiếp tới Tối cao Pháp viện, kiện 4 tiểu bang chiến trường trong cuộc bầu cử. Đơn kiện này bị xem là ít có hy vọng giành phần thắng.

Texas yêu cầu bác bỏ kết quả bỏ phiếu ở những tiểu bang đó vì họ có những thay đổi về thủ tục bỏ phiếu cho phép mở rộng việc bỏ phiếu qua thư giữa lúc có đại dịch virus corona.

Trong nhiều vụ kiện cáo tại các tòa cấp liên bang và tiểu bang đòi xét lại kết quả bầu cử, ban vận động bầu cử của ông Trump và các đồng minh của ông đều đã bị bác đơn.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện ở Texas có rất ít cơ hội thành công và họ đặt ra câu hỏi liệu Texas có đủ tư cách pháp lý để đòi xem xét lại các thủ tục bầu cử ở các bang khác hay không.

Ông Biden thuộc đảng Dân chủ đã đánh bại ông Trump ở 4 bang nêu trên trong cuộc bầu cử hôm 3/11. Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã thắng ở các bang đó trong cuộc bầu cử năm 2016.

Shapiro, tổng chưởng lý Pennsylvania, viết rằng vụ kiện của Texas làm phình to thêm "mớ bùng nhùng gồm những lập luận sai sự thật và giả tạo" về cuộc bầu cử.

Ông Trump tuyên bố sai trái rằng ông đã tái đắc cử và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về chuyện có gian lận bỏ phiếu trên diện rộng. Các quan chức bầu cử cấp tiểu bang nói họ không tìm thấy bằng chứng nào về chuyện gian lận như vậy.

Tổng thống Trump cho đến ngày 11/12 vẫn chưa tuyên bố chấp nhận thua trong cuộc bầu cử 3/11/2020
Tổng thống Trump cho đến ngày 11/12 vẫn chưa tuyên bố chấp nhận thua trong cuộc bầu cử 3/11/2020

Dana Nessel, tổng chưởng lý Michigan, người của đảng Dân chủ, liệt kê ra nhiều vụ kiện đã được nộp đơn ở tiểu bang này mà ông Trump và những người ủng hộ ông đã bị thua.

“Việc khiếu nại ở đây là một chuyện chưa từng có, không có cơ sở thực tế hoặc cơ sở pháp lý hợp lệ”, Nessel viết trong văn bản bày tỏ ý kiến của Michigan.

Chris Carr, tổng chưởng lý Georgia, người của đảng Cộng hòa, nói rằng Texas không thể cho thấy là Texas đã bị tổn hại bởi kết quả bầu cử ở các tiểu bang khác.

“Những lập luận mới và bao hàm nhiều điều mà Texas khăng khăng đưa ra, và những biện pháp khắc phục to tát mà họ đòi hỏi, đều không thể có cơ sở là các nguyên tắc pháp lý và không thể quản lý được”, Carr viết trong văn bản nêu ý kiến của Georgia.

Josh Kaul, tổng chưởng lý Wisconsin, người của đảng Dân chủ, lưu ý rằng ông Trump đã đòi có được các cuộc kiểm phiếu lại ở hai quận hạt có đông người theo đảng Dân chủ nhất trong bang Wisconsin, và rốt cuộc là không có vấn đề gì với kết quả bỏ phiếu.

Kaul viết trong văn bản bày tỏ ý kiến của Wisconsin: “Không có dấu hiệu cho thấy có bất kỳ gian lận nào hoặc bất kỳ điều gì khác có thể khiến nghi ngờ độ tin cậy của kết quả bầu cử”.

Ông Trump nộp đơn tới tòa hôm 9/12 đề nghị các thẩm phán cho phép ông tham gia và trở thành một nguyên đơn trong vụ kiện của Ken Paxton, tổng chưởng lý Texas, người của đảng Cộng hòa, và là đồng minh của tổng thống.

Hôm 10/12, ông Trump gặp ông Paxton và các tổng chưởng lý các tiểu bang khác, những người ủng hộ vụ kiện.

Cũng hôm 10/12, 20 tiểu bang cùng với địa hạt thủ đô Washington nộp một văn bản bày tỏ ý kiến của các quan chức đảng Dân chủ ủng hộ 4 tiểu bang bị Texas nhắm mục tiêu.

Trước đó, hôm 9/12, 17 bang khác nộp văn bản thúc giục các thẩm phán xem xét đơn kiện và các ý kiến của các quan chức đảng Cộng hòa.

Toàn bộ các bang xác nhận xong kết quả bầu cử hôm 8/12; ông Biden được 306 phiếu đại cử tri
Toàn bộ các bang xác nhận xong kết quả bầu cử hôm 8/12; ông Biden được 306 phiếu đại cử tri

Arizona nộp một văn bản riêng, báo hiệu rằng họ quan tâm đến vụ kiện, song không đứng về bên nào một cách rõ rệt.

Hơn 100 dân biểu thuộc đảng Cộng hòa do Mike Johnson thuộc bang Louisiana đứng đầu cũng nộp văn bản bày tỏ ủng hộ ông Trump.

“Tối cao Pháp viện có cơ hội cứu Đất nước chúng ta khỏi vụ xâm hại Bầu cử lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”, ông Trump viết trên Twitter hôm 10/12, lặp lại những cáo buộc vô căn cứ của ông rằng đã có gian lận bầu cứ bất lợi cho ông.

Vụ kiện của Texas không đưa ra cáo buộc cụ thể về gian lận. Thay vào đó, Texas nói rằng những thay đổi về thủ tục bỏ phiếu đã loại bỏ các biện pháp bảo vệ chống gian lận, và thật là bất hợp pháp khi các cải cách là do các quan chức hoặc tòa án ở 4 bang thực hiện mà không có sự chuẩn thuận của cơ quan lập pháp ở các bang đó.

Phía đảng Dân chủ và những người chỉ trích khác cáo buộc ông Trump cố tình làm giảm niềm tin của công chúng vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Hoa Kỳ và làm suy yếu nền dân chủ bằng cách cố gắng phá hoại ý chí của cử tri.

Hôm 10/12, Dave Yost, tổng chưởng lý Ohio, người của đảng Cộng hòa, nộp một văn bản nêu ý kiến riêng rẽ không đồng ý với đề nghị của Texas đòi loại bỏ các phiếu bầu. Dave Yost cho rằng điều đó “sẽ làm suy yếu tiền đề có tính nền móng của hệ thống liên bang của chúng ta: đó là tư tưởng ‘các bang có chủ quyền, được tự do cai quản chính họ’”.

Texas đề nghị Tối cao Pháp viện ngay lập tức ngăn chặn 4 bang sử dụng kết quả bỏ phiếu để bổ nhiệm các đại cử tri bầu tổng thống vào Cử tri đoàn và cho phép các cơ quan lập pháp ở 4 bang đó chọn đại cử tri thay vì để các đại cử tri phản ánh ý chí của cử tri phổ thông. Cả 4 bang bị kiện đều có cơ quan lập pháp đang nằm trong tay đảng Cộng hòa.

Tính theo từng bang trong Cử tri đoàn quyết định kết quả bầu cử, ông Biden giành được 306 phiếu đại cử tri - vượt quá mức 270 cần thiết - so với 232 phiếu đại cử tri của ông Trump.

4 tiểu bang bị kiện tụng đóng góp 62 phiếu đại cử tri vào tổng số phiếu của ông Biden.

VOA Express

XS
SM
MD
LG