Đường dẫn truy cập

Nhật triệu đại sứ Hàn Quốc, phản đối Seoul vi phạm luật quốc tế


Biểu ngữ tẩy chay hàng hóa Nhật bản trong một cửa hàng ở Hàn quốc. Ảnh chụp ngày 12/7/2019.
Biểu ngữ tẩy chay hàng hóa Nhật bản trong một cửa hàng ở Hàn quốc. Ảnh chụp ngày 12/7/2019.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản hôm 19/7 đã triệu đại sứ Hàn Quốc tới để cáo buộc Seoul vi phạm luật quốc tế khi từ chối tham gia hội đồng trọng tài nhằm giải quyết bất đồng giữa hai nước về vấn đề cưỡng bức lao động trong Thế chiến II.

Hai nước đang tranh cãi nhau về các phán quyết của tòa án Hàn Quốc đòi các công ty Nhật bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời bán đảo Triều Tiên còn là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910-1945.

Ngoại trưởng Taro Kono nói Nhật Bản sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết" đối với Hàn Quốc nếu lợi ích của các công ty Nhật bị tổn hại. Ông không cho biết chi tiết nào khác.

Cuộc trao đổi giữa đại sứ Nhật Taro Kano và đại sứ Hàn Quốc Nam Gwan-pyo diễn ra trong bầu không khí lạnh giá, đôi khi có tính cách đối đầu.

Đại sứ Kono nói với người đồng cấp Hàn Quốc:

"Thật là có vấn đề khi mà Hàn Quốc đơn phương để mặc, không giải quyết một tình huống vi phạm luật quốc tế, vốn là nền tảng của mối quan hệ song phương".

Ông nói tiếp: "Hành động mà chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện hầu như hoàn toàn đảo ngược trật tự của cộng đồng quốc tế kể từ khi kết thúc Thế chiến II."

Ngoại Trưởng Nhật Bản Taro Kono
Ngoại Trưởng Nhật Bản Taro Kono

Ông Kono hối thúc Seoul hãy lập tức hành động để ngăn chặn tiến trình tố tụng, theo đó các nguyên đơn đang chuẩn bị tịch thu tài sản của các công ty Nhật, kể cả của tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi.

Đại sứ Nam bênh vực chính phủ của ông, ông đề cập đến đề xuất của Seoul là lập ra một quỹ chung như một cách để giải quyết tranh chấp. Đại sứ Kono to tiếng nói rằng Tokyo đã bác ý tưởng đó, và chỉ trích đại sứ Hàn Quốc "bất lịch sự" khi lại đưa ra đề xuất này.

Nhật Bản tuyên bố toàn bộ vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo thỏa thuận song phương năm 1965, và sự kiện chính phủ Hàn Quốc không can thiệp để chặn lại vụ kiện, vi phạm hiệp ước quốc tế.

Tokyo đang xem xét đưa việc đưa tranh chấp này ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, dù dự kiến Hàn Quốc sẽ từ chối ra tòa.

Truyền thông Nhật đưa tin Tokyo có thể đòi Hàn Quốc bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản của các công ty Nhật bị tịch thu.

Phản bác lại phát biểu của ông Kono, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra một thông cáo nói rằng nói Nhật Bản chưa làm đủ để đền bù những gian khổ mà dân Triều Tiên đã trải qua thời thuộc địa, và theo ông, hai bên cần thảo luận việc tìm ra một giải pháp khả dĩ có thể được cả hai bên chấp nhận.

Theo Reuters, Seoul phản đối các biện pháp của Nhật Bản siết chặt kiểm soát đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao sang Hàn Quốc, nói rằng động thái này có thể tác động đến các nhà sản xuất Hàn Quốc và nguồn cung điện thoại thông minh và màn hình toàn cầu.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng, đều là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực, vẫn phức tạp trong nhiều thập niên qua vì sự phẫn nộ chưa nguôi của người dân Hàn Quốc về thời gian Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945.

Bản tin AP tường thuật rằng một người đàn ông Hàn Quốc 78 tuổi qua đời hôm 19/7 vài giờ sau khi ông tự thiêu gần Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Theo lời gia đình nạn nhân, hành động này là để bày tỏ sự thù hận đối với với Nhật Bản.

Nhiều người Hàn Quốc tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ của Nhật, từ bia đến quần áo và du lịch.

Quan chức thương mại Hàn Quốc Lee Ho-hyeon cảnh báo Nhật Bản có kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi ‘danh sách trắng’, gồm các nước bị hạn chế thương mại tối thiểu.

Tập đoàn Samsung của Hàn quốc đã gửi thư cho các đối tác, hối thúc họ dự trữ nhiều linh kiện Nhật trong trường hợp Tokyo tăng cường các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG