Đường dẫn truy cập

Nhà trường bắt buộc tiêm Vero Cell, sinh viên ‘không biết làm thế nào khác’


Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ở Hải Phòng. Photo Facebook Đại học Hàng hải Việt Nam.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ở Hải Phòng. Photo Facebook Đại học Hàng hải Việt Nam.

Nhiều trường đại học ở Việt Nam đang tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 để các sinh viên có thể đến đường sau thời gian dài học trực tuyến do thực hiện giãn cách xã hội. Không như lời tuyên truyền trước đây của chính quyền rằng việc tiêm vaccine là tự nguyện, không mang tích cách cưỡng bách, một vài trường đại học đã “mạnh tay” bắt buộc sinh viên tiêm vaccine Vero Cell của Trung Quốc, xem đó là một điều kiện để sinh viên có thể quay trở lại giảng đường.

Giữa lúc nguồn cung vaccine toàn cầu khan hiếm, chính phủ Việt Nam buộc phải tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine COVID-19, trong đó có vaccine Vero Cell do công ty dược Sinopharm của Trung Quốc bào chế. Tuy nhiên, nhiều người dân trong nước dường như còn ngần ngại với loại vaccine này, nghi ngờ về tính hiệu quả, hay không tin tưởng, hoặc không muốn tiêm vaccine nhập từ nước láng giềng phương bắc.

Những thông điệp mang tính mệnh lệnh từ giới lãnh đạo Việt Nam như “Không lựa chọn”, “Không chờ đợi,” “Có vaccine nào tiêm ngay loại đó,” hay thông điệp mang tính tuyên truyền như “Hiệu quả bảo vệ của vaccine Vero Cell rất cao”, “Vero Cell an toàn”... đang được tích cực truyền đạt trên mọi phương tiện truyền thông trong nỗ lực tiêm vaccine cho 70% dân số.

Sinh viên và giới trẻ nói chung, luôn là lực lượng tiên phong trong mọi chiến dịch của chính quyền, và nay với Vero Cell cũng vậy.

Vietnam students vaccine mandate
Vietnam students vaccine mandate

Đại học Hàng hải Việt Nam

Một thông báo ngày 23/9 về việc tổ chức tiêm vaccine Vero Cell được đăng trên trang Phòng Công tác Sinh viên của trường Đại học Hàng hải Việt Nam (VMU) ở thành phố Hải Phòng viết: “Việc tiêm phòng COVID-19 là trách nhiệm an toàn của bản thân, cho cộng đồng và là điều kiện bắt buộc để sinh viên quay trở lại học tập tại trường.”

VOA đã tiếp xúc các sinh viên của trường VMU và đa phần các sinh viên cho biết họ đồng ý với yêu cầu của nhà trường.

Sinh viên Phạm Long Vũ, năm thứ hai, chuyên ngành Kỹ thuật ôtô, nêu ý kiến:

“Em thấy việc được tiêm vaccine này là rất tốt. Để được tiếp tục đi học trực tiếp trở lại thì việc tiêm vaccine này là rất tốt.”

“Để được đi học trở lại, nhà trường bảo là đăng ký tiêm. Em rất vui là đã đăng ký tiêm.”

Trần Huy Hoàng, một sinh viên khác của trường VMU, cho VOA biết rằng việc nhà trường tổ chức tiêm Vero Cell “là điều khá tốt” nhưng sinh viên này không nêu chi tiết.

Nam sinh viên Phạm Long Vũ cho biết rằng việc nhà trường ra thông báo như thế là không khắc khe:

“Em thấy không khắc khe vì nhà trường cũng muốn an toàn thôi. Vì tiêm vaccine thì mình có một phần kháng thể với COVID-19, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ mọi người.”

Một thông báo trước đó của trường VMU đề ngày 20/9 cung cấp đường link để sinh viên đăng ký tiêm vaccine Vero Cell, đồng thời tuyên truyền tới sinh viên về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine với phương châm “Vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất.”

VOA đã liên lạc ông Nguyễn Minh Đức, Phó hiệu trưởng trường VMU, người ký các thông cáo, và ông Trương Công Mỹ, Trưởng phòng công tác sinh viên, để tìm hiểu thêm về việc tổ chức tiêm vaccine Vero Cell cho sinh viên, nhưng chưa được phản hồi.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nơi có hơn 15.000 sinh viên đang theo học. Nhà trường lên kế hoạch tiêm vaccine cho sinh viên từ ngày 26-30/9, và dự kiến cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp từ ngày 4/10.

Vào đầu tháng 9, cổng thông tin thành phố Hải Phòng cho biết chính quyền thành phố đưa sinh viên cùng các đối tượng khác vào diện ưu tiên tiêm vaccine Vero Cell và hiện đang triển khai tiêm 500 nghìn liều vaccine loại này.

Đại học Sao Đỏ

Ngày 18/9, Trường Đại học Sao Đỏ ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã tổ chức tiêm vaccine Vero Cell cho hơn 1.000 viên chức giảng viên và sinh viên.

Đến ngày 20/9, với khẩu hiệu “5K + Vaccin + Công nghệ”, Đại học Sao Đỏ kết hợp với Trung tâm y tế TP. Chí Linh tổ chức tiêm vaccine cho 1.143 sinh viên, trang web của trường cho biết.

Sinh viên Đại học Sao đỏ tiêm vaccine Vero Cell. Photo Website ĐH Sao Đỏ.
Sinh viên Đại học Sao đỏ tiêm vaccine Vero Cell. Photo Website ĐH Sao Đỏ.

Sinh viên Trần Trung Hiếu, cho VOA biết vì để được đến trường anh sẵn sàng tiêm vaccine Trung Quốc. Anh Hiếu cho biết anh đã đăng ký nhưng chưa tiêm được vì chính quyền địa phương chưa cho anh ra khỏi địa bàn cư trú. Anh cho biết thêm:

“Nhà trường bắt buộc tiêm hết cả trường. Tiêm đủ hai mũi vaccine mới được vào học.”

Bản tin của trường Sao Đỏ không cho biết việc tiêm ngừa này là bắt buộc hay không.

Khi được hỏi về sự tin tưởng của mình đối với vaccine này, anh Hiếu nêu nhận định:

“Em không biết được. Mọi người tiêm thì em cũng tiêm thôi. Dịch bệnh như thế này em chẳng biết làm thế nào được. Em đã ở nhà mấy tháng rồi!”

Một bản tin đăng trên trang web của trường đại học Sao Đỏ dẫn lời sinh viên Nguyễn Văn Tiến – Khoa Ô tô, chia sẻ: “Em nhận thấy, tiêm vaccine phòng COVID-19 là hết sức cần thiết cho sinh viên chúng em trong thời điểm hiện tại.”

“Bởi chúng em vốn là những sinh viên ngoại tỉnh, việc học tập, đi lại giữa gia đình và nhà trường phải tiếp xúc nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao. Em rất cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện để sinh viên chúng em được tiêm vaccine bảo vệ chính mình và cộng đồng,” anh Tiến cho biết thêm.

Sinh viên Việt Nam tiêm vaccine.
Sinh viên Việt Nam tiêm vaccine.

Trên thế giới, nhiều trường học cũng yêu cầu sinh viên, học sinh tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ trước khi trở lại trường. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine nào là do sinh viên, phụ huynh tự quyết định.

Tại Hoa Kỳ, nhà trường và ban quản lý học khu quận hạt không có thẩm quyền yêu cầu sinh viên, học sinh phải tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ trước khi đến lớp, nhưng chính quyền cấp tiểu bang thì có thẩm quyền này. Một số trường học tại Mỹ cũng cho mượn cơ sở làm nơi tiêm vaccine.

Thêm 20 triệu liều Vero Cell

Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 26/9, cả nước đã phân bổ hơn 51 triệu liều vaccine COVID-19 các loại khác nhau gồm vaccine AstraZeneca, vaccine Vero Cell, vaccine Moderna, vaccine Pfizer, vaccine Sputnik…

Vào ngày 21/9, Chính phủ Việt Nam ra một nghị quyết cho phép áp dụng hình thức chọn nhà thầu “trong trường hợp đặc biệt” đối với việc mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell. Quyết định này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam hôm 10/9.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận cho rằng hình thức chọn thầu này “rất bất lợi” cho phía Việt Nam, vì như truyền thông nhà nước loan tin, phía Việt Nam chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine, hay việc ký kết, hiêu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp của Trung Quốc.

Trước đó, Việt Nam chính thức nhập về 5,7 triệu liều vaccine Vero Cell, bao gồm 5 triệu liều do Tp. Hồ Chí Minh mua riêng và 700.000 liều là do Bắc Kinh viện trợ.

Cho đến nay, vẫn có nhiều người dân trong nước không muốn tiêm vaccine của Trung Quốc, bất chấp tình trạng khan hiếm vaccine. Vào giữa tháng 8, một số người dân tại Tp. HCM từ chối tiêm vaccine Vero Cell. Một số liều Vero Cell ở thành phố lớn nhất nước này đã được chuyển giao cho các địa phương khác, trong đó có Hải Phòng.

Truyền thông nhà nước không ngừng chiến dịch tuyên truyền: “Vaccine Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp, ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78,2%,” và vẫn thông điệp lặp đi lặp lại “Vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất,” trong khi các sinh viên nóng lòng muốn sớm được trở lại trường.

VOA Express

XS
SM
MD
LG