Đường dẫn truy cập

Nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc gặp trở ngại


Khách tham quan đang nhìn ngắm các mẫu xe mới nhất của Mercedes tại triển lãm ô tô ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu ngày 20 tháng Tư năm 2014.
Khách tham quan đang nhìn ngắm các mẫu xe mới nhất của Mercedes tại triển lãm ô tô ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu ngày 20 tháng Tư năm 2014.

Nền kinh tế chậm lại của Trung Quốc đã dẫn đến việc những cơ quan chính phủ bảo vệ những công ty trong nước bằng cách gây thêm trở ngại cho những nhà đầu tư nước ngoài, theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Báo cáo kết quả cuộc khảo sát những công ty thành viên của mình, tổ chức doanh nghiệp này nói, "Lần đầu tiên trong năm năm, những công ty thành viên dẫn ra "cách diễn giải bất nhất đối với những quy định quản lý và luật lệ không rõ ràng" là thách thức kinh doanh hàng đầu. Tổ chức này nói thêm, "Có được giấy phép cần thiết" quay trở lại danh sách năm thách thức kinh doanh hàng đầu.

Thực thi những quy định an ninh mới ban hành hồi gần đây xuất hiện như một nút thắt nghiêm trọng đối với những công ty nước ngoài. Những nhà đầu tư đối phó với những cơ quan chính phủ giờ đang phải đối mặt với sự thiếu minh bạch và sự tùy tiện thái quá trong việc thi hành những quy định này, tổ chức này nói.

"Những thách thức nghiêm trọng và có hệ thống vẫn còn, đặc biệt là xung quanh những vấn đề chính yếu như tiếp cận thị trường và những rào cản đối với đầu tư, những quy định và những cách thức quản lý mù mờ, và sự phát triển chung của nền pháp trị và sự tôn trọng điều này," Chủ tịch AmCham Trung Quốc James Zimmerman cho biết sau khi công bố bạch thư ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu.

Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sẽ thấp hơn trong năm nay so với năm 2015 vì nền kinh tế chậm lại, chi phí lao động cao hơn và những rào cản đối với việc tiếp cận thị trường, báo cáo cho biết. Hai mối lo ngại khác là môi trường chính sách không rõ ràng và những khó khăn trong việc cạnh tranh với những công ty địa phương.

Công ty đa quốc gia mất tầm quan trọng

"Bằng cách nào đó, vị thế hưởng đặc quyền của những công ty đa quốc ở Trung Quốc đã bị hạ giảm so với trước đó," Scott Kennedy, phó giám đốc của Ban Nghiên cứu Trung Quốc Freeman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết. "Những thách thức mà những công ty đa quốc phải đối mặt không chỉ đơn giản là việc thi hành luật lệ ở cấp địa phương mà còn phản ánh những chính sách của chính phủ quốc gia nữa."

Lưu Tiếu, Trợ lí Viện trưởng Học viện Quản lý Quang Hoa Đại học Bắc Kinh, có quan điểm khác.

"Tôi có thể nói đây là một số biến động mà bạn nhìn thấy ở hầu hết những nền kinh tế mới nổi. Nó không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đôi khi vì những cân nhắc chính trị mà có những thăng trầm," ông nói với VOA. "Nhưng tôi sẽ nói rằng không có lý do gì để Trung Quốc đảo ngược quá trình cải cách của mình."

Làm việc chồng chéo

Bộ máy chính thức thường bị xem là làm việc chồng chéo nhau từ nỗ lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường kết nối lại nền kinh tế công nghiệp với mức độ cao hơn của sự cải tiến và những sự nâng cấp công nghệ. Có rất ít nỗ lực để thu hút sự tham gia của những công ty nước ngoài, lâu nay vẫn cung cấp công nghệ và chuyên môn quản lý cho ngành công nghiệp trong nước, AmCham nói.

Chính vì điều này, theo báo cáo, phần lớn những công ty nước ngoài chú trọng vào công nghệ tham gia vào nghiên cứu và phát triển đã quyết định làm chậm kế hoạch đầu tư của họ ở Trung Quốc trong năm 2016.

"Hơn 80% những công ty giảm đầu tư do những rào cản tiếp cận thị trường hay chính sách của chính phủ gây bất lợi cho những công ty nước ngoài trong lĩnh vực của quý vị, là những công ty dịch vụ và công nghệ và những công ty khác chú trọng vào R&D (nghiên cứu và phát triển)," bạch thư cho biết.

Bạch thư nói thêm rằng vẫn còn "sự ngờ vực đối với những công nghệ và chính phủ nước ngoài" ở Trung Quốc, với những xu hướng bảo hộ gia tăng và sự lệ thuộc nhiều hơn vào công nghệ bản địa.

Những công ty lớn của Trung Quốc vẫn đang mua lại những tài sản công nghiệp và thương mại khắp thế giới. Thay vì lo lắng về những khoản đầu tư ra ngoài Trung Quốc, gần 70% những công ty Mỹ xem hành động này là một cơ hội để hợp tác và mở rộng kinh doanh.

81% những công ty của Mỹ cho biết họ xem lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc là lĩnh vực phát triển chính vì tầng lớp trung lưu ngày càng lớn và giàu có.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG