Đường dẫn truy cập

Tổng bí thư Trọng sắp thăm Nhà Trắng?


Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón bởi Phó Tổng thống Joe Biden lúc đó tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington hôm 7/7/2015. Theo nhà phân tích quốc phòng cao cấp Derek Grossman, Hà Nội đang tìm cách sắp xếp một cuộc gặp cho ông Trọng và Tổng thống Biden tại Nhà Trắng.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón bởi Phó Tổng thống Joe Biden lúc đó tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington hôm 7/7/2015. Theo nhà phân tích quốc phòng cao cấp Derek Grossman, Hà Nội đang tìm cách sắp xếp một cuộc gặp cho ông Trọng và Tổng thống Biden tại Nhà Trắng.

Hà Nội được cho là đang tìm cách thúc đẩy cho một chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, theo nhà phân tích chính sách quốc phòng cao cấp Derek Grossman của RAND Corporation, giữa lúc chính quyền Biden vừa quyết định coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ông Grossman, cũng là một chuyên gia về chính sách quốc phòng và ngoại giao Việt Nam, cho biết tại một buổi thảo luận trực tuyến gần đây rằng Hà Nội đang tìm cách sắp đặt một chuyến thăm của ông Trọng, người vừa trúng cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tới Nhà Trắng và gặp mặt Tổng thống Joe Biden.

Ông Trọng, người được đặc cách các ngoại lệ về giới hạn tuổi và số lượng tối đa hai nhiệm kỳ tại Đại hội Đảng 13 vừa qua để tiếp tục làm tổng bí thư, đã từng tới thăm Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama và được ông Biden, lúc đó là phó tổng thống, tiếp đón trong chuyến thăm tới Washington năm 2015. Với quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lúc đó bắt đầu nồng ấm hơn, ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên tới thăm Nhà Trắng.

Với việc chính quyền Biden tiếp tục đặt trọng tâm vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ thời Tổng thống Donal Trump, Việt Nam được xem là một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực. Điều này được thể hiện qua việc chính quyền Biden gần đây quyết định coi Việt Nam là một đối tác chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của chính quyền Biden mới được công bố hôm 3/3 nêu tên Việt Nam cùng với Singapore và New Zealand mà không nhắc tới hai đồng minh của Mỹ trong khu vực là Philippines và Thái Lan.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Hà Nội có những lo ngại khi chính quyền Biden đặt nhân quyền vào trọng tâm của chính sách ngoại giao cũng như khả năng xem xét trừng phạt Việt Nam trước những cáo buộc thao túng tiền tệ và mua thiết bị quân sự từ Nga.

Cùng với những lo ngại đó, Hà Nội đang “lo lắng về việc có được một cuộc gặp ở Nhà Trắng giữa Tổng bí thư Trọng và (Tổng thống) Biden mà cho tới lúc này họ chưa thành công trong việc đạt được điều này,” ông Grossman, người từng có một thập niên kinh nghiệm về tình báo quốc phòng, cho biết tại buổi thảo luận về khả năng gắn kết chiến lược của Việt Nam với Bộ Tứ Kim cương, trong đó có Mỹ, do viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore tổ chức hôm 16/3.

Chưa có thông tin nào được công bố từ Nhà Trắng về việc mời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới gặp Tổng thống Biden. Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về khả năng chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ trong nay mai.

Tổng bí thư Trọng, hiện vẫn đang kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, được cho là đã chuẩn bị cho chuyến thăm thứ 2 của ông tới Nhà Trắng trong thời gian ông Trump là tổng thống nhưng điều này đã không xảy ra vì những lo ngại về sức khoẻ. Theo các nguồn tin của Reuters lúc đó cho biết ông Trọng bị đột quỵ trong khi Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nói rằng sức khoẻ của ông bị ảnh hưởng bởi “cường độ làm việc cao” và “thời tiết thay đổi” hồi tháng 4/2019.

Theo nhà phân tích Grossman, một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trọng và người đứng đầu Nhà Trắng đã “quá trễ” tính từ lần đầu tiên ông Trọng tới gặp Tổng thống Obama hồi tháng 7/2015 và nếu Hà Nội không có khả năng sắp xếp được một cuộc gặp cho vị tổng bí thư Đảng tới Mỹ trong năm nay “sẽ được xem là một thất bại.”

Ông Grossman cho rằng Việt Nam có thể quan ngại về việc liệu chính quyền Biden có hành động chống lại Việt Nam trước những cáo buộc thao túng tiền tệ từ thời Tổng thống Donald Trump và các chế tài khả dĩ của Mỹ đối với Việt Nam vì mua thiết bị quân sự của Nga theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Hoa Kỳ thông qua Trừng phạt (CAATS). Bên cạnh đó việc hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ngày một xấu đi trong khi chính quyền của ông Biden lại chú trọng vào tự do và dân chủ trong chính sách đối ngoại cũng là một yếu tố khiến Hà Nội lo lắng. Cuộc gặp ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska tuần qua nhằm “điều chỉnh” lại quan hệ Washington-Bắc Kinh cũng làm cho Hà Nội lo ngại vì khả năng “ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam,” theo nhận định của nhà nghiên cứu Grossman.

“Chính quyền Biden có thể tìm cách xóa bỏ những quan ngại của Hà Nội để củng cố hơn nữa sự ủng hộ của Việt Nam trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ,” nhà phân tích quốc phòng của RAND Corporation nhận định trên The Diplomat. “Chính quyền Biden đã có một khởi động mạnh mẽ, nhưng chắc chắn cần phải làm nhiều hơn nữa, như mời Tổng bí thư Trọng tới thăm Nhà Trắng.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG