Đường dẫn truy cập

Nguyên nhân và bối cảnh hình thành AUKUS


Vào ngày thứ Năm 16 tháng 9 (múi giờ Úc), ba lãnh đạo của Úc – Anh – Mỹ, đã họp báo trực tuyến để công bố sự hình thành quan hệ đối tác an ninh chung giữa ba nước AUKUS.
Vào ngày thứ Năm 16 tháng 9 (múi giờ Úc), ba lãnh đạo của Úc – Anh – Mỹ, đã họp báo trực tuyến để công bố sự hình thành quan hệ đối tác an ninh chung giữa ba nước AUKUS.

Vào ngày thứ Năm 16 tháng 9 (múi giờ Úc), ba lãnh đạo của Úc – Anh – Mỹ, gồm Thủ tướng Scott Morrison và Boris Johnson, và Tổng thống Joseph Biden, đã họp báo trực tuyến để công bố sự hình thành quan hệ đối tác an ninh chung giữa ba nước AUKUS.

Một ngày trước đó, thứ Tư 15 tháng 9, Morrison đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc phòng với một số thành viên nội các của mình, và bốn nhân vật hàng đầu phe đối lập cũng được mời. Có lẽ Morrison muốn bảo đảm rằng phía cầm quyền hay đối lập đều hỗ trợ quyết định này, và dù ai lên nắm quyền sau này cũng có đầy đủ thông tin từ quyết định hệ trọng này. Vì gần như toàn nước Úc đang bị phong tỏa, những thành viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia đã được chính quyền tiểu bang cấp giấy thông hành đặc biệt để có thể bay đến thủ đô Canberra tham dự. Tình trạng khẩn cấp như thế này không phải là điều xảy ra thường xuyên.

Rõ ràng quyết định hợp tác chung với Mỹ và Anh để xây tàu ngầm xử dụng nhiên liệu hạt nhân là một quyết định vô cùng quan trọng và sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nó sẽ thay đổi sâu sắc chính sách ngoại giao và quốc phòng Úc, không chỉ với Trung Quốc mà còn trong vùng và quốc tế. Với quyết định này, Úc chỉ còn con đường tiến, không phải lùi, trong việc đối đầu với Trung Quốc. Trong ba nước, Úc nằm ở trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gần Trung Quốc hơn Anh và Mỹ. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước Úc trong nhiều thập niên qua là rất lớn, nhất là về mặt kinh tế. Vì thế, quan hệ giữa hai nước kể từ 16 tháng 9 sẽ đi qua một bước ngoặc lớn mới. Như Thủ tướng Morrison xác định, Úc đang bước vào một thời kỳ mới, mà tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến tất cả tương lai của Úc.

Tuy nhiên, những gì chính quyền Morrison hay giới truyền thông cho biết và đưa tin trong những ngày qua, vẫn chưa trả lời thỏa đáng vì sao quyết định xây tàu ngầm dùng hạt nhân cũng như quan hệ đối tác AUKUS được hình thành một cách khẩn cấp, và được công bố đột ngột như thế?

Thái độ của lãnh đạo Bắc Kinh

Chính trị, hay mọi điều khác, đều có nguyên lý nhân (và) quả. Sự kiện 16 tháng 9 chỉ là hệ quả của chuỗi sự kiện kéo dài bao năm qua.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm qua, phần lớn do các hoạt động âm thầm nhằm gây can thiệp và tạo ảnh hưởng tại Úc. Giáo sư Clive Hamilton đã vạch rõ các hoạt động này trong hai tác phẩm của ông, và giới tình báo Úc và truyền thông chính mạch cũng nắm rõ, từ những năm 2014 trở đi, mà đã được đề cập trong các bài trước. Nó gia tăng đáng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, và ngày càng thâu tóm quyền lực một cách vô hạn định.

Nhưng quan hệ trở nên không thể cứu vãn hay đối thoại được, đặc biệt từ năm 2020, khi Úc đã thông qua nhiều đạo luật khác nhau để ngăn chặn hành động của nước ngoài, đặc biệt từ Bắc Kinh.

Để trả đũa, Trung Quốc đã cấm nhập cảng hàng Úc trị giá 20 tỷ đô la năm 2020. Tệ hơn, đưa danh sách với 14 yêu cầu trịch thượng muốn Úc phải nghe theo. Nó thể hiện chủ trương lấn áp chủ quyền của Úc. Thái độ của Trung Quốc cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp kinh tế/thương mại, hay ngoại giao, để buộc Úc, phải nhượng bộ.

Nhưng đây không chỉ là xu hướng riêng đối với Úc. Bởi vì chủ trương của Bắc Kinh, phần lớn vẫn mang nặng ý thức hệ cộng sản Stalin và Mao, nên họ muốn kiểm soát mọi hoạt động người dân. Bắc Kinh cũng chủ trương kiểm soát tối đa những gì nước ngoài có thể ảnh hưởng lên tư duy của người dân mình, gần như tuyệt đối và toàn diện.

Bởi thế không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh quyết định thà mất hàng ngàn tỷ đô la giá trị các công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc, như Ant thuộc công ty mẹ Alibaba, hay WeChat thuộc Tencent, còn hơn là các công ty này không tuân theo, hay phục vụ, mục tiêu chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sự tấn công của Tập Cận Bình vào, và sẵn sàng đánh đổi công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, với trị giá bốn ngàn tỷ đô la, cho thấy sứ mệnh chính trị của Bắc Kinh là bất khả tương nhượng.

Rừng thì chỉ có thể có một chúa tể, là Tập Cận Bình mà thôi. Jack Ma hay bất cứ tỷ phú hàng đầu nào của Trung Quốc không chấp nhận trò chơi của Tập Cận Bình thì trước sau gì cũng bị hậu quả nghiêm trọng. Nhắm đến các công ty hùng mạnh nhất và ảnh hưởng hàng đầu, để rung cây nhát khỉ, cũng là để khuyến cáo các công ty và doanh nhân khác phải tuân thủ. Để đỡ công sức Bắc Kinh phải giải quyết từng vụ, và về sau. Tạo lo âu và sợ hãi, là chiêu bài muôn thưở của các chế đế Trung Quốc mà Mao Trạch Đông học thuộc lòng, và Tập Cận Bình là học trò ngoan. Nói tóm lại, chủ trương của Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh là để củng cố khả năng kiểm soát toàn diện và tuyệt đối xã hội, và mọi thành phần, để thâu tóm quyền lực trong tay, cho giấc mộng lớn hơn. Giáo sư chuyên về Trung Quốc Anne-Marie Brady từ New Zealand biện luận rằng “Ông Tập đang điều hành Trung Quốc trong tư thế khủng hoảng, nhấn mạnh mối đe dọa từ bên ngoài, giống như Mao đã làm. Nó quen thuộc một cách nhàm chán.”

Nhưng tại sao Tập Cận Bình, và Bắc Kinh, chủ trương phải thâu tóm quyền lực một cách hà khắc như thế? Để làm gì?

Chắc chắn xã hội dân sự, và các xu hướng dân chủ tại Trung Quốc không phải là mối đe dọa đến sự cầm quyền của Tập Cận Bình hay chế độ. Họ bị tấn công, bị đàn áp thô bạo, nên giờ quá yếu, và quá rời rạc, để có thể tạo ảnh hưởng nào lên xã hội hay chính trị hiện nay.

Gần 10 năm qua, từ khi Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực trong tay, chủ trương đó ngày càng gia tăng, không hề gia giảm. Tập muốn gì?

Về mặt vĩ mô, mặc dầu Tập Cận Bình có thể không, hay chưa, có tham vọng xuất cảng ý thức hệ chính trị của mình, hay muốn thách thức các nền dân chủ trên bình diện toàn cầu, ít nhất là hiện nay, Bắc Kinh vẫn cho mô hình chính trị và kinh tế của mình là ưu thế. Chính họ còn đưa ra quan niệm riêng về nhân quyền và muốn được chấp nhận rộng rãi, để biện minh cho các hành động đàn áp thô bạo của họ tại lục địa, Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông v.v... Giấc mộng của Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh là muốn có một chỗ đứng nhất định trên thế giới, nếu không hơn thì cũng không thua Mỹ, trong hai ba thập niên tới. Bởi vì hiện nay những gì Trung Quốc muốn làm, vẫn chưa làm được. Họ vẫn chưa tự tung tự tác được, vì còn chưa đủ mạnh về nhiều mặt. Trung Quốc muốn, đến một lúc nào đó, những giới hạn này không còn nữa. Cho nên ĐCSTQ muốn đề cao và xuất khẩu chủ nghĩa cường quyền. Khi nó lan rộng, ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng. Khi kinh tế và quân sự qua mặt Hoa Kỳ, không còn ai có thể ngăn cản, cưỡng chế họ được.

Trong bài “Cách Trung Quốc xuất khẩu chủ nghĩa cường quyền” (How China Exports Authoritarianism), Charles Edel và David Shullman giải thích trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 16 tháng 9 năm 2021, rằng:

“Mục tiêu của ĐCSTQ không phải là truyền bá chủ nghĩa Mác hoặc phá hoại các nền dân chủ riêng lẻ mà là để đạt được ưu thế về chính trị và kinh tế, và những nỗ lực của nó để đạt được hiệu quả đó — truyền bá chủ nghĩa, mở rộng hoạt động thông tin, củng cố ảnh hưởng kinh tế và can thiệp vào các hệ thống chính trị nước ngoài — đang làm mất đi các thiết chế và chuẩn mực dân chủ trong và giữa các quốc gia.”

Cho nên muốn đối phó với thách thức ý thức hệ này từ Trung Quốc, Edel và Shullman biện luận rằng chúng ta cần phải hiểu rõ Trung Quốc muốn đạt gì qua việc xuất cảng mô hình chính trị như thế và bằng cách nào hành động của họ làm yếu đi các nền dân chủ toàn cầu. Chỉ qua đó thì chúng ta mới có thể thiết kế chính sách hiệu quả để phục hồi nền dân chủ trong và ngoài nước, đồng thời chọn lọc cách chống lại chủ trương quảng bá cách quản trị độc tài của Bắc Kinh.

Vài suy nghĩ cuối

Trở lại hiệp ước AUKUS, tại sao có một quyết định khẩn cấp và bí mật đến như thế? Nếu đồng ý xây dựng tàu ngầm dùng nguyên liệu hạt nhân, thì mất 12 đến 18 tháng tới chỉ để hợp tác với nhau hầu lên kế hoạch và thiết kế. Ngoài ra, dự án này cũng có thể tốn thêm 18 năm để có được tàu ngầm đầu tiên, và có thể 30 năm có được tám chiếc. Vậy thì tại sao có vẻ như khẩn cấp đến độ như chiến tranh sắp xảy ra tới nơi, để rồi làm cho quan hệ ngoại giao với Pháp bị sứt mẻ như vậy?

Có lẽ cần đi ngược dòng thời gian một chút để nhìn lại vấn đề cho rõ hơn. Trong 18 tháng qua, sự tiến hành xây tàu ngầm với Naval Group của Pháp gặp nhiều trở ngại, nên bị đình trệ. Đã có thảo luận và dự định cho “Kế hoạch B” nếu “Kế hoạch A” không thành. Tháng 6 năm 2021, Thư Ký của Bộ Quốc phòng Greg Moriarty đã bị Thượng viện chất vấn để giải thích tiến triển của dự án. Ông cho biết có nhiều thử thách trong 12 đến 15 tháng qua. Vì lý do đó, Thủ tướng Morrison cũng bày tỏ quan ngại với Tổng tống Pháp vào tháng 6 tại Paris. Cho nên đi tìm một giải pháp cho “Kế hoạch B” là điều cấp bách. Khi đã có giải pháp rồi, tức đã được Mỹ và Anh đồng ý chuyển nhượng công nghệ xây dựng tàu ngầm dùng nguyên liệu hạt nhân, thì việc còn lại của Úc là quản lý việc hủy bỏ hợp đồng với công ty Naval Group của Pháp một cách ổn thỏa nhất, theo tiến trình hợp đồng và ngoại giao sẵn có. Được biết cách đây hai tuần, dự án với Naval Group của Pháp vẫn được xem là tiếp tục. Nếu Mỹ và Anh chỉ mới chấp thuận xây tàu ngầm cho Úc thôi, trong vòng hai tuần qua, thì cũng không có lý do gì để vấn đề có vẻ khẩn cấp như sống còn. Hiểu rằng, nó cũng mất thêm 12 đến 18 tháng tới để cả ba bên ngồi xuống hoạch định chi tiết kế hoạch xây dựng.

Cung cách giải quyết sự việc có vẻ cấp bách đã xảy ra như trên không lý giải được những thắc mắc đã nêu. Ngoại trừ với hai lý do. Một, thông tin tình báo mới nhất về phía Trung Quốc cho biết Úc Anh và Mỹ cần hành động cấp bách, không thể chờ đợi nữa. Thông tin đó là gì, thì nó là bí mật quốc gia, có lẽ vài chục năm sau mới rõ. Hai, ngay cả như thế, Úc Anh và Mỹ không cần phải hành động như chiến tranh sắp tới nơi. Trừ khi cả ba nước có ý định rõ ràng, nhân cơ hội này, muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc và các nước khác rằng, thế liên minh đã hình thành và cuộc chạy đua đã bắt đầu. Cuộc vận động ngoại giao ngầm đằng sau, từ Covid-19, đến kinh tế, quân sự, hay các vấn đề an ninh khác, trong vùng và quốc tế, trở nên cấp bách hơn.

Dường như tất cả đều nằm trong chiến lược sắp xếp của AUKUS!

Hiệp ước AUKUS rất quan trọng đối với Úc, vì, ngoài các nguyên do nói trên, còn vài điều mang tính văn hóa và lịch sử. Một, tư tưởng và ý thức hệ chính trị của cả ba rất giống nhau. Hai, khi còn là cường quốc, Anh đã từng là nước bảo hộ cho Úc, cho đến khi Mỹ thay thế vai trò này, và giờ đây Anh sẵn sàng trở lại để cả hai nước đều chính thức đứng đàng sau Úc để cùng bảo đảm an ninh của quốc gia này. Ba, cả ba đều nhìn nhận không ai ngoài Trung Quốc là mối đe dọa an ninh không chỉ cho Úc hay vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn trên bình diện toàn cầu. Sự hợp tác giữa ba nước về tàu ngầm, hay chuyển nhượng công nghệ cao cấp khác, và nhiều mặt an ninh, sẽ thay đổi cuộc chạy đua vũ trang, và thế cờ vay Trung Quốc, trong hai ba thập niên tới. Thế liên minh AUKUS này mang nhiều ý nghĩa hơn là xây tàu ngầm hạt nhân.

Được biết Trung Quốc hiện đang nỗ lực xây dựng thế liên minh mới với ba nước khác, để hình thành Bộ Tứ/QUAD, gồm Trung Quốc, Iran, Nga và Pakistan, để đối đầu với Bộ Tứ của Mỹ, Úc, Nhật và Ấn. Nhưng làm đồng minh của Trung Quốc có dễ không? Ai hiểu lịch sử của Trung Quốc xưa nay cũng như nhìn cách điều hành quốc gia và điều khiển ngoại giao từ Tập Cận Bình, thì cũng đã biết được câu trả lời.

Với đặc tính đó, Trung Quốc dù hùng mạnh đến mấy, vẫn mãi mãi không có bao nhiêu đồng minh, và vẫn rất cô đơn. Mỹ, cũng không phải hoàn toàn tốt lành, vẫn có thể bỏ rơi đồng minh như Miền Nam Việt Nam hay Afghanistan. Nhưng chính sách ngoại giao của mọi quốc gia đều chủ yếu dựa trên quyền lợi và quyền lực. Tuy nhiên trong trận thế này, đối đầu với một mối đe dọa to lớn và mưu mô trí trá như Bắc Kinh hiện nay, là chiến lược mà các nền dân chủ phải tiến hành để bảo vệ chính mình. Bởi rằng liên minh với những đồng minh khả tín và có cùng văn hóa chính trị là một ưu thế cấp số nhân so với đối thủ. Cùng nhau, sức mạnh của QUAD, G7, AUKUS, thế cờ vay này sẽ áp đảo đối với Trung Quốc, Iran, Pakistan và Nga. Nghiên cứu chỉ số quyền lực từ Lowy Institute cho thấy rõ bức tranh này. Nếu Tập Cận Bình đi bất cứ nước cờ sai nào trong thời gian tới, nhất là vấn đề Đài Loan và vùng nóng Biển Đông, thì hoặc chiến tranh là điều khó tránh khỏi, hoặc Tập sẽ bị thay thế khi thành phần lãnh đạo Bắc Kinh muốn Trung Quốc tránh rơi vào vực thẳm.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG