Đường dẫn truy cập

Tam quốc AUKUS trang bị đối đầu Trung Quốc?


Liên minh an ninh quốc phòng của ba nước Úc - Anh - Mỹ, AUKUS (Australia, the United Kingdom and the United States), đã chính thức ra đời ngày 15 tháng 9, để công khai đối phó với ảnh hưởng và tham vọng của Bắc Kinh.
Liên minh an ninh quốc phòng của ba nước Úc - Anh - Mỹ, AUKUS (Australia, the United Kingdom and the United States), đã chính thức ra đời ngày 15 tháng 9, để công khai đối phó với ảnh hưởng và tham vọng của Bắc Kinh.

Từ mấy ngày vừa qua, những thông tin về xây dựng tàu ngầm hạt nhân tại Úc đã chiếm các trang đầu trên các cơ quan truyền thông.

Liên minh an ninh quốc phòng của ba nước Úc - Anh - Mỹ, AUKUS (Australia, the United Kingdom and the United States), đã chính thức ra đời ngày 15 tháng 9, để công khai đối phó với ảnh hưởng và tham vọng của Bắc Kinh. Nhân dịp này, Úc quyết định công bố hủy bỏ hợp đồng với công ty Naval Group của Pháp chế tạo 12 tàu ngầm trị giá 90 tỷ đô la, ký kết vào năm 2016 dưới thời của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull. Thay vào đó, Thủ tướng Scott Morrison ký hợp đồng mới với Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Anh Boris Johnson, để Mỹ và Anh cung cấp 8 tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử, và chuyển nhượng công nghệ nguyên tử và các công nghệ cao cấp khác cho Úc trong thời gian tới.

Thông báo chung của tam quốc Úc – Anh – Mỹ cho biết:

“Thông qua AUKUS, chính phủ của chúng ta sẽ tăng cường khả năng của mỗi bên trong việc hỗ trợ các lợi ích an ninh và quốc phòng, dựa trên mối quan hệ song phương lâu dài và đang diễn ra của chúng ta.

"Chúng tôi sẽ thúc đẩy chia sẻ thông tin và công nghệ sâu hơn. Chúng tôi sẽ thúc đẩy hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng.”

Để chuyển nhượng công nghệ cao cấp mang tính chiến lược hàng đầu phải có yếu tố tin tưởng gần như tuyệt đối. Mỹ chỉ thực hiện duy nhất một lần trước đây, giúp cho Thủy quân Hoàng gia Anh 63 năm trước xây tàu ngầm hạt nhân. Cho nên đây là quyết định có thể xem là ngoại lệ, trong trường hợp khá bất thường. Ba nước, Úc – Anh – Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ trong 18 tháng tới để lên kế hoạch tiến hành.

Cũng xin được nhắc thêm, chính Mỹ đã cung cấp nhiều công nghệ cao cấp để giúp Trung Quốc lớn mạnh trong các thập niên 1970 và 1980 (và sau đó), đủ lớn mạnh hầu có thể đối đầu lại với Liên Xô. Hai cường quốc cộng sản đối đầu và cân bằng quyền lực nhau thì khỏe cho Mỹ. Nhưng khi Trung Quốc đã đủ mạnh để vừa tiêu thụ các công nghệ của Mỹ vừa phát triển các công nghệ quốc phòng của riêng mình, thì Trung Quốc trở mặt. Nhưng Úc thì khác. Ở nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, văn hóa của Mỹ và Úc có nhiều điểm tương đồng, nhất là cả hai có nguồn gốc từ Anh quốc và đồng ngôn ngữ, và từng chiến đấu bên nhau qua Thế chiến I, II, Chiến tranh Lạnh, Việt Nam, Afghanistan, Iraq v.v…

Quyết định này mang tính hệ trọng không chỉ cho Úc, và còn địa chính trị tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là quan hệ của Úc đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Nó là bước ngoặc lớn trong chính sách ngoại giao của Úc, nói lên lập trường dứt khoát của Úc đối với Trung Quốc.

Làm mất lòng đồng minh và lo ngại láng giềng

Trước hết, cần phải xác định rằng tàu ngầm được Mỹ và Anh cùng Úc xây dựng chỉ sử dụng nguyên liệu năng lượng hạt nhân, hoàn toàn không phải để trang bị vũ khí hạt nhân. Morrison cũng khẳng định rằng Úc tiếp tục các ràng buộc về hiệp ước không phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy thế, quyết định mua sắm tàu ngầm nguyên tử của Úc đã gây sóng gió về mặt ngoại giao, đặc biệt với Pháp, Trung Quốc cũng như Nam Dương.

Pháp đã phản ứng gay gắt về quyết định hủy bỏ hợp đồng xây 12 tàu ngầm trị giá 90 tỷ đô la. Ngoài việc phê phán hành động của Úc chẳng khác gì “đâm sau lưng”, “mất uy tín”, “phản bội niềm tin”, hay “thái độ không thể chấp nhận giữa đồng minh và đồng hành”, Tổng thống Emmanuel Macron đã triệu hồi đại sứ Pháp tại Úc và Mỹ. Đại sứ Pháp tại Úc Jean-Pierre Thebault cho biết ông chỉ biết đến quyết định này vào thứ Sáu vừa qua trên truyền thông. Nhưng sự thật không hẳn như vậy. Vì những trở ngại tiến hành xây tàu ngầm, Kế hoạch B (Plan B) để xây dựng khả năng phòng thủ của Úc đã được rà xét, tính toán lại, trong 18 tháng qua. Tóm tắt, Úc đã thật sự bắt cá hai tay trong thời gian qua, phòng hờ rằng nếu Kế hoạch A với Pháp không thành, hay không như ý muốn, thì phải có Kế hoạch B hay C. Đây là điều dễ hiểu, bởi trong chiến lược, thiếu kế hoạch dự phòng hay thay thế, thì rủi ro thì to lớn mà hậu quả thì vô cùng khốc liệt.

Thủ tướng Morrison cho biết cũng từng chia sẻ suy nghĩ này với Tổng thống Macron vào tháng 6 tại Paris. Trong tiến trình thực hiện, nó cũng được hai bên ở tầng lãnh đạo cao nhất nghĩ đến, nhất là từ phía Úc.

Tuy nhiên, việc Pháp thất vọng và giận dữ trước quyết định của Úc là điều dễ hiểu, về cả ba mặt ngoại giao, tài chánh và chính trị. Cung cách giải quyết của Úc về sự kiện này, tuy hiểu được, nhưng không phải là khéo léo nhất.

Trung Quốc cũng phản ứng gay gắt về liên minh AUKUS và quyết định mua tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ và Anh. Phát ngôn nhân Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), mô tả thỏa thuận Úc Anh Mỹ là ‘cực kỳ vô trách nhiệm’ trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo Úc rằng nước này hiện là ‘đối thủ’ của Trung Quốc và nên ‘chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.’ Tờ Toàn cầu Thời báo mô tả Hoa Kỳ là ‘mất trí khi cố gắng tập hợp các đồng minh của mình chống lại Trung Quốc’ và cáo buộc Úc trở thành ‘con chó chạy’ của Washington. Nói chung, cung cách phát ngôn của Trung Quốc đầy miệt thị và phản cảm khi họ có bất đồng quan điểm: hoặc là lên án kết tội nước khác, hoặc đe dọa bằng ngôn từ hung hăng. Tính cách ngoại giao của họ nói lên được bản chất và tư duy của Bắc Kinh, không phải khả năng. Nói cho cùng, tất cả các phát ngôn nhân hay truyền thông của Trung Quốc cũng chỉ phản ảnh tư duy của Tập Cận Bình và giới lãnh đạo chính trị hàng đầu tại Bắc Kinh. Họ chỉ là cái loa, không hơn không kém. Nếu không phản ảnh đúng thì đều sẽ mất việc, hoặc có thể mất nhiều hơn nữa.

Nam Dương (Indonesia) cũng bày tỏ mối quan ngại về sự leo thang võ trang trong vùng. Bộ ngoại giao Nam Dương kêu gọi Úc duy trì cam kết đối với hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời nhắc lại sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Úc trấn an rằng Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nam Dương đã được thông báo, và ông dự trù sẽ nói chuyện riêng với Tổng thống Joko Widodo sớm.

Tại sao Úc chọn chiến lược này?

Hủy bỏ hợp đồng với công ty Naval Group làm Úc mất 2.4 tỷ đô la, và có thể hàng trăm triệu đô la khác để bồi thường vì hủy hợp đồng, chưa kể gần 5 năm trời với bao nguồn lực và thời gian dồn vào vào dự án này. Quyết định này Úc thừa biết sẽ làm cho quan hệ ngoại giao với Pháp tồi tệ hơn, gây căng thẳng trong vùng, qua đó làm leo thang nỗ lực trang bị chiến tranh. Với hệ quả có thể đo lường hay nhìn thấy được như thế, tại sao lãnh đạo chính trị Úc lại đi đến quyết định táo bạo như vậy?

Đó là vì tình hình địa chính trị đang ở mức quan ngại. Nếu không lấy quyết định nhanh chóng kịp thời, Úc sẽ tiếp tục ở trong tình thế dễ bị tổn thương.

Vì quan ngại về khả năng phòng vệ của Úc hiện nay, và đặc biệt trong thập niên tới, nhất là khi Trung Quốc đã trở nên cường quốc về nhiều mặt, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd cũng như Tony Abbot kêu gọi dự án xây dựng tàu ngầm hạt nhân này cần tiến hành càng nhanh càng tốt để Úc ít bị tổn thương hơn, như trong tình huống hiện nay. Abbot hối hận là đã không ủng hộ ý định xây dựng tàu ngầm hạt nhân trước đây, và cho rằng thời gian tốt nhất là xây nó cách đây 5 năm, và tốt nhì là bây giờ. Rudd cho rằng nếu chờ đến năm 2040 thì quá lâu, làm cho nước Úc trần truồng (bỏ rơi) về mặt chiến lược trong 20 năm.

Thật ra quyết định mua tàu ngầm từ Mỹ và Anh không chỉ là để Úc mua vũ khí cho mục tiêu tự phòng vệ. Về mặt kỹ thuật, Pháp cũng có khả năng chế tạo và cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc, nếu Úc yêu cầu, và như thế hợp đồng giữa hai nước sẽ không có nhiều vấn đề nếu thay đổi ý muốn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết phiên bản của Pháp không hiện đại, cao cấp bằng Mỹ và Anh. Kỹ nghệ của Mỹ về lò phản ứng hạt nhân có thể kéo dài 33 năm, bằng tuổi của tàu ngầm, cho nên không cần phải tái nhiên liệu mỗi 10 năm, như của Pháp.

Nhưng theo tôi, đó cũng không phải là nguyên do chính. Liên minh tam quốc này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Trong trận thế chung đối đầu với Trung Quốc, tam quốc Úc - Anh - Mỹ muốn có sự cam kết chung, được ràng buộc qua hợp đồng tàu ngầm hạt nhân, ít nhất là trong ba thập niên tới. Được biết quân đội, hỏa tiễn, không lực và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ ghé thăm Úc thường xuyên, và sẽ đi qua Biển Đông để thách thức ý định của Trung Quốc sở hữu vùng biển này. Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating bày tỏ quan ngại về hợp đồng tàu ngầm hạt nhân, vì phụ thuộc vào quá nhiều ở Mỹ, làm mất đi chủ quyền quốc gia. Nhưng có lẽ lãnh đạo chính trị Úc đánh ván cờ rủi ro: thà mất chút chủ quyền để được sự cam kết bảo vệ lâu dài của Mỹ và Anh, còn hơn có chủ quyền mà không có khả năng bảo vệ nó, nếu bị Trung Quốc tấn công.

Mất bao lâu sau hợp đồng AUKUS thì Úc sẽ có tàu ngầm hạt nhân, điều này chưa rõ ràng hay chắc chắn. Nhưng Úc không còn lưỡng lự nữa trước thái độ chọn Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Trước đây Úc không muốn quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc trở nên xấu đi, nhưng dù muốn hay không thì Trung Quốc cũng đã chọn sẵn cho Úc rồi. Quan ngại về thái độ và ý đồ của Trung Quốc, Thủ tướng Morrison cho biết ‘Môi trường tương đối trong lành mà chúng ta đã được hưởng trong nhiều thập kỷ ở khu vực’ không còn như thế nữa; và không nghi ngờ gì, chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới; ‘Tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến tất cả tương lai của chúng ta.’

Quả thật, những gì xảy ra cho chúng ta cảm tưởng như thế giới đang tiến gần hơn đến thời kỳ chiến tranh nóng, không còn lạnh nữa!

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG