Đường dẫn truy cập

Nguyễn Hưng Quốc ‘sống với… thơ’


Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. (Hình: Trần Triết)
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. (Hình: Trần Triết)

Nguyễn Hưng Quốc, tức tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, được biết đến qua nhiều tác phẩm giá trị mà chủ yếu là về phê bình văn học, đặc biệt là về thơ, trong hơn ba thập niên qua. Tác phẩm đầu tay của ông là “Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam” (Quê Mẹ, 1988). Từ năm 1988 đến 2015, ông đã cho ra đời 20 tác phẩm, và năm nay, 2021, ông vừa mới phát hành tập thơ đầu tiên của ông với tựa “909 Bài Thơ Ba Dòng”.

Ông được xem là một người có thẩm quyền về phê bình văn học, và một nhà phê bình thơ tinh tế, thông minh và xuất sắc. Nhưng điều mà ít người biết hơn là ông làm thơ khá nhiều, nhất là lúc còn trẻ, nhưng không phổ biến. Thật là một điều ngạc nhiên và thú vị nhận được tập thơ này.

Mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện sau đây giữa chúng tôi và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc.

***

Phạm Phú Khải: Sáng tác và phê bình là hai sở trường khác nhau. Xin được hỏi ông: một, nguyên do gì thúc đẩy thơ ông tràn trề để có thể in thành tập thơ này?; hai, ông có nghĩ ông đủ khách quan để phê bình tập thơ này của mình không?

Nguyễn Hưng Quốc: Thú thực, tôi cũng không biết tại sao tôi lại nổi hứng làm nhiều thơ như vậy. Trước, thỉnh thoảng tôi có làm thơ. Nhưng chỉ hoạ hoằn. Còn lần này thì nó cứ ào ạt. Có ngày tôi làm đến cả 10 bài. Còn chuyện tự đánh giá mình à? Không ai có thể “khách quan” trong trường hợp như thế. Có điều tôi biết chắc chắn, ở tôi, sáng tác không thể sánh được với phê bình và biên khảo. Sở trường của tôi chủ yếu vẫn là ở năng lực phân tích. Làm thơ chỉ là để cho vui thôi. Nhớ một câu nói Bùi Giáng hay dùng: “Vui thôi mà!”

Phạm Phú Khải: Tại sao ông lại chọn thơ ba dòng từ đầu đến cuối cho tập thơ này, mà không phổ biến các bài thơ khác thuộc thể loại khác trong đây? Và tại sao con số 909 bài, không hơn, không kém?

Nguyễn Hưng Quốc: Đầu năm 2020, một hôm, đang ngồi đọc vẩn vơ trên computer, trong đầu tôi tự dưng loé lên mấy câu:

Một chân ở Việt Nam, một chân ở Úc
Dưới háng là
Mây bay

Tôi thấy thích ngay tức khắc. Nhắc đến thân phận lưu vong, thường, hầu như mọi người, trong đó có tôi, trong nhiều bài viết khác nhau, có cái nhìn khá bi quan: Đó là những con người tha phương, lạc lõng, không nguôi ngoái nhìn quá khứ và cảm thấy khó hội nhập vào xã hội mới. Mấy câu ở trên đưa ra một cái nhìn khác, lạc quan hơn: Người lưu vong đứng trên hai đất nước, hai văn hoá và hai ngôn ngữ khác nhau nên có dáng cao lồng lộng. Nó như một tượng đài cao vút lên tận mây xanh. Không chừng chưa có một “tượng đài” lưu vong nào hùng vĩ đến vậy.

Hứng chí tôi làm thêm mấy câu khác:

Trăm đứa con Thị Nở
Mỗi đứa
Một màu cờ

Thị Nở là người yêu của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Thị Nở được miêu tả là một người vừa xấu xí vừa dở hơi. Với chữ “trăm đứa con” phía trước, Thị Nở biến thành… Âu Cơ. Sự liên tưởng ấy khắc hoạ một đặc điểm lớn trong tính cách dân tộc Việt Nam: Có vấn đề về tâm trí và tâm lý. Đặc điểm thứ hai thuộc về con cháu của Âu Cơ – Thị Nở: chia rẽ. Lúc nào cũng chia rẽ. Cũng có nạn sứ quân. Trong suốt lịch sử. Cả mấy ngàn năm.

Tôi phân vân: Mấy câu ấy có phải là “thơ” không? Tôi chợt nhớ đến thể thơ ba dòng (three-line poetry) vốn khá phổ biến ở Tây phương. Về hình thức, nó hao hao giống thơ haiku ở Nhật. Nó nén câu chữ lại thật chặt để sau đó bùng nổ trong lòng người đọc.

Thấy thể thơ ba dòng cũng có lý, tôi làm tiếp thêm mấy bài nữa. Rồi làm tiếp. Cho đến lúc được 909 bài thì tôi thấy tạm đủ nên quyết định dừng lại. Con số 909 trình bày trên trang sách cũng đẹp đấy chứ?

Phạm Phú Khải: Có phải đó là những bài ưng ý nhất của ông?

Nguyễn Hưng Quốc: Tôi không chắc. Lúc tôi thích bài này, lúc tôi thích bài khác. Hiện nay, lúc viết mấy câu trả lời này, tôi thích một số bài nhẹ nhàng hơn, ví dụ:

Những chiếc lá rơi
Không để lại
Di chúc

Hoặc:

Mọi nụ hôn
Đều không cần
Lời bạt

Đại khái thế.

Phạm Phú Khải: Ngoài tập thơ trên, ông còn cho tái bản cuốn “Sống với Chữ” năm nay. Được biết tác phẩm phát hành năm 2004, được ông cho tái bản năm 2014, và 2021 là lần in thứ ba. Có phải đây là một trong những tác phẩm của ông được yêu thích nhất từ nhiều thành phần khác nhau, với điểm chung là yêu tiếng Việt?

Nguyễn Hưng Quốc: Cầm bút hơn 30 năm, tôi có một lượng độc giả nhất định. Cuốn nào cũng được người này người kia khen. Tuy nhiên, anh nói đúng, cuốn “Sống với Chữ” có vẻ được nhiều người khen nhất. Năm 2007, trong lời giới thiệu tôi trong một buổi nói chuyện về thơ tại San Jose (Mỹ), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, theo anh, cuốn “Sống với Chữ” là “cuốn sách hay nhất của Nguyễn Hưng Quốc”!

Phạm Phú Khải: Qua tác phẩm này, ông đã trình bày nhiều khám phá về ngữ nghĩa, ngữ âm, và sự biến âm của nhiều ngôn từ tiếng Việt. “Bợ” và “Vợ” là một điển hình. Ông cho rằng nếu đọc tiếng Việt chậm và kỹ thì chúng ta nhận ra được một số quy luật bí ẩn lạ lùng. Nhưng nhận ra được không có nghĩa là có thể am tường, vì chính ông công nhận, ‘ngôn ngữ là một cái gì lạ lùng vô hạn’. Theo ông thì đây là đặc tính chung của mọi ngôn ngữ, hay là cảm nhận của ông đối với tiếng Việt?

Nguyễn Hưng Quốc: Thật ra, ngôn ngữ nào cũng hay. Rất khó khẳng định ngôn ngữ nào hay hơn ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, với tiếng mẹ đẻ, bao giờ chúng ta cũng thấy gần gũi hơn, do đó, chúng ta dễ thấy nó tinh tế và giàu cảm xúc hơn. Tôi nhớ lúc tôi làm luận án tiến sĩ. Phải viết bằng tiếng Anh, dĩ nhiên. Tôi chán vô cùng. Tôi không thấy có sợi dây liên kết gì giữa mình và cái ngôn ngữ mình sử dụng. Thường, viết được một, hai trang, chán quá, tôi lại quay sang viết tiếng Việt. Với tôi, tiếng Việt không phải chỉ là phương tiện giao tiếp. Nó còn là một nhục thể: Tôi giao hoan với chữ, thở với chữ, say sưa với chữ, có cảm giác như chữ cũng biết múa may ca hát. Nó có sự sống. Và sự sống ấy đầy bí ẩn.

Phạm Phú Khải: Ông viết khá thường xuyên trên Facebook, mỗi ngày ít nhất một bài ngắn, có khi nhiều hơn. Phần lớn vẫn là các vấn đề chính trị tại Việt Nam. Nhưng dù là chính trị, xã hội hay văn hoá văn học, tiềm ẩn trong đó là nỗi nhớ quê hương, vẫn đau đáu ngóng trông về Việt Nam. Rõ ràng Úc là nơi ông sẽ sống đến cuối đời mình, nhưng tâm tư của ông thì lại đi về “quê” nhiều hơn trở về “nhà”. Có phải vì ông nghĩ rằng ông không thể về lại Việt Nam nữa, trong quảng đời còn lại này? Hay vì đó là thân phận chung của người lưu vong, nhất là người lưu vong đang cầm bút như ông?

Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, lúc nào tôi cũng đau đáu nghĩ về Việt Nam. Hầu như hàng ngày. Đọc báo tiếng Anh, thấy bất cứ điều hay điều dở gì trên thế giới, tôi cũng đều so sánh với Việt Nam. Và lại ngậm ngùi. Có điều, tôi không nghĩ đó là một trường hợp cá biệt. Theo các nhà Lưu vong học (Diaspora Studies), tâm lý hoài hương và hoài niệm là đặc điểm phổ quát trong tất cả mọi cộng đồng tị nạn và di dân. Ở đâu cũng thế. Với ai cũng thế. Chỉ khác, chút chút, ở mức độ mà thôi.

Phạm Phú Khải: Ông có nghĩ rằng văn học nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tính cách, diện mạo, của một quốc gia?

Nguyễn Hưng Quốc: Chắc chắn. Bất cứ quốc gia nào cũng bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Ở nhiều địa phương khác nhau. Làm thế nào các nhóm người xa xôi và xa lạ ấy hợp thành một quốc gia duy nhất? Theo một số nhà nghiên cứu, đó là những ký ức chung và những tưởng tượng chung. Benedict Anderson coi dân tộc là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community). Văn học là một trong những yếu tố chính tạo nên cái cộng đồng tưởng tượng ấy.

Phạm Phú Khải: Muốn thay đổi diện mạo của Việt Nam, ngoài kinh tế, khoa học kỹ thuật, và chính trị, v.v… thì văn học nghệ thuật cũng phải đóng vai trò tiên phong. Có phải vì thế mà ông đã dồn phần lớn nỗ lực cho lĩnh vực phê bình văn học của mình trong những thập niên qua, kể cả các hoạt động trong tạp chí Việt và Tiền Vệ. Quan niệm của ông hiện nay có khác gì không, và nếu có, đó là gì?

Nguyễn Hưng Quốc: Ở đâu văn học nghệ thuật cũng đi trước hiện thực một chút. Gọi nó là “tiên phong” cũng được. Việt Nam hiện nay đầy những đổ vỡ. Văn học và nghệ thuật có thể hàn gắn lại một số các đổ vỡ ấy.

Phạm Phú Khải: Ông viết phần lớn là về văn học, về thơ, và sau này cũng viết bình luận chính trị, có thời cộng tác với đài VOA trước đây, và giờ trên Facebook. Có bao giờ ông nghĩ đến viết một thể loại khác hoàn toàn, như tiểu thuyết?

Nguyễn Hưng Quốc: Chắc là không. Viết phê bình và biên khảo, lâu lâu ngoại tình với thơ là đã đủ rồi. Tôi không nghĩ là một lúc nào đó mình sẽ viết tiểu thuyết.

Phạm Phú Khải: Viết là một phần sống của ông. Có lẽ là phần ưu tiên hàng đầu không chừng. Có phải là còn thở thì ông còn viết? Và điều đó cũng có nghĩa đọc giả có thể tiếp tục mong đợi các tác phẩm mới trong những năm trước mặt?

Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, cả ngày tôi chỉ ngồi đọc và viết. Từ hơn 30 năm qua, tôi viết khá liên tục. Lần này, mới in tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” xong, tôi đã có ý tưởng cho một cuốn sách khác. Tôi đang suy nghĩ. Chắc vài tháng nữa mới khởi sự.

Phạm Phú Khải: Được biết ông đã sáng tác toàn bộ tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” trong năm 2020 và đầu năm 2021. Vậy thì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng ra sao đối với đời sống cũng như công việc sáng tác và phê bình của ông?

Nguyễn Hưng Quốc: Với các nhà văn, dịch Covid-19 không chừng lại hay: Nó bắt người ta phải ở nhà, phải ngồi trước computer. Và viết.

Phạm Phú Khải: Xin chân thành cảm tạ ông Nguyễn Hưng Quốc đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị và hữu ích này. Mong chúc ông và gia đình luôn vui khỏe và bình an, nhất là giữ gìn an toàn trong cơn đại dịch Covid-19 này.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG