Đường dẫn truy cập

Nguy cơ gì từ nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc ở Biển Đông?


Một nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc
Một nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc

Kế hoạch của Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi đến Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với các bên tranh chấp khác và làm phức tạp an ninh khu vực, các chuyên gia nói với VOA, và các nước tranh chấp nên thông qua khuôn khổ đa phương để đối phó Trung Quốc.

Trung Quốc dự tính triển khai khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi đến các đảo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông, tờ Washington Post đưa tin hồi đầu tháng.

Trung Quốc có yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 vốn bác bỏ yêu sách này là ‘không có cơ sở pháp lý’. Malaysia, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với một số quần đảo và một phần Biển Đông.

Những nước có tranh chấp coi kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc là “sự thách thức trực tiếp” đối với chủ quyền của họ, bà Pratnashree Basu, học giả tại Chương trình Nghiên cứu Chiến lược thuộc tổ chức Observer Research Foundation có trụ sở tại Ấn Độ, nói với VOA, nếu các nhà máy này được triển khai đến các đảo, đá, hoặc các bãi cạn mà họ tuyên bố có chủ quyền.

Bà Basu dẫn ra Luật Năng lượng Nguyên tử được Việt Nam ban hành hồi năm 2008, vốn yêu cầu các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân vào vùng biển Việt Nam phải được thủ tướng cho phép.

Những điều luật như vậy không có ở Philippines, bà lưu ý, nhưng Manila vẫn có thể ‘vận dụng quyền giám sát nhà máy hạt nhân của Trung Quốc theo luật biển của mình’.

Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo trên một số thực thể mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa mà Hà Nội và Manila cũng tuyên bố có chủ quyền.

“Do Bắc Kinh có lịch sử củng cố chỗ đứng của mình ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân của họ có thể tăng cường sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các hòn đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng và quân sự hóa,” bà nói với VOA.

Động thái này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa trong một khu vực vốn đã căng thẳng, bà cảnh báo.

Ông Hà Hoàng Hợp, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu đông nam Á ISEAS Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, nói với VOA rằng ‘nếu Trung Quốc chỉ cho các nhà máy hạt nhân nổi chạy loanh quanh ở Biển Đông thì ‘sẽ không có vấn đề gì đối với các bên tranh chấp khác’.

“Tuy nhiên, nếu các nhà máy này cập cảng Trường Sa hoặc Hoàng Sa, Việt Nam chắc chắn sẽ phản đối,” ông Hợp nói.
Ông lập luận rằng việc triển khai của Trung Quốc đến các đảo mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền ‘vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam’ và lưu ý rằng việc triển khai như vậy không tránh khỏi sẽ hỗ trợ các hoạt động quân sự và tuần tra của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Nếu các nhà máy này cung cấp năng lượng cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc như chiến tranh điện tử, trinh sát, giám sát không phận, triển khai máy bay không người lái chiến đấu…, thì chúng sẽ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực,” ông nói thêm và cảnh báo rằng nếu các tàu này mang tên lửa có đầu đạn hạt nhân đến Biển Đông, thì đó sẽ là ‘hành vi vi phạm luật pháp quốc tế’.

Bà Basu thuộc Observer Research Foundation lưu ý rằng các nhà máy điện hạt nhân nổi này có thể cung cấp năng lượng cho Trung Quốc thăm dò dầu khí ngoài khơi, và nhất là cung cấp năng lượng cho các căn cứ quân sự của họ.
“Nguồn năng lượng đáng tin cậy từ hạt nhân cũng tăng cường năng lực giám sát và phản ứng nhanh,” bà nói thêm.

Khi được hỏi Việt Nam và Philippines có thể làm gì để đối phó với động thái này của Trung Quốc, ông Raymond Powell, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, nói với VOA rằng ông ‘không chắc có cách nào đó để phản đối Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông’.

“Không có khả năng Trung Quốc phản hồi trước áp lực bên ngoài để ngưng việc triển khai này, và không rõ họ có vi phạm luật pháp hay quy định quốc tế nào hay không nếu vẫn cứ triển khai,” ông cho biết thêm.

Ông Hà Hoàng Hợp ở Viện ISEAS Yusof Ishak nói rằng các nước tranh chấp có thể xem xét thuê các nhà máy điện hạt nhân do các nước phương Tây hoặc Nga xây dựng để triển khai ở Biển Đông trong chiến lược ‘ăn miếng trả miếng’.

Bà Basu đề xuất các nước tranh chấp và Mỹ làm việc thông qua ASEAN và các diễn đàn khu vực khác để giải quyết những lo ngại về các nhà máy điện hạt nhân nổi này nhằm thúc đẩy sự can dự đa phương thay vì hành động đơn phương.

“Các nước có thể thách thức việc Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi trong vùng biển tranh chấp thông qua các tòa án quốc tế, tìm kiếm các phán quyết có thể hạn chế hoặc điều chỉnh hoạt động của chúng,” bà cho biết.

Các quốc gia cũng nên cổ súy cho việc áp dụng các điều luật quốc tế hiện hành như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về các cơ sở hạt nhân nổi, bà nói thêm.

Ngoài ra, theo bà Basu, một lựa chọn nữa là liên minh với các tổ chức môi trường và an toàn toàn cầu để gây áp lực hướng tới xây dựng các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà máy điện hạt nhân nổi.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG