Đường dẫn truy cập

Người Việt kêu gọi siết chặt an ninh sau vụ nổ súng ở Orlando


Cộng đồng người Việt ở Floria cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ súng tại hộp đêm Pulse, Orlando. (Ảnh: Asia Trend)
Cộng đồng người Việt ở Floria cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ súng tại hộp đêm Pulse, Orlando. (Ảnh: Asia Trend)

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt kêu gọi siết chặt luật pháp về quyền sở hữu và kiểm soát súng sau khi một người Hồi giáo cuồng tín xả súng giết chết 49 nạn nhân và làm hàng chục người khác bị thương tại một hộp đêm ở Orlando, Florida, hôm 12/6 vừa qua.

Ngoài vấn đề bạo lực súng ống và luật pháp, vụ thảm sát lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ này còn gợi lên những quan ngại khác liên quan đến giáo dục gia đình, môi trường xã hội, ảnh hưởng văn hóa phim ảnh, tinh thần thù hận và chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành nước Mỹ.

Đâu là giải pháp tốt nhất giúp giảm thiểu các vụ tấn công giết người hàng loạt tại Mỹ? Trách nhiệm của chính quyền và vai trò của người dân Mỹ nói chung và cộng đồng Mỹ gốc Việt nói riêng ra sao?

Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay chia sẻ với các bạn những đề nghị của 4 cư dân trẻ ở thành phố Orlando gần trung tâm xảy ra vụ nổ súng trong phần thảo luận tiếp theo với Kim Tân, MC hoạt động trong ngành âm nhạc-giải trí; Lê Huy, tư vấn tài chánh, Phó Tổng thư ký phụ trách Ngoại vụ trong Ban Chấp hành cộng đồng người Việt tại Orlando; Nguyễn Quốc Hùng, cố vấn công nghệ thông tin, tân Chủ tịch cộng đồng Việt tại Florida; và Phúc Đặng hoạt động trong ngành địa ốc.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi

Người Việt kêu gọi siết chặt an ninh sau vụ nổ súng ở Orlando
please wait

No media source currently available

0:00 0:09:42 0:00
Tải xuống

Trà Mi: Nước Mỹ có nhiều mặt tốt hơn rất nhiều nước khác từ đời sống, kinh tế, văn minh, tiến bộ, đến nhân quyền. Duy chỉ có vấn đề súng ống là đáng lo ngại nhất nhì thế giới. Nguyên nhân vì sao?

Phúc Đặng: Súng và quyền được mua súng đã nằm trong hiến pháp nước Mỹ từ những ngày đầu của đất nước này, nhưng có lẽ do hồi xưa không có khủng bố và con người xưa cũng hiền lành hơn, không điên cuồng dùng súng bừa bãi như bây giờ.

Trà Mi: Ngoài khía cạnh luật pháp, còn những yếu tố khác như truyền thông, phim ảnh, giáo dục học đường..v…vv..những mảng này ảnh hưởng đến vấn đề súng ống như thế nào?

Kim Tân: Đó là vấn đề. Học đường cần tăng thêm việc giáo dục cho học sinh biết súng ống nên kiểm soát thế nào, cần ngăn ngừa và giáo dục để góp phần giúp mọi người hiểu biết về súng ống hơn.

Quốc Hùng: Về công nghệ, các phụ huynh có thể áp dụng chương trình parental control đối với phim ảnh, hoặc lọc các nội dung trên internet, Youtube bằng chức năng filter trên máy. Bây giờ ai muốn bỏ lên mạng cái gì cũng được mà các cháu 6, 7 tuổi đã biết dùng, nên rất nguy hiểm. Cha mẹ nên áp dụng các kỹ thuật đó, cũng có hiệu quả.

Phúc Đặng: Tự do cũng có trách nhiệm trong đó. Những video game nào quá bạo lực, không nên cho con em chơi. Sự giáo dục nhiều nhất là ở cha mẹ, gia đình, cộng đồng xung quanh.

Kim Tân: Nói về tự do, đó là lý do người ta thích đến đất Mỹ này. Đó là cái tốt. Tự do quá cũng dẫn tới chuyện này chuyện nọ nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra, mà thật sự, không xảy ra chỗ này thì cũng xảy ra chỗ khác. Ví dụ nhìn về Việt Nam, họ có bộ phận kiểm soát văn hóa phẩm nhưng mọi chuyện ở Việt Nam chắc gì đã hơn ở nước Mỹ?

Trà Mi: Anh có ủng hộ việc kiểm soát phim ảnh?

Kim Tân: Mình mong muốn việc đó chặt chẽ hơn ở Mỹ.

Quốc Hùng: Mình cũng có hai cháu 5, 6 tuổi. Mình cũng hy vọng lập pháp Hoa Kỳ bỏ chút tâm tư để khắt khe hơn đối với vấn đề sản xuất phim ảnh hay game.

Trà Mi: Ngoài ra, các vụ nổ súng bừa bãi ở Mỹ còn có yếu tố thù hận và khủng bố. Làm thế nào có thể giảm bớt các yếu tố này?

Quốc Hùng: Mỹ cũng có nhiều chương trình đảm bảo vấn đề đó, nhưng đâu thể kiểm soát hết mọi chuyện. Người ta vào nước Mỹ rồi mới nổi lên làm khủng bố, đâu thể nhanh chóng control kịp. Cho nên chỉ sợ ở bên trong thôi.

Trà Mi: Với nỗi sợ đó, các anh có ai ủng hộ đề xuất của ông Trump cấm cửa người Hồi giáo?

Phúc Đặng: Di dân vào nước Mỹ gần đây hơi nhiều người Hồi giáo. Khủng bố cái gốc là từ những người cuồng tín . Cho nên, nên xét kỹ hơn những di dân vào Mỹ.

Trà Mi: Qua tất cả những gì bàn luận, theo các anh, giải pháp tốt nhất cho vấn đề là gì?

Kim Tân: Kiểm soát, giáo dục, nhắc nhở nhiều hơn. Mong muốn các bộ phận có thẩm quyền như kiểm soát phim ảnh, tăng cường giáo dục học đường, kiểm soát súng ống.

Quốc Hùng: Cái gốc quan trọng là trong gia đình nên hướng dẫn đúng sai con cái từ nhỏ, hạn chế các em tiếp xúc với các trò chơi, phim ảnh bạo lực.
Phúc Đặng: Về chính quyền, phải cho FBI có quyền theo dõi, lập hồ sơ những người nào họ nghi ngờ.

Lê Huy: Hiện giờ chính phủ Mỹ nhiều khi lo can thiệp ở các nước khác mà lại không tập trung vào chuyện nội địa của mình, để những vụ thảm sát như 911 hay ở Orlando vừa qua. Người dân Mỹ không có cảm giác an toàn ngay chính trên sân nhà của mình. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là tân chính phủ phải tập trung hơn về vấn đề an toàn cho người dân trên nước Mỹ. Hệ thống FBI và các lực lượng phải có cách làm việc chặt chẽ hơn để giảm bớt những thành phần cuồng tín. Điều nữa Huy muốn chia sẻ với cộng đồng người Việt tại Mỹ là mình qua đây có cơ hội làm việc tốt, nhưng đã nảy sinh ra hai mặt vấn đề. Đó là mình làm rất nhiều để lo kiếm tiền thôi mà không có thời gian lo cho gia đình, con cái. Huy tha thiết kêu gọi cộng đồng người Việt cân bằng lại giữa thời gian kiếm tiền và thời gian dành cho con cái. Nói cho cùng, gia đình là phần rất quan trọng trong xã hội. Lo giáo dục, gần gũi con cái, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng và hướng con cái thành người tốt cho xã hội thì vấn đề bạo lực súng ống sẽ giảm đi rất nhiều.

Kim Tân: Nhất là trước mùa bầu cử này, mong sao chính quyền mới, đặc biệt là ngành an ninh hãy quan tâm hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa để giữ an ninh, thanh bình cho mọi người dân trên nước Mỹ.

Trà Mi: Một lần nữa cảm ơn các anh rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG