Đường dẫn truy cập

Người Hàn Quốc biểu tình chống lá chắn phi đạn THAAD vì sợ bị phóng xạ


Một cư dân quận Seongju đeo mặt nạ đến gặp các giới chức Bộ Quốc phòng ở Seoul để phản đối việc triển khai hệ thống THAAD, 13/7/2016.
Một cư dân quận Seongju đeo mặt nạ đến gặp các giới chức Bộ Quốc phòng ở Seoul để phản đối việc triển khai hệ thống THAAD, 13/7/2016.

Người biểu tình ném chai và trứng vào Thủ tướng Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn hôm thứ Sáu, khi ông tìm cách trấn an người dân sống gần địa điểm sẽ triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn gọi tắt là THAAD của Mỹ.

Phát biểu tại tòa thị chính quận Seongju hôm thứ Sáu, Thủ tướng Hwang nói:

“Liên quan đến việc triển khai hệ thống ra đa THAAD, chúng tôi lắng nghe tường tận ý kiến của quý vị và bảo đảm rằng an toàn là một ưu tiên.”

Những người biểu tình đã đáp lại phát biểu của Thủ tướng bằng những lời đồng thanh chế nhạo và giận dữ. Đội cận vệ của ông phải dùng cặp táp và ô dù che chắn cho ông khi đám đông ném những đồ vật vào ông. Sau đó ông thủ tướng phải vào tạm lánh bên trong tòa thị chính.

Sợ phơi nhiễm phóng xạ

Quyết định hồi đầu tuần này của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên sẽ triển khai hệ thống THAAD tại quận Seongju ở miền đông nam đã khiến công chúng lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn đối với người dân sống gần khu vực vì nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ phát ra từ hệ thống ra đa rất mạnh của phi đạn THAAD.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye hồi đầu tuần này nói rằng mối đe dọa hiện nay từ khả năng đang ngày càng lớn mạnh về vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên buộc chính phủ phải nhanh chóng tăng cường phòng thủ phi đạn.

Bà Park nói: “Việc này xảy ra là vì chúng ta đã phán đoán là không có gì quan trọng bằng bảo vệ mạng sống và an toàn của người dân chúng ta trong hoàn cảnh những đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên đã trở thành hiện thực.”

Tuy nhiên nhiều cư dân Seongju phẫn nộ trước quyết định triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD mà không có ý kiến của họ, và cũng không có thẩm định độc lập nào về an toàn cho sức khỏe, môi trường và kinh tế.

Trưởng quan hành chánh quận Seongju Kim Hang-Gon phát biểu tại một cuộc tập họp ở Seoul vào ngày thứ Tư:

“Các cư dân Seongju của chúng tôi, tất cả là 50.000 người phẫn nộ là quyết định được đưa ra đơn phương không có tham khảo hay thỏa thuận trước.”

THAAD sử dụng ra-đa cực mạnh để phát hiện và theo dõi mối đe dọa của phi đạn đạn đạo ở tầm xa và cao độ. Hệ thống ra-đa và công nghệ tìm kiếm bằng tia hồng ngoại dùng để lập trình cho 6 giàn phóng lưu động và 48 phi đạn ngăn chặn.

Những người chống đối hệ thống THAAD bày tỏ lo ngại là việc tiếp xúc với phóng xạ điện từ từ hệ thống ra-đa có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho các cư dân gần đó và có thể gây ô nhiễm cho các sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Quốc phòng Seoul ngày hôm qua nỗ lực trả lời những lo ngại này bằng cách đưa một nhóm phóng viên đến một địa điểm phi đạn phòng thủ Patriot không được tiết lộ trước đây tại vùng Chung-Cheong phía nam Seoul.

Vị trí Patriot đã có tại đây kể từ năm 2012 và sử dụng ra-đa tương tự như hệ thống THAAD. Các giới chức cho biết cư dân sống gần đó không có vấn đề gì về sức khỏe do ra-đa phát sóng.

Các giới chức quân sự đo các làn sóng điện từ ra-đa của Patriot phát sinh trong một cuộc biểu diễn cho các nhà báo. Trong một khoảng cách cách hệ thống ra-đa 30 mét, sóng điện phát ra tối đa là 0,2658 watt một mét vuông, dưới mức 10 watt một mét vuông - mức an toàn cho phép.

Các giới chức nói luật địa phương công nhận giới hạn 10 watt một mét vuông theo như chỉ dẫn của Uỷ ban Quốc tế về Bảo vệ phóng xạ không i-on hóa. Tiếp xúc với những làn sóng điện quá mức này sẽ gây nên những trầm cảm về thân nhiệt và những tế bào địa phương nóng quá mức.

Căn cứ trên đánh giá của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói đã thiết lập 100 mét đường kính vùng an toàn chung quanh vị trí ra-đa.

Quân đội bảo đảm là hệ thống THAAD sẽ đặt cách trung tâm dân cư gần nhất khoảng 1,5 km và sẽ không gây nên bất cứ hệ quả nào cho cộng đồng địa phương.

Thủ tướng Nam Triều Tiên cũng xin lỗi cư dân Seongjun vì đã có quyết định đặt hệ thống THAAD mà “không thông báo trước.”

Tuy nhiên một cuộc thăm dò trong tuần này của Viện Gallup Triều Tiên cho biết là có 50% những người trả lời nghiêng về quyết định của chính phủ bố trí THAAD.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG