Đường dẫn truy cập

Nga bị chế tài võ khí, Việt Nam rơi vào thế kẹt


Hệ thống phòng thủ phi đạn S-400 của Nga trong cuộc diễn tập ngày 7/5/2017 tại Quảng trường Đỏ, Moscow.
Hệ thống phòng thủ phi đạn S-400 của Nga trong cuộc diễn tập ngày 7/5/2017 tại Quảng trường Đỏ, Moscow.

Theo một đạo luật được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tháng 8 năm ngoái, bất cứ nước nào buôn bán với Nga trong lãnh vực quốc phòng và tình báo sẽ bị chế tài.

Chế tài của Hoa Kỳ đối với thiết bị quân sự xuất khẩu của Nga đã làm ngưng trệ một thỏa thuận trị giá 6 tỉ đô la giữa Moscow và Ấn Độ, và đe dọa làm chệch hướng các vụ mua bán vũ khí của các đồng minh Mỹ tại châu Á, trong đó có Việt Nam, theo các chuyên gia.

Các đồng minh của Mỹ mua vũ khí và trang bị của Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ hai trên thế giới, có thể bị thiệt hại.

Ví dụ rõ rệt nhất là Ấn Độ, nước muốn mua 5 hệ thống phi đạn tầm xa đất-đối-không S-400. Hệ thống S-400 được ca ngợi là có thể chống lại các phi đạn đạn đạo và máy bay tàng hình Trung Quốc đang chế tạo. Hệ thống này vượt trội khả năng của Pakistan, một đối thủ khác của Ấn Độ.

Thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một phần của thỏa thuận liên chính phủ năm 2016, và nằm trong phạm vi luật chế tài của Mỹ, hai giới chức tại Delhi cho biết.

Indonesia và Việt Nam cũng mua vũ khí của Nga trong khi vẫn là đối tác của Mỹ.

Jakarta đã ký hiệp ước mua các máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga trị giá 1,14 tỉ đô la trong khi Việt Nam đang tìm mua thêm máy bay ném bom của Nga.

Một nguồn tin Nga thân cận với thỏa thuận S-400 với Ấn Độ nói “nhiều việc sẽ tùy thuộc vào sự tin cậy và sáng suốt từ đối tác Ấn Độ của chúng ta.”

Không quân Việt Nam sử dụng máy bay chiến đấu Su-30 và sử dụng hệ thống phòng không S-300 muốn tiếp tục hiện đại hóa các loại vũ khí hiện có.

Học giả chuyên về quân đội Việt Nam Carl Thayer nói ông tin là Moscow hiện vẫn đang thúc đẩy Hà Nội đầu tư vào hệ thống phòng không tiên tiến S-400 trong khuôn khổ của kế hoạch quân sự dài hạn.

Trong khi đó Indonesia cho biết việc chuyển giao hai máy bay Sukhoi Su-35 trong tổng số 11 máy bay đang được tiến hành trong năm nay. Các giới chức nói cho đến nay họ không thấy có sự thay đổi nào trong thỏa thuận với Nga.

Các giới chức Indonesia từ chối bình luận về cách đối phó với những chế tài áp đặt lên việc mua bán vũ khí của Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Vijay Gokhale và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sanjay Mitra tháng trước đã gặp các giới chức Mỹ tại Washington để tìm một giải pháp cho vấn đề này, một giới chức Ấn Độ cho biết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG