Đường dẫn truy cập

Người Việt hải ngoại vận động đề cử Phạm Đoan Trang cho giải Nobel Hòa bình


Nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo thevietnamese.org
Nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo thevietnamese.org

Cộng đồng người Việt ở nhiều nơi đang vận động đề cử nhà báo - nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho giải Nobel Hoà bình vì những đóng góp nổi bật của cô trong việc đấu tranh giành quyền tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam.

Dẫn chứng thông cáo báo chí của Uỷ ban Giải Nobel khi trao giải Nobel Hoà bình 2021 cho Maria Ressa và Dmitry Muratov về những đóng góp của họ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, Tuyên cáo chung của chiến dịch vận động đề cử cho nhà báo Phạm Đoan Trang nói cô xứng đáng là một ứng cử viên cho giải thưởng danh giá.

“Hy sinh cả tuổi thanh xuân để tranh đấu cho lý tưởng tự do, cô Phạm Đoan Trang xứng đáng được đề cử Giải Nobel Hoà Bình để đại diện cho tất cả những nạn nhân đã bị chế độ Cộng sản Việt Nam bức hại trong suốt 70 năm qua vì đã tranh đấu cho các quyền căn bản của con người”, tuyên cáo nói, sau khi tóm lược những thành quả nổi bật và các giải thưởng quốc tế về nhân quyền mà Phạm Đoan Trang đã nhận được trong suốt hơn 10 năm hoạt động, trước khi bị bắt giam vào ngày 6/10/2020.

Xứng đáng

Nhà văn Cung Thị Lan, Chủ tịch Văn bút Việt Nam Hải ngoại, nói với VOA rằng bà “ngưỡng mộ” nữ tác giả trẻ không chỉ vì sự can đảm và tài năng của cô.

“Phạm Đoan Trang đòi hỏi nhiều hơn, đó là tự do dân chủ cho toàn Việt Nam, chứ không phải tự do cho chỉ riêng Phạm Đoan Trang. Điều này rất khó. Đó là mục tiêu rất lớn, lòng khao khát cho cả dân tộc chứ không phải chỉ ích kỷ cho bản thân mình”, nữ nhà văn đang sống tại Mỹ nói về một trong những lý do khiến bà ủng hộ việc vận động đề cử cho Phạm Đoan Trang.

Bà Cung Thị Lan và tổ chức Văn bút Việt Nam Hải ngoại, chi nhánh của Văn bút Quốc tế, đã tổ chức rất nhiều hoạt động ủng hộ cho nhân quyền Việt Nam trong những năm qua. Bà cũng là người đã viết thư yêu cầu Phó tổng thống Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái hãy đề cập đến vấn đề nhân quyền và đòi Hà Nội trả tự do cho Phạm Đoan Trang và các tác giả đang bị giam cầm khác.

Nói về gương mặt đại diện cho thế hệ cầm bút trẻ, nhà văn Cung Thị Lan cho biết: “Khi tôi theo dõi và đọc tiểu sử và những tác phẩm của từng cá nhân đấu tranh cho Việt Nam, tôi thấy mỗi người đều có những điểm tích cực mà mình thích. Nhưng với Phạm Đoan Trang, bản thân tôi thấy Phạm Đoan Trang xứng đáng được giải Nobel Hoà Bình. Thứ nhất, Phạm Đoan Trang là nữ. Ở tù đối với phụ nữ không phải là dễ, và những tác phẩm của Phạm Đoan Trang có tính chất thu phục lòng người. Đối với giải Nobel, không phải chỉ là cá nhân đó có tính can đảm mà ngòi bút của họ thu phục được người đọc. Tôi nghĩ điều đó đã đưa đến việc tất cả mọi người không phải chỉ cộng đồng người Việt, mà nếu theo dõi sẽ thấy trên thế giới, như vào trang Văn bút Quốc tế, Văn bút Anh, Văn bút Đức… thì sẽ thấy nhiều người trên thế giới ủng hộ tác giả Phạm Đoan Trang”.

Cùng chung nhận định với nhà văn Cung Thị Lan, bác sĩ Đỗ Văn Hội, đồng Chủ tịch Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam,nói với VOA rằng nữ nhà báo Phạm Đoan Trang khiến cho ông nể phục về sự can đảm và cả cách đấu tranh rất ôn hoà của cô.

Ông nói: “Những người tranh đấu là rất đáng nể phục rồi, dưới một chế độ lúc nào cũng bị đe doạ. Thứ hai, cô ấy tranh đấu rất ôn hoà. Và thứ ba, cô nói lên được tất cả những gì tranh đấu cho Việt Nam, vốn hiện không có tự do dân chủ, tự do ngôn luận. Mà cô ấy dám là những điều đó là tranh đấu cho tự do ngôn luận, xuất bản sách trong nước. Những cuốn sách rất ích lợi cho người dân tất cả mọi thời đại và bất cứ ở đâu”.

Mang lại hy vọng

Sinh ra sau năm 1975, Phạm Đoan Trang thuộc thế hệ được gọi là “lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cô cùng với nhiều nhà hoạt động trẻ khác đã mang đến “niềm hy vọng” về một tương lai Việt Nam tốt đẹp hơn cho những người thuộc thế hệ trước, nhất là những người đã từng được sống và được thở bầu khí “tự do, dân chủ” ở miền Nam trước năm 1975, theo nhận định của BS. Đỗ Văn Hội.

“Trong môi trường XHCN thì đương nhiên ai theo chính quyền sẽ được hưởng lợi, còn ai đi ngược lại sẽ bị trù dập ghê lắm. Vậy mà cô Phạm Đoan Trang đã nói lên được theo lương tâm của nhân loại, chứ không phải chống đối gì cả, đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Nếu thế hệ trẻ tiếp nối được điều đó thì sẽ rất ích lợi cho đất nước của chúng ta”, BS. Hội bày tỏ với VOA.

Nhà văn Cung Thị Lan thì cho rằng có hai yếu tố đã làm nên một thế hệ trẻ “sáng suốt”, không rơi vào quỹ đạo “bị nhồi sọ” của hệ thống giáo dục XHCN. Đó là đặc tính “thông minh” của người Việt và sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của internet và mạng xã hội.

“Nhờ Internet và rất nhiều thông tin trên mạng, các em học hỏi, tìm hiểu và thấy rằng những điều học ở nhà trường hay những điều được tuyên truyền trong xã hội là hoàn toàn khác với những kiến thức mà các em tiếp thu được từ internet”.

Ngoài việc đồng thành lập Tạp Chí Luật Khoa chuyên phổ biến những kiến thức và thông tin về luật pháp, chính trị và nhân quyền, những tác phẩm gây tiếng vang của Phạm Đoan Trang như Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù… là những tác phẩm đã được Trang viết theo cách “bình dân” nhất, nhưng lại có khả năng “khai phóng” nhiều người, và trở thành những tác phẩm khiến cho nhà cầm quyền hoảng sợ, theo nhận định của Tuyên cáo chung.

Trong bức thư viết vào ngày 27/5/2019, hơn một năm trước khi bị bắt, Phạm Đoan Trang nói bà có ba tâm nguyện mong muốn cộng đồng thực hiện. Đó là vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức Quốc hội mới; quảng bá các sách bà viết và biến việc bà đi tù trở thành cơ hội để giới dân chủ đàm phán với nhà nước; đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

Những đóng góp của Phạm Đoan Trang cho dân chủ - nhân quyền đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận qua các giải thưởng như giải Homo Homini của tổ chức nhân quyền People in Need ở Tiệp Khắc (2017), giải Nhân Quyền Việt Nam của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (2018), giải thưởng về Tự do báo chí của Tổ chức Ký giả Không Biên giới (2019) và gần đây nhất là giải thưởng Martin Ennals của tổ chức nhân quyền tại Geneve, Thuỵ Sĩ, đã được trao cho cô vào ngày 19/1/2022, sau khi Phạm Đoan Trang bị kết án tù 9 năm về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Theo nhà văn Cung Thị Lan, một trong những tiêu chí quan trọng đối với các ứng cử viên của giải Nobel hoà bình là họ phải vượt ra khỏi nỗi sợ hãi, không bị ràng buộc hay ảnh hưởng bởi bất kỳ sự kiểm duyệt hay kiểm soát nào.

“Khi một nhà văn viết mà không sợ, nghĩa là viết đúng lương tâm, mục đích hướng thiện thì mới (xứng đáng) được giải Nobel. Tôi thấy có những nhà văn sợ rằng viết ra thì sẽ bị cái này cái kia. Mà sống trong xã hội ở Việt Nam thì làm sao mà không sợ được. Sẽ bị trực tiếp hoặc gián tiếp có những công kích. Nhưng đối với Phạm Đoan Trang, tôi thấy tôi phải ngưỡng mộ tác giả Phạm Đoan Trang, vì (trong hoàn cảnh) như vậy mà Phạm Đoan Trang dám nói và dám viết rằng chỉ muốn tự do, dân chủ cho toàn dân tộc chứ không phải tôi ra khỏi tù cho tôi. Điều đó rất thu phục tôi”.

Giữa bối cảnh các thế hệ cha anh, những người đã đổ xương máu cho lý tưởng tự do, dân chủ trong thời chiến đang dần qua đi, BS. Đỗ Văn Hội nói những tấm gương tranh đấu ôn hoà, can đảm và hiệu quả như Phạm Đoan Trang, chính là một tín hiệu “rất đáng mừng” cho tương lai của đất nước.

Chiến dịch vận động đề cử hiện đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ các tổ chức và cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nơi, bao gồm các tổ chức như Thanh Niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam, VietnAMPLIFY, Cộng đồng Người Việt Tự do Ottawa, Tổ chức Văn hoá Việt Ottawa, Canadian Vietnamese Network, Hội người Việt Nova Scotia, Voice Canada, Hội Người Việt Tư do Manitoba, Hội Cựu Quân nhân Quân lực VNCH – Ontario, Swiss Vietnam Committee COSUNAM, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và hơn 30 tổ chức khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG