Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên lên án miền Bắc về vụ bắt giữ nhà truyền giáo


Hình ảnh mục sư Lim Hyeon-soo ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, được hãng thông tấn KCNA đưa lên hôm 30/7/2015.
Hình ảnh mục sư Lim Hyeon-soo ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, được hãng thông tấn KCNA đưa lên hôm 30/7/2015.

Nam Triều Tiên đang bênh vực một nhà truyền đạo Cơ Đốc giáo người Canada gốc Triều Tiên đã bị tù ở Bắc Triều Tiên và bị đưa ra trước các ống kính trong tuần này ở Bình Nhưỡng, nơi ông thú nhận là có tham gia vào “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Mục sư Lim Hyeon-soo, thuộc Giáo hội Trưởng lão Triều Tiên ở Toronto, đã bị bắt hồi tháng Giêng, ngay sau khi ông băng qua biên giới giáp với Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên. Hôm qua, ông đã công khai thú nhận tội phỉ bang và âm mưu lật đổ chính quyền.

Ông Lim nói: “Tôi thành thực xin lỗi về những tội ác mà tôi đã vi phạm trước toàn thể nhân dân trong nước này. Trong phần còn lại của cuộc đời tôi, tôi sẽ bảo đảm là sẽ cố gắng hết sức mình để làm những điều có lợi cho thống nhất và hòa giải dân tộc”.

Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Jeong Joon-hee bênh vực mục sư người Canada gốc Triều Tiên và nói ông tham gia công tác cứu trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên này nói: “Chúng tôi nhận định rằng việc giam giữ ông về những vấn đề nhỏ mọn như thế và thổi phồng các cáo buộc thành lật đổ nhà nước và các tội ác khác là không thích đáng và không xứng hợp”.

Tội chống nhà nước

Mặc dầu Bình Nhưỡng cho phép một số tổ chức tôn giáo nước ngoài được thực hiện công tác nhân đạo, các nhà truyền giáo đã bị bắt vì vi phạm một lệnh cấm thuyết giảng hay bị cáo buộc là vi phạm các tội ác chống lại nhà nước.

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên của Bình Nhưỡng KCNA cáo buộc nhà truyền giáo người Canada này là hành động như “đầy tớ của đế quốc Mỹ và một nhóm bù nhìn Nam Triều Tiên” và tìm cách “xây dựng một nhà nước tôn giáo” bên trong Bắc Triều Tiên.

Mục sư Chun Ki-won, giám đốc Durihana, một tổ chức truyền đạo Cơ Đốc giáo, biết Mục sư Lim và đã bảo đảm cho công tác của người đồng sự của ông là cung cấp thực phẩm và viện trợ cũng như xây dựng một cô nhi viện và nhà dưỡng lão ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông nói các nhà truyền giáo như chính ông và Mục sư Lim không giới hạn công tác của mình trong việc cứu trợ nhân đạo không thôi và họ không hối tiếc về việc ấy.

Mục sư Chun Ki-won nói: “Mục đích của chúng tôi là truyền giảng phúc âm của Thượng đế. Phúc âm bao gồm nhân quyền và cứu trợ. Mặc dầu Bắc Triều Tiên không ưa những công tác như thế, chúng tôi không đi theo con đường của họ”.

Những người ủng hộ Mục sư Lim nói ông bị ép buộc thú tội, là kết hợp các hành động từ thiện và tôn giáo với những tội ác nghiêm trọng chống lại nhà nước.

Trong lời thú tội, như tường thuật chi tiết của KCNA, Mục sư Lim tường trình về những gì xảy ra bên trong Bắc Triều Tiên với “hàng ngàn người Nam Triều Tiên và người Triều Tiên ở nước ngoài trong bài thuyết giảng vào những ngày Chủ Nhật” và trong những chuyến đi truyền giáo ở trên 20 quốc gia.

Tin ghi rằng ông đã thú nhận: “Tôi rao giảng và thuyết trình rằng Bắc Triều Tiên phải sụp đổ với tình thương của ‘Thượng đế'”.

Ông cũng bị cáo buộc là đã thú nhận đánh dấu những gói thực phẩm bằng những chữ thập có tính cách tôn giáo và những câu trích trong Kinh Thánh và âm mưu giúp những người đào tị trốn từ miền Bắc qua miền Nam.

Lợi thế để thương nghị

Nhà hoạt động nhân quyền Choi Yong-sang thuộc Mạng lưới Dân chủ và Nhân quyền Bắc Triều Tiên ở Seoul nói đã có một cuộc trấn át các tổ chức tôn giáo làm công tác cung cấp viện trợ ở Bắc Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền.

Ông Choi nói: “Cá nhân tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên đang thực hiện một hình thức ngoại giao mới bằng cách dùng cưỡng chế và bắt giữ các mục sư và các nhà truyền giáo làm công tác truyền đạo hay cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Bắc Triều Tiên”.

Theo ông, Bình Nhưỡng tin rằng qua các cuộc thương nghị cấp cao để đòi phóng thích các thành phần này, họ có thể đạt được những nhượng bộ về chế tài quốc tế nhắm vào Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của họ, hay chấm dứt các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc đòi truy tố chế độ Kim Jong Un về các vi phạm nhân quyền.

Bộ Ngoại giao Canada đã bày tỏ quan ngại sâu xa về việc bắt giữ Mục sư Lim, là một công dân Canada, và cho biết sẽ ủng hộ việc phóng thích ông.

Giới hữu trách Nam Triều Tiên cũng tiếp tục theo đuổi việc phóng thích 4 công dân Nam Triều Tiên đang bị miền Bắc giam giữ, kể cả 2 người đã thú nhận là làm gián điệp cho miền Nam, và một sinh viên 21 tuổi của trường Đại học New York hiện là thường trú nhân của Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG